Thả nổi việc quản lý gas?

Các trường hợp vi phạm sang chiết gas, làm giả bình gas… chỉ bị xử phạt hành chính, không đủ sức răn đe.

Theo quy định hiện hành, Sở Kế hoạch – Đầu tư là cơ quan cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh; Sở Cảnh sát PCCC quản lý việc cấp giấy phép đủ điều kiện an toàn cháy, nổ; Sở Công Thương cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh cũng như chịu trách nhiệm kiểm soát về hoạt động kinh doanh của các cơ sở. Riêng Sở LĐ-TB-XH chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn tại các cơ sở sang chiết, kinh doanh gas…

Nhiều sở nhưng quản không xong

Có quá nhiều cơ quan chức năng cùng quản lý… một cái bình gas, thế nhưng theo ông Nguyễn Sĩ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, trên thực tế, sau khi cấp phép, khâu quản lý, hậu kiểm gần như không có ai nhúng tay vào. Thấy rõ nhất là hiện nay có quá nhiều cơ sở sản xuất vỏ bình kém chất lượng nhưng chưa thấy cơ quan chức năng nào kiểm tra, xử lý và nếu có quy trách nhiệm thì cũng không biết quy cho cơ quan nào.

Cơ quan chức năng phát hiện một cơ sở ở huyện Hóc Môn  trữ hàng ngàn vỏ bình gas của nhiều hãng
để sửa chữa thành nhãn hiệu khác

Theo số liệu báo cáo từ các quận, huyện lên Sở Công Thương TPHCM, trong tổng số khoảng 1.500 cơ sở kinh doanh gas trên địa bàn TP, chỉ có 900 cơ sở có giấy phép đủ điều kiện kinh doanh; số còn lại hoạt động không phép. Vì sao một số lượng lớn cơ sở không phép vẫn kinh doanh? Ông Tôn Quang Trí, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết sở thường xuyên chỉ đạo Chi cục QLTT TPHCM kiểm tra gắt gao mặt hàng này nhưng chi cục cho rằng họ không đủ người trong khi phải quản lý nhiều lĩnh vực khác.

Điều đáng nói là từ năm 2005, theo chỉ đạo của UBND TPHCM, việc cấp phép kinh doanh gas tạm ngưng. Do quản lý lỏng lẻo nên thời gian qua xảy ra tình trạng mua bán giấy phép kinh doanh với mức giá từ vài chục triệu đồng cho đến gần cả trăm triệu đồng/giấy.

Ít kiểm tra, xử phạt nhẹ

Ông Lê Công Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định Kỹ thuật An toàn Khu vực 2, Bộ LĐ-TB-XH, cho biết đơn vị đã có thiết bị kiểm định hiện đại nhưng thời gian qua, lượng vỏ bình đến trung tâm kiểm định rất ít. Bên cạnh đó, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng không kiểm tra thường xuyên tình trạng sang chiết gas, tạo kẽ hở để các cơ sở “móc túi” người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Quốc Việt, Phó Chánh Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, nói trong năm 2011, đơn vị chỉ tập trung kiểm tra an toàn lao động. Theo kế hoạch năm 2012 mới kiểm tra hơn chục cơ sở sang chiết gas trên địa bàn. Còn trước đó, năm 2009, sở chưa kiểm tra các cơ sở chiết nạp gas.

Vấn đề xử lý vi phạm cũng là khâu đáng bàn. Theo ông Nguyễn Sĩ Thắng, các cơ sở kinh doanh gas vi phạm, hiện nay chỉ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền thấp nên không đủ sức răn đe. Viện dẫn vụ một doanh nghiệp ở huyện Hóc Môn sửa chữa hàng ngàn vỏ bình gas trái phép của nhiều thương hiệu gas bị cơ quan chức năng phát hiện mới đây cũng chỉ bị xử phạt hành chính 2 triệu đồng. Bà Lê Thị Anh Mẫn, Chủ tịch Chi hội Gas Miền Nam, cho rằng mức phạt như thế thì làm sao đủ sức răn đe người kinh doanh phi pháp.

Giới chuyên môn cho biết các cơ sở kinh doanh gas ngại đem vỏ bình đến các trung tâm lớn để kiểm tra vì chi phí cao và có thể bị yêu cầu ngưng sử dụng.

Nguồn www.nld.com