Sức sống mới từ cách dạy học hiệu quả

Không chỉ dừng lại tạo hứng thú và khả năng tư duy độc lập của học sinh, bản đồ tư duy còn được Ban giám hiệu các trường áp dụng linh hoạt trong việc quản lý. Sức sống mới từ phương pháp dạy học tích cực đã làm thay đổi bộ mặt của cấp học THCS.

Trước đây, với cách học truyền thống đã khiến tư duy của nhiều học sinh (HS) đi vào lối mòn, không kích thích được sự phát triển của trí não, điều đó làm cho một số HS tuy rất chăm học nhưng sự tiếp thu vẫn rất ít vì không biết liên kết các kiến thức với nhau, không biết vận dụng những kiến thức đã học trước đó vào phần sau. HS chỉ biết ghi mà không biết cách lưu thông tin sao cho khoa học, tự chủ, độc lập nhất.

Một tiết dạy học với bản đồ tư duy của cô và trò Trường THCS Nam Trung Yên, Hà Nội.

Trước thực trạng đó, TS Trần Đình Châu - giám đốc dự án giáo dục THCS II (Bộ GD-ĐT) đã chủ trì nhóm nghiên cứu một cách kĩ lưỡng và tham mưu được với Bộ GD-ĐT đưa thành chuyên đề ứng dụng bản đồ tư duy (BĐTD) hỗ trợ đổi mới phương pháp dạy học tới các cán bộ quản lý và giáo viên THCS. Từ việc triển khai thí điểm ở một số huyện vùng cao như Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hòa Bình…, giờ đây phương pháp giảng dạy bằng BĐTD đã được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các trường THCS trong cả nước.

Bản đồ tư duy (BĐTD), còn gọi là sơ đồ tư duy, lược đồ tư duy…, là hình thức ghi chép nhằm tìm tòi đào sâu, mở rộng một ý tưởng, hệ thống hóa một chủ đề hay một mạch kiến thức… bằng cách kết hợp việc sử dụng đồng thời hình ảnh, đường nét, màu sắc, chữ viết với sự tư duy tích cực.

Ứng dụng BĐTD trong dạy và học đã được triển khai thí điểm tại 355 trường trên toàn quốc từ năm 2010. Hè 2011, chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho tiến hành giảm tải nội dung dạy học từ năm học 2011- 2012, phương pháp dạy học bằng BĐTD là 1 trong 5 chuyên đề dạy học tích cực được tập huấn cho 4.000 giáo viên cốt cán bậc THCS cả nước. Một phương án nhận được rất nhiều sự ủng hộ của học sinh cũng như các cán bộ trong ngành giáo dục.

Thay đổi tư duy trong cả dạy và quản lý

Các thầy, cô giáo trực tiếp giảng dạy bằng BĐTD đều có chung nhận xét rằng, vật liệu làm BĐTD dễ kiếm, cách làm đơn giản và có thể vận dụng với bất kỳ điều kiện nào của các nhà trường hiện nay, đặc biệt là đối với các trường vùng khó. BĐTD có thể được vẽ trên giấy bìa, bảng phụ, sử dụng bút chì, màu, phấn, tẩy... hoặc cũng có thể thiết kế trên powerpoint hay các phần mềm chuyên dùng để hỗ trợ thiết kế BĐTD. Với các trường có cơ sở hạ tầng thông tin tốt, có thể cài vào phần mềm máy tính cho cán bộ, giáo viên, HS sử dụng.

Tại Trường THCS Ngô Quyền - đơn vị đầu tiên được thí điểm dạy học bằng BĐTD ở Hải Phòng, cô Trần Thị Minh Thúy - hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Mặc dù mới triển khai được gần hai học kì nhưng hiệu quả thì đã thấy rõ. Nó được thể hiện ở sự say mê, sáng tạo của HS kèm theo chất lượng giáo dục của các em ngày càng được cải thiện. Có thể nói BĐTD là công cụ, kỹ thuật, là phương pháp dạy học vô cùng hữu hiệu. Nó góp phần dạy học hiệu quả, phù hợp với HS ở mọi địa phương, giúp HS phát triển tư duy, chủ động, sáng tạo, tự tin trong học tập”.

Cùng chung quan điểm này cô Vũ Thị Ngân, tổ trưởng tổ bộ môn Xã hội Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội) chia sẻ thêm: “Sau khi được tiếp cận với BĐTD, tôi thấy công việc của mình đỡ vất vả nhiều so với cách dạy truyền thống đọc - chép trước đây. Dạy học bằng BĐTD một cách linh hoạt giúp HS thuộc bài ngay tại lớp, nhớ nhanh, nhớ sâu, nhớ lâu và nhớ chính xác những nội dung bài học”.

Không chỉ dừng lại việc đưa BĐTD vào dạy học mà nhiều trường THCS đã biết áp dụng trong khâu điều hành quản lý. Ưu điểm dễ nhận thấy nhất khi các trường áp dụng BĐTD trong quản lý đó là thay vì một chồng văn bản dày cộp về thời gian kiểm tra định kì của từng tuần, từng khối, từng môn, nhà trường đã đổi mới công tác quản lý kiểm tra đánh giá chỉ bằng 1 BĐTD quản lí quy chế điểm. BĐTD này chính xác và chi tiết đến từng tuần, từng khối, từng bộ môn với thời gian kiểm tra, số đầu điểm kiểm tra.

Thay vì quản lý nhà trường bằng chồng văn bản dày cộp thì giờ đây chỉ là một BĐTD hệ thống.
(Ảnh chụp tại Trường THCS Nam Trung Yên, Hà Nội)

“Cách đổi mới quản lý chỉ đạo sử dụng BĐTD sẽ giúp cán bộ quản lý nhà trường lập kế hoạch công tác và có cái nhìn tổng quát toàn bộ kế hoạch từ chỉ tiêu, phương hướng, biện pháp… và dễ theo dõi quá trình thực hiện đồng thời có thể bổ sung thêm các chỉ tiêu, biện pháp… một cách dễ dàng so với việc viết kế hoạch theo cách thông thường. BĐTD đã mang lại văn hóa quản lý, điều hành hoạt động giáo dục vừa thiết thực, vừa hiệu quả lại đỡ tốn nhiều thời gian và công sức như trước đây” - cô Đặng Thị Kim Thoa, hiệu trưởng Trường THCS Nam Trung Yên, cho biết.

"Hút hồn" HS lẫn phụ huynh

Dạy học bằng BĐTD giúp HS không nhàm chán về bài học mà luôn sôi nổi, hào hứng từ đầu đến cuối tiết học. Phương pháp dạy học này cũng có ích trong việc củng cố kiến thức và rèn luyện, phát triển tư duy logic, năng lực cho HS, nhất là những em khá, giỏi. HS có thể tự học ở nhà rất hiệu quả, không tốn kém.

Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, giáo viên bộ môn Khoa học Trường THCS Thống Nhất (Hòa Bình), chia sẻ: “Ưu điểm của BĐTD rất lớn, đó là hạn chế chữ, chuyển sang các hình thức kênh màu, kênh hình. Chính các yếu tố này đã tạo cho HS hứng thú hơn khi tiếp cận với bài học”.

Em Đặng Lê Tùng Linh - HS lớp 7C5 Trường THCS Ngô Quyền (Hải Phòng), người đoạt giải đặc biệt trong hội thi “Sáng tạo với BĐTD” do trường này tổ chức hóm hỉnh tâm sự: “Từ khi được học với BĐTD, kết quả học tập của em hơn trước rất nhiều. Em hiểu bài và nhớ bài lâu hơn, mỗi khi có tiết kiểm tra em chỉ cần mang BĐTD ra ôn tập là làm được bài”.

Việc dạy học bằng BĐTD đã thúc đẩy sự sáng tạo của HS.

Còn em Nguyễn Anh Vũ - HS Trường THCS Nam Trung Yên (Hà Nội) cho biết: “BĐTD giúp tự em lập dàn ý nhớ toàn bộ cốt lõi bài học mà không sa vào chi tiết, học vẹt”.

Trong chuyến thăm Việt Nam, 3 sinh viên giỏi người Singapore (quốc gia áp dụng hiệu quả BĐTD trong dạy học - PV ) tiết lộ: “Ở Singapore BĐTD là một phương pháp học mà hầu hết HS đều được làm quen từ khi mới 11-12 tuổi”

“Khi ở lứa tuổi nhỏ và vừa, bài học còn đơn giản, việc sử dụng BĐTD rất thuận tiện vì dễ làm, dễ nhớ. Ở các lớp cuối phổ thông và các bài học phức tạp hơn thì không thể chỉ sử dụng BĐTD mà phải kết hợp thêm nhiều phương pháp khác. Để ôn tập lại các bài học trong một cuốn sách, ngoài việc học bình thường, em và các bạn cũng thường tóm tắt mỗi chương thành một BĐTD và lưu trữ lại thành một tập” - Cho Wen Jing, hiện là sinh viên Trường Warwick University đại diện nhóm bạn cho biết.

Chính sự hứng thú trong tiết học đã tạo động lực cho nhiều HS lâu nay “ngại học” cũng phấn chấn hơn. Trong một dịp tập huấn về phương pháp dạy và học, một giáo viên ở tỉnh Lâm Đồng tiết lộ: “Trước kia khi học theo kiểu “đọc-chép” một số em ở lớp không bao giờ chép bài. Khi thay đổi dạy học bằng BĐTD thì những HS này lại hứng thú đến kì lạ, lúc nào cũng hí húi vẽ và sáng tạo theo cách nghĩ của các em”.

Không chỉ “hút hồn” HS, dạy học bằng BĐTD giờ đây cũng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của nhiều bậc phụ huynh nhất là ở các thành phố lớn.

Anh Đỗ Tuấn Nghĩa (quận Lê Chân, Hải Phòng), một kiến trúc sư có con học lớp 7 đánh giá: “Ngày xưa khi chúng ta đi học thì thường phải hệ thống hóa kiến thức. Hiện nay thì kiến thức được nâng cao lên nên đòi hỏi phương pháp luận hay phương pháp tư duy, BĐTD là một trong những cách để thể hiện được điều đó. Cách làm này đã giúp cho các cháu hệ thống hóa được kiến thức trên một bố cục để làm sao dễ thuộc, dễ nhớ và nắm được một bài hoặc một chương học. Bên cạnh đó nó cũng rèn luyện tính tư duy độc lập để cho đứa trẻ thích, muốn và làm cái điều mà bản thân các em cảm nhận được. Chính những điều này làm cho các cháu tự giác hơn, chủ động hơn và nắm ngay được phần kiến thức cô giảng ở trên lớp. Ngoài ra nó cũng giúp cho các cháu tăng tính mĩ thuật lên khi phải nghĩ cách làm sao để trình bày cho sinh động nhưng vẫn nằm trong khổ giấy cho phép”.

Còn chị Lê Lan (Hải Phòng) có con đang học lớp 9 tâm sự thêm: “Thấy con mình về nhà hý hoáy vẽ, sợ mất thời gian học của con, tôi theo dõi và kiểm tra bài, thấy cháu nhìn vào BĐTD trình bày bài rất thông hiểu, tôi nhìn vào bản đồ cháu vẽ thấy mình cũng đọc và hiểu được kiến thức đó mặc dù những bài học này tôi đã học rất lâu rồi. Tôi thấy cách học đó thật hiệu quả, mất ít thời gian, nhớ lâu, hiểu sâu và đặc biệt cháu ngày càng hứng thú học tập”.

Trước thành công của việc đưa BĐTD vào dạy học ở cấp THCS, TS. Nguyễn Đình Châu - giám đốc dự án THCS II tâm sự: “Thật ra khi nghiên cứu, triển khai BĐTD chúng tôi chỉ mong muốn các em có thể hệ thống kiến thức một cách khoa học để có thể dễ nhớ, dễ thuộc chứ không nghĩ các em có thể sáng tạo, mở rộng đến như vậy”.

Sự thành công dạy học BĐTD ở cấp THCS đang là tiến đề để nhiều Sở GD-ĐT nghiên cứu tiến đến lộ trình áp dụng vào cấp THPT. Việc triển khai đối với cấp tiểu học đang được nhiều Sở cân nhắc vì e rằng chưa phù hợp.

Nguồn www.dantri.com.vn