CPI tháng 11: Tín hiệu khả quan

Việc CPI tăng chậm lại tương đối nhanh từ tháng 8 và tăng thấp trong tháng 10, tháng 11 là tín hiệu khả quan để CPI cả năm 2011 tăng khoảng 18% như dự kiến của Chính phủ và bảo đảm tính khả thi của mục tiêu dưới 10% của năm 2012.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 theo công bố của Tổng cục Thống kê, tăng 0,39% so với tháng 10, là tháng thứ tư liên tiếp ở mức dưới 1%. Như vậy, theo thời gian, CPI nếu tăng cao lên từ tháng 1 đến tháng 4, thì đã tăng chậm lại từ tháng 5, đặc biệt tăng chậm lại tương đối nhanh hơn và tăng thấp dưới 1% từ tháng 8 đến nay.

CPI qua các tháng (%)

 
Nguồn số liệu: Tổng cục Thống kê

Việc CPI tăng chậm lại tương đối nhanh từ tháng 8 và tăng thấp trong tháng 10, tháng 11 là một tin vui đối với người tiêu dùng, nhất là những người có thu nhập thấp, những người có thu nhập bằng tiền cố định. Các nhà đầu tư, sản xuất kinh doanh cũng yên tâm hơn và hy vọng sẽ được vay vốn với lãi suất thấp hơn, bởi CPI tăng thấp là điều kiện quan trọng để các ngân hàng hạ lãi suất cho vay. Những người có tiền gửi tiết kiệm không những an toàn mà còn tiếp tục được hưởng lãi suất thực dương do lãi suất tiết kiệm cao hơn CPI và tiết kiệm trở thành một kênh đầu tư có thể được coi là tốt nhất hiện nay so với các kênh đầu tư khác (vàng, ngoại tệ, bất động sản, chứng khoán).

Đây cũng là tín hiệu khả quan để cả năm 2011 CPI tăng khoảng 18% như dự kiến của Chính phủ (vì sau 11 tháng tăng 17,5%) và bảo đảm tính khả thi của mục tiêu dưới 10% của năm 2012. Chỉ tiêu lạm phát theo năm cũng đã lần đầu tiên rời khỏi mốc 20%. Theo dữ liệu từ Tổng cục Thống kê, CPI tháng này chỉ còn tăng 19,83% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc tăng chậm lại và tăng thấp của CPI những tháng gần đây là kết quả tích cực của các giải pháp được đề ra trong Nghị quyết 11 của Chính phủ và được bổ sung trong quá trình thực hiện, trong đó nổi bật là điều hành tốc độ tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán chậm lại, chuyển phương thức điều hành tỷ giá, chưa điều chỉnh tăng giá điện, giảm giá xăng dầu,… chi tiêu dùng của Chính phủ, của dân cư tăng chậm lại,…

Trong 14 nhóm hàng hoá, dịch vụ tiêu dùng, tính chung 11 tháng có 1 nhóm giá tiếp tục giảm là bưu chính viễn thông giảm 2,04% do công cuộc cải tiến kỹ thuật – công nghệ, với chi phí sản xuất giảm, các đơn vị trong lĩnh vực này cạnh tranh giảm giá.

Có 9 nhóm giá tăng thấp hơn tốc độ chung (lương thực; đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giày dép; nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; văn hoá, giải trí và du lịch; hàng hoá và dịch vụ khác).

Chỉ có 4 nhóm giá tăng cao hơn tốc độ chung là thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình, giáo dục, giao thông. Thực phẩm tăng cao chủ yếu là trong 8 tháng đầu năm, còn 3 tháng nay đã giảm liên tục, do sản xuất tăng, tiêu dùng tiết kiệm hơn khi giá cao. Ăn uống ngoài gia đình tăng cao phụ thuộc vào giá thực phẩm và chênh lệch giá giữa nơi sản xuất, lưu thông, chế biến; nhưng 2 tháng nay đã tăng thấp hơn. Giáo dục tăng có tính thời vụ chủ yếu tăng cao vào 9, tháng 10, nay đã tăng thấp trở lại. Giao thông tăng cao chủ yếu vào tháng 3, tháng 4 do 2 lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu; nhưng từ tháng 6 đã tăng thấp, thậm chí đã giảm liền trong 3 tháng nay.

Chưa thể lơ là

Thống kê tốc độ tăng giá tháng 12 trong 19 năm trước thì có năm 2008 giảm, còn 18 năm tăng, với tốc độ tăng bình quân của 19 năm là 0,87% (tháng tăng cao nhất là tháng 12 năm 1997 tăng 2,91%, tiếp đến là tháng 12/2010 tăng 1,98%). Nếu CPI tháng 12 năm nay tăng bằng với mức bình quân trên thì cả năm 2011 sẽ tăng trên 18% một chút.

Một số chuyên gia cho rằng chỉ tiêu lạm phát năm nay có thể đạt được. Ước tính, nếu CPI tháng 12 tăng ở mức dưới 0,42% thì Chính phủ sẽ đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm dưới 18%.

Tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng có thể tháng 12 sẽ tăng cao hơn tháng 11 một chút bởi một số nguyên nhân. Có nguyên nhân do nhu cầu đầu tư, tiêu dùng cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán, cao lên. Giá lương thực sẽ tiếp tục tăng cao chủ yếu do giá thế giới tăng… Giá thực phẩm sau khi giảm 3 tháng liền, nay có thể sẽ tăng trở lại để chuẩn bị và phục vụ nhu cầu cuối năm, nhất là nhu cầu vào dịp Tết Nguyên đán đến sớm hơn mọi năm. Một số mặt hàng khác có liên quan đến đầu tư, tiêu dùng cuối năm cũng có thể tăng cao hơn. Có nguyên nhân tốc độ tăng tín dụng của tháng còn lại có thể vẫn cao hơn mức bình quân của 11 tháng, mặc dù hạn mức cả năm đã giảm xuống còn 12-13%. Có nguyên nhân do tỷ giá VND/USD tháng 11 tăng khá 0,69% và tính chung 11 tháng tăng 2,22% sẽ làm cho chi phí đẩy tăng lên. Yếu tố tâm lý lạm phát vẫn còn khi nhu cầu người dân mua vàng, mua ngoại tệ vẫn lớn, gửi tiết kiệm vẫn thấp,….Vì vậy, chưa thể lơ là với việc kiềm chế lạm phát.

Tại phiên trả lời chất vấn trước Quốc hội ngày 25/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, mục tiêu kiềm chế tăng giá tiêu dùng năm 2011 khoảng 18% là có khả năng thực hiện được. Chính phủ đang chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Chính phủ đang chỉ đạo các ngành, địa phương đẩy mạnh sản xuất, chuẩn bị đủ hàng hóa, bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là về lương thực, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp cuối năm; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ tăng giá; tăng cường thông tin, tuyên truyền để ngăn chặn tình trạng tăng giá do tâm lý...

Nguồn www.chinhphu.vn