(NTO) Rút kinh nghiệm từ các tỉnh, thành đi trước đồng thời để phù hợp với xu thế chung của toàn cầu, tỉnh ta xác định phát triển ngành công nghiệp theo hướng công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế của tỉnh, có giá trị gia tăng cao để qua đó tạo tăng trưởng đột phá để chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Cụ thể:
Đến năm 2020, ngành Công nghiệp đóng góp 12% GDP toàn tỉnh và giải quyết 13% lao động xã hội.
Trong ảnh: Sản xuất bê-tông tươi tại Công ty TNHH Hoàng Nhân - cụm Công nghiệp Thành Hải,
Tp.Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: VM
Một là, đối với các ngành công nghiệp chế biến mà tỉnh có lợi thế sẽ phát triển theo hướng hội nhập quốc tế, xây dựng thương hiệu mạnh và tham gia vào chuỗi phân phối toàn cầu. Phát triển mạnh sản xuất muối công nghiệp và hóa chất sau muối, với quy mô sản xuất lớn nhất cả nước từ 4.000- 5.000 ha, sản lượng hàng năm 450- 500 nghìn tấn, chiếm 50% sản lượng toàn quốc và phát triển các sản phẩm hóa chất sau muối như muối cao cấp, xút magiê-clo. Chế biến các sản phẩm đá granite trở thành sản phẩm vật liệu cao cấp của tỉnh, cung cấp cho thị trường xây dựng trong nước và hướng đến xuất khẩu vật liệu xây dựng cao cấp.
Hai là, phát triển mạnh ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống với nguồn nguyên liệu chủ động và là những sản phẩm có lợi thế của địa phương. Theo đó, hình thành từ 1 đến 2 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu quy mô từ 10 – 20 nghìn tấn/năm, nhà máy chế biến nhân điều quy mô 10 - 20 nghìn tấn/năm, nhà máy chế biến thịt gia súc, gia cầm với sản phẩm có lợi thế từ ngành chăn nuôi của địa phương như dê, cừu quy mô 3 nghìn tấn/năm; phát triển nhà máy sản xuất rượu nho gắn với việc hình thành các khu du lịch sinh thái.
Ba là, phát triển mạnh ngành công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản như quặng Titan. Từng bước hình thành các ngành công nghiệp mới như sản xuất đồ gỗ, hóa chất sau muối, các sản phẩm tiêu dùng khác.
Bốn là, phát triển mạnh các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ cho sản xuất công nghiệp như lắp ráp, gia công cơ khí, sản xuất các linh kiện cơ khí phục vụ cho các nhà máy sản xuất điện.
Năm là, tập trung phát triển một số sản phẩm chủ lực của tỉnh theo hướng đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao và mở rộng quy mô sản phẩm phù hợp như sản phẩm đường và sản phẩm sau đường đạt 11 – 12 nghìn tấn, tinh bột mỳ 7 - 8 nghìn tấn, nhân hạt điều và sản phẩm sau điều đạt 14 - 15 nghìn tấn, chế biến thịt gia súc (dê, cừu) 30 nghìn tấn, rượu vang nho 1,2 triệu lít, chế biến bột cá 2 nghìn tấn.
Sáu là, tập trung phát triển các Khu công nghiệp: Giai đoạn 2011 - 2015: lấp đầy giai đoạn I ở 2 khu công nghiệp Du Long và Phước Nam. Giai đoạn 2016 - 2020: Triển khai Khu công nghiệp Cà Ná diện tích 1.000 ha; mở rộng giai đoạn II hai khu công nghiệp, trong đó Khu công nghiệp Du Long mở rộng thêm 800 ha, Khu công nghiệp Phước Nam mở rộng thêm 200 ha. Ngoài ra nghiên cứu, xây dựng và từng bước triển khai theo quy hoạch ở mỗi huyện có 1 - 2 cụm công nghiệp với quy mô khoảng 30 - 50 ha để thực hiện chủ trương công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân…
Với những định hướng nêu trên, tin rằng sẽ tạo nên “cơ hội đầu tư mới” cho các nhà đầu tư có thiện chí đến với Ninh Thuận.
Tuấn Dũng