Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm (Ban chỉ đạo 138 Trung ương), đồng chí Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 138 Trung ương dự họp. Hội nghị tổ chức theo hình thức truyền hình trực tuyến tới lãnh đạo các địa phương trong cả nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang trao đổi với các đại biểu dự hội nghị.
Ảnh: Chinhphu.vn
Chỉ thị 48/CT-TW tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phòng chống tội phạm
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Trần Đại Quang nhấn mạnh, sau khi Chỉ thị 48 ban hành, các bộ, ban, ngành, cấp ủy vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt hơn, nhận thức của các tầng lớp cán bộ, nhân dân về công tác phòng chống tội phạm chuyển biến mạnh mẽ. Các cơ quan chuyên trách đã mở nhiều đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm. Nhiều vụ án lớn đã được điều tra kịp thời, phá án thành công. Thông qua tuần tra kiểm soát cũng đã phát hiện nhiều băng nhóm tội phạm có tổ chức ở các địa phương đã thu được những kết quả.
Trong quá trình chỉ đạo thực hiện, cơ quan thường trực là lực lượng Công an đã phối hợp với các cấp, các ngành, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống tội phạm, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm; xác lập nhiều chuyên án, điều tra triệt phá hàng trăm băng nhóm tội phạm nguy hiểm, nhiều tổ chức đường dây ma túy lớn, phát hiện điều tra nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng, thu hồi hàng trăm tỷ đồng; xóa bỏ nhiều tụ điểm phức tạp về hình sự, tệ nạn xã hội và ma túy.
Bên cạnh đó, lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án các cấp đã phối hợp làm tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, có sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Đến nay, các địa phương đã xây dựng được nhiều mô hình điển hình về phòng, chống tội phạm, thông qua hoạt động của các mô hình đã xuất hiện tấm gương quần chúng dũng cảm tham gia tấn công trấn áp tội phạm.
Bộ trưởng Trần Đại Quang cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục. Đó là, công tác phòng ngừa xã hội hiệu quả còn thấp, tình hình tội phạm được kiềm chế nhưng chưa giảm, nguồn lực đầu tư chưa cao. Việc thể chế hóa đường lối chủ trương còn chậm, một số ngành, địa phương triển khai chưa thực sự hiệu quả, còn hình thức.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể là thành viên của Ban Chỉ đạo cũng cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được trong năm qua, ở một số địa bàn cơ sở, công tác chỉ đạo chưa được tập trung đầy đủ, đúng mức nên chưa huy động tối đa được sức mạnh của toàn dân vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Việc triển khai thực hiện một số nơi vẫn còn mang tính hình thức. Phong trào toàn dân lên án, tố giác tội phạm, cảm hóa giáo dục, cải tạo người phạm tội tại gia đình và cộng đồng dân cư đã có chuyển biến nhưng chưa mạnh.
Đại diện Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam,
Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền phòng, chống tội phạm
giai đoạn 2012-2015. Ảnh: Chinhphu.vn
Tăng cường trách nhiệm trong công tác lãnh đạo phòng chống tội phạm
Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những kết quả mà Ban Chỉ đạo 138 các địa phương đã đạt được, đồng thời cũng nêu lên những hạn chế cần sớm được khắc phục trong thời gian tới. Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ, tình hình tội phạm vẫn gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong nhân dân, nhất là các băng nhóm tội phạm hoạt động theo kiểu xã hội đen, đe dọa cuộc sống bình yên của nhân dân.
Việc triển khai Chỉ thị và các văn bản có liên quan nhiều nơi còn tổ chức hình thức, một số nơi mới dừng lại ở phổ biến, quán triệt nên hiệu quả chưa cao, nhất là có nơi người đứng đầu chưa coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên nên chỉ đạo chưa quyết liệt; hiệu quả, hiệu lực của quản lý nhà nước còn tạo sơ hở cho tội phạm hoạt động; tuyên truyền, giáo dục chưa tốt, hiệu quả còn thấp…
Do đó, để bảm đảm hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là lực lượng công an phải xác định trách nhiệm lãnh đạo đối với công tác này là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và lâu dài từ Trung ương đến cơ sở, lấy việc triển khai ở cấp xã phường là trọng tâm, xác định địa bàn trọng điểm, phức tạp để chỉ đạo quyết liệt.
“Ở đâu để tội phạm gia tăng, Bí thư, Chủ tịch, Trưởng Công an phải chịu trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân. Đồng thời, không để xảy ra tình trạng bao che, dung túng cho tội phạm hoạt động”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu này.
Vì vậy, ngay trước Tết Nguyên đán Nhâm Thìn, các lực lượng chức năng phải tiến hành mở các đợt tấn công, truy quét tội phạm để nhân dân đón Tết thật vui tươi, an toàn. Muốn vậy, phải tăng cường đấu tranh với từng loại tội phạm ở từng địa bàn cụ thể.
Phó Thủ tướng chỉ đạo các đơn vị liên quan tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật đối với công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này, kiện toàn các Ban Chỉ đạo 138 và 130, xây dựng các hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với từng vùng miền, đối tượng cũng như xây dựng được ý thức giáo dục, phòng ngừa và răn đe tội phạm trong xã hội.
* Cũng trong sáng ngày 5-12, Bộ Công an, Bộ Thông tin - Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân đã ký kết chương trình phối hợp tuyên truyền phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015.
Nguồn www.chinhphu.vn