Với hơn 30 tham luận, các chuyên gia, các nhà khoa học đã bàn luận về 3 chủ đề chính: Hiến pháp và vấn đề tổ chức quyền lực; Hiến pháp và vấn đề quyền con người, quyền công dân; vai trò lãnh đạo của Đảng và cơ chế bảo vệ Hiến pháp.
Trong chủ đề thứ nhất, các nhà khoa học đã phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xác định đúng những vấn đề cấp thiết nhất trong việc hoàn thiện Hiến pháp Việt Nam; đưa ra những đề xuất nhằm phát huy tính hiệu quả của hệ thống chính trị, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực trong nhà nước pháp quyền. Các đại biểu cũng đã nghe thuyết trình về kết quả khảo sát của các nhà khoa học đối với hơn 500 bản Hiến pháp trên thế giới (phạm vi, mức độ chi tiết hóa…).
Với chủ đề thứ 2, nhiều chế định cụ thể cũng đã được đề xuất nhằm sửa đổi một số vấn đề về quyền tự do và an ninh cá nhân, quyền tự do kinh doanh cùng các quy định khác về quyền và nghĩa vụ công dân trong Hiến pháp hiện hành.
Các ý kiến đều khẳng định việc quy định về vai trò lãnh đạo của Đảng trong Hiến pháp là một đảm bảo cho việc xây dựng nhà nước pháp quyền thực sự là của dân, do dân và vì dân.
Về cơ chế bảo vệ Hiến pháp, mô hình thành lập Tòa án Hiến pháp độc lập được nhiều nhà khoa học ủng hộ trên cơ sở cho rằng văn hóa chính trị truyền thống của Việt Nam không những không cản trở việc thiết lập một Tòa án Hiến pháp mà còn có những tiền đề cần thiết hỗ trợ cho việc hình thành một cơ quan như vậy.
Nguồn Báo SGGP Online