Từ Phan Rang - Tháp Chàm, chúng tôi về trang trại nho Ba Mọi ở thôn Hiệp Hòa, xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận), nơi được nhiều người biết đến bởi sản phẩm nho và rượu nho đã có mặt ở nhiều siêu thị ở TPHCM và Hà Nội.
Ông Ba Mọi (Nguyễn Văn Mọi) đang bận tiếp khách, nên chúng tôi xin phép ra vườn. Vườn nho được chăm chút khá kỹ, từng chùm trái được bọc túi cẩn thận. Theo bà Ba, bọc túi như vậy để tránh mưa nắng, sâu bệnh, chim chóc. Bà bảo chúng tôi có thể hái ăn luôn, mà không sợ thuốc.
Bà Ba Mọi chăm sóc nho theo tiêu chuẩn “sạch”.
Tiếp khách xong, ông Ba vội vã ra vườn. Ông bảo vị khách vừa rồi là chuyên gia của Viện Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam đang giúp ông trị bệnh thán thư trên cây nho. Bệnh này gây thiệt hại khá nhiều cho nhà vườn, nhưng cho tới giờ vẫn chưa có biện pháp giải quyết triệt để.
Ông cho biết, mấy chục năm qua, gia đình ông gắn bó với vườn nho. Trước đó, chỉ trồng hái theo kinh nghiệm, sau này, ông tìm đến Viện Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam để được hướng dẫn kỹ thuật, đưa chế phẩm sinh học và phân vi sinh vào thay thế các loại thuốc sâu và phân bón hóa học. Hiệu quả rõ rệt, năng suất, và nhất là chất lượng nho tăng lên. Theo hướng này, năm 2007, gia đình bắt đầu chuyển sang làm theo tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt). Năm 2010 được nhận chứng chỉ, từ đó, nho sạch Ba Mọi đã vào được các siêu thị ở TPHCM và Hà Nội, sánh vai với nho ngoại Thái, Mỹ. Cung không đủ cầu nên ông có đặt thu gom sản phẩm từ các “vệ tinh”, tuy nhiên, số hộ nông dân đầu tư theo tiêu chuẩn không nhiều, vì vậy, vẫn không đủ đáp ứng cho thị trường kỹ tính.
Theo ông Ba, làm nho cực kỳ khó, làm cho đẹp khó hơn, để an toàn càng khó. Phải đầu tư nhiều, chi phí cao, nếu nhà vườn làm kiểu ăn xổi, đầu tư thấp thì lại phải bán thấp. Ông chỉ những chùm nho được bọc túi tốn kém. Một tấn nho hết khoảng 2.000 - 3.000 túi bọc (nhập khẩu), thêm khoản tiền túi, nhưng bù lại, giữ được trái đẹp, bán giá cao, đằng nào cũng vậy. Tuy nhiên, không phải ai cũng làm được. Năm nay, diện tích nho có giảm nhiều so với những năm trước (từ hơn 1.000ha xuống còn 700ha) là do năm ngoái ngập lụt, nho chết. Ngoài ra, một số diện tích bị bỏ do bệnh thán thư. Chuyển sang trồng táo, nhà vườn vẫn tận dụng được giàn nho, hết đời táo này, khoảng 4 - 5 năm, chắc bà con lại quay về cây nho. Ở đây, thu nhập từ cây nho vẫn cao nhất. Vào siêu thị, nho xanh đến 50.000 đồng/kg, nho đỏ 15.000 - 20.000 đồng/kg. Nho thường, bán ra chợ chỉ 5.000 - 7.000 đồng/kg cũng không lỗ. Do đó, có thể xóa nghèo từ nho, cũng có thể làm giàu từ nho.
Ông Ba cho chúng tôi nếm thử các sản phẩm chế biến từ nho: mứt nho, siro nho, rượu nho. Xưởng chế biến rượu nho của ông có công suất 50.000 chai/năm, nhưng hiện tại mới chỉ dừng lại ở 15.000 chai, vì không đủ nguyên liệu (cứ 2 tấn nho tươi được 1.000 chai (theo tỷ lệ 2/1), nhưng thu mua thì không có, vì hầu hết bà con chỉ trồng giống nho ăn tươi, bán liền, mà ít trồng những giống nho rượu.
Ông Ba trăn trở, nếu có sự hỗ trợ của nhà nước và các ngành về vốn, kỹ thuật, có sự giúp đỡ của các cơ quan khoa học về ứng dụng công nghệ mới, thì có thể tạo ra sản lượng lớn nho chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn an toàn để cung cấp cho mạng lưới siêu thị ở các thành phố. Mặt khác, nếu tỉnh đầu tư nhà máy chế biến, thì sẽ có thêm nhiều sản phẩm, làm tăng giá trị của trái nho. Sản phẩm có đầu ra ổn định, đời sống người nông dân trồng nho Ninh Thuận sẽ khá hơn.
Được biết, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những năm tới, tỉnh Ninh Thuận cũng xác định nho là cây trồng chủ lực trong cơ cấu cây trồng của địa phương. Theo định hướng của tỉnh, diện tích cây nho sẽ tăng trở lại khoảng 2.500ha, với sản lượng 60.000 tấn/năm. Và sớm muộn thì ở đây cũng sẽ có nhà máy chế biến để đáp ứng nhu cầu rượu nho và các sản phẩm từ nho cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Bảo Nguyên (SGGP Online)