Lương chưa hợp lý
Trong thời gian qua, mặc dù điều kiện đất nước gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã có nhiều cố gắng cải cách tiền lương. Tuy nhiên, kết quả vẫn không như mong đợi. Đó là tiền lương không theo kịp với tốc độ lạm phát, ngạch lương sau mỗi lần cải cách vẫn có quá nhiều bậc. Tiền lương giữa các khu vực chưa hợp lý. Cụ thể, khu vực cán bộ do bầu cử chỉ có 10 hệ số mức lương, thấp nhất là 4,3 và cao nhất là 13, trong khi khu vực công chức hành chính và sự nghiệp có tới 56 hệ số, từ mức thấp nhất là 1,48 đến cao nhất là 9,33.
Cải cách tiền lương vẫn chưa theo kịp mức độ tăng giá hàng hóa tiêu dùng.
Ảnh: Linh Tâm
Những bất cập này dẫn đến xu hướng cán bộ dân cử khi đạt mức lương cao là có xu hướng chuyển ngang sang các vị trí có mức lương tương ứng trong bộ máy hành chính trong khi họ còn khá trẻ và thiếu kinh nghiệm về quản lý nhà nước. Sự không hợp lý này làm xói mòn tính chuyên nghiệp của hệ thống hành chính khiến quản lý nhà nước nhiều lĩnh vực gần đây mang tính phong trào. Bên cạnh đó, nhiều đối tượng hưởng lương từ ngân sách nhà nước không phù hợp với chức năng, nhiệm vụ công quyền của nhà nước. Gánh nặng này không những không giảm cùng với quá trình phát triển kinh tế thị trường mà đang tăng lên theo năm tháng. Những năm 90, quỹ lương từ ngân sách chỉ nuôi có 6 đoàn thể, nay tăng lên gần 30 đoàn thể.
Lạm phát cũng là nguyên nhân dẫn đến lương không đủ nuôi CBCC. Theo PGS, TS Nguyễn Thu Linh, Phó Viện trưởng Viện Những vấn đề phát triển, nguyên giảng viên Cao cấp Học viện Hành chính quốc gia: "Một trong những nguyên nhân khiến cho lương chạy theo giá là do hướng tiếp cận để cải cách tiền lương chưa hợp lý. Cả 3 lần Chính phủ cải cách tiền lương đều xuất phát từ "tiền lương tối thiểu". Cách tiếp cận này thoát ly trình độ phát triển của nền kinh tế và giá trị sức lao động hao phí của công chức. Tiền lương công chức không nằm ở đáy, cũng không ở đỉnh của thu nhập xã hội mà thường ở mức trung bình và trung bình khá của xã hội, căn cứ vào tính chuyên nghiệp và giá trị sức lao động của họ".
Xác định rõ đối tượng hưởng lương
Ông Phạm Minh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính (Bộ Nội vụ) thừa nhận: "Thực tế việc điều chỉnh mức lương tối thiểu chung mới thực hiện chủ yếu trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng và khả năng ngân sách nhà nước, chưa bảo đảm được nhu cầu tối thiểu của CBCC, mức tăng tiền lương thực tế thấp nên đời sống của người hưởng lương còn gặp khó khăn". Để giải quyết vấn đề này, hiện Bộ Nội vụ được Chính phủ giao phối hợp với các bộ, ngành xây dựng đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2012 - 2015 và định hướng đến năm 2020. Từ năm 2012 đến 2014 sẽ cố gắng điều chỉnh mức lương tối thiểu cho phù hợp. Tiếp đó, tính toán quan hệ giữa mức lương tối thiểu, trung bình, tối đa và tính đến ngạch lương, thang lương, bậc lương và trợ cấp theo hướng tăng khoảng cách giữa các bậc lương, giảm số bậc trong thang lương, bảng lương và nghiên cứu đưa một số phụ cấp hiện nay vào trong lương mới. Ông Hùng cho biết: "Việc cải cách hệ thống lương CBCC trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020 đã cụ thể: lương khu vực hành chính do ngân sách nhà nước bảo đảm và tính trong chi quản lý hành chính nhà nước; khu vực lực lượng vũ trang do ngân sách nhà nước bảo đảm và tính trong chi ngân sách nhà nước cho quốc phòng, an ninh; khu vực sự nghiệp công do quỹ lương của đơn vị sự nghiệp bảo đảm và được tính trong chi ngân sách nhà nước cho ngành. Việc tách bạch các khối này là cần thiết để việc thực hiện cải cách tiền lương phù hợp với từng đối tượng và khả năng ngân sách".
QH vừa thông qua phương án tăng lương tối thiểu lên 1,05 triệu đồng và phụ cấp công vụ ở mức 25%, theo PGS, TS Nguyễn Thu Linh, sự điều chỉnh mức lương khởi điểm vừa rồi của Chính phủ vẫn ở trong tình trạng lương chạy theo giá. Vì vậy, bà Linh đưa ra quan điểm: "Theo tôi nếu tiền lương tăng mà không phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng bản mô tả công việc của các vị trí công chức, xác định trách nhiệm quản lý công chức theo kết quả công việc, thì tăng lương chưa chắc đã làm công chức tận tụy với nghề. Bên cạnh đó, cần bảo hộ các đoàn thể bằng cơ chế khác để giảm gánh nặng ngân sách. Tiền tệ hóa tiền lương cũng là giải pháp chống được lãng phí trong chi tiêu công. Bà Linh cho rằng, các giải pháp về kỹ thuật không quá khó, song cái khó nhất là những người có trọng trách trong việc này có thực sự cam kết xây dựng đội ngũ công chức theo hướng chuyên nghiệp, sử dụng đội ngũ này để phụng sự nhân dân hay không. Nếu không có cam kết chính trị này thì việc cải cách tiền lương vẫn thất bại.
Nguồn Báo Hànộimới