I/ Thực trạng ngành công nghiệp của tỉnh
Trong những năm qua, ngành Công nghiệp của tỉnh tiếp tục có bước phát triển tích cực. Hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp được đầu tư tạo điều kiện để thu hút các dự án phát triển công nghiệp, trong đó có một số dự án quy mô lớn đã và đang được triển khai. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp chế biến đã quan tâm đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm. Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề được quan tâm hỗ trợ khôi phục và phát triển. Tỷ trọng giá trị GDP ngành Công nghiệp ngày càng tăng trong tổng giá trị GDP của tỉnh. Tổng giá trị sản xuất công nghiệp năm 2010 tăng gấp 1,8 lần so với năm 2005, tăng trưởng bình quân giai đoạn 2006-2010 là 12,5%. Giai đoạn 2006-2010, tổng giá trị đầu tư phát triển năng lực mới đạt 2.630 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng 2 lần so giai đoạn 2001-2005. Ngành công nghiệp của tỉnh từng bước thể hiện vai trò là ngành kinh tế quan trọng góp phần phát triển kinh tế-xã hội địa phương, tăng nguồn thu cho ngân sách, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng ngành Công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của tỉnh. Quy mô sản xuất còn nhỏ bé, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh sản phẩm của một số doanh nghiệp chưa cao và hiệu quả thu hút đầu tư của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn thấp, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu…
Những hạn chế trên do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân khách quan là tình hình khủng hoảng, suy thoái kinh tế thế giới; tình hình lạm phát trong nước, thắt chặt tín dụng, tác động chi phí đầu vào sản xuất gia tăng cùng diễn biến bất thường của thời tiết, song chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan: công tác dự báo chưa lường hết những khó khăn phức tạp phát sinh; việc triển khai các cam kết sau xúc tiến kêu gọi đầu tư chưa mạnh; năng lực quản lý dự án đầu tư còn hạn chế; tiến độ xây dựng hạ tầng kỹ thuật của các khu, cụm công nghiệp chậm, chưa đồng bộ. Việc phân bổ nguồn vốn cho các chương trình đầu tư phát triển công nghiệp chưa tập trung, còn dàn trải, manh mún, hiệu quả thấp; nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại.
Vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy và người đứng đầu một số sở, ngành có liên quan chưa phát huy đúng mức; còn biểu hiện thiếu tập trung và quyết liệt trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện; vai trò tham mưu của ngành chức năng chưa thật rõ nét; đội ngũ cán bộ chuyên môn còn thiếu và yếu nên công tác lập và điều chỉnh quy hoạch còn nhiều bất cập và thiếu kịp thời.
II/ Phương hướng, mục tiêu
Giai đoạn 2011-2015 phát triển công nghiệp của tỉnh có những thuận lợi cơ bản, đó là: quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; hạ tầng kỹ thuật cho phát triển công nghiệp từng bước được đầu tư theo hướng đồng bộ; môi trường đầu tư thuận lợi, chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh đang được nâng lên; tuy nhiên các khó khăn, thách thức như vị trí địa lý không thuận lợi; tài nguyên khoáng sản không nhiều, chỉ có một số khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường; chưa có doanh nghiệp công nghiệp lớn đầu tư trên địa bàn; nguồn nhân lực thiếu và trình độ tay nghề, các điều kiện dịch vụ chưa đáp ứng cho nhu cầu phát triển đang là những cản trở không nhỏ đến quá trình phát triển kinh tế-xã hội nói chung và ngành công nghiệp của tỉnh nói riêng.
Để đẩy mạnh phát triển ngành Công nghiệp của tỉnh trong giai đoạn 2011-2015 và những năm tới theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nội dung sau đây:
1/ Phương hướng
Phát triển Công nghiệp nhanh, bền vững theo hướng công nghiệp sạch và tăng trưởng cao để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, phát triển cơ cấu sản phẩm theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu. Ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế biển gắn với công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng sạch là động lực để tăng trưởng bứt phá và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh, trọng tâm là đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp để thu hút dự án đầu tư thứ cấp. Duy trì và phát triển làng nghề truyền thống, hỗ trợ hình thành các làng nghề mới có triển vọng phát triển trên địa bàn tỉnh nhằm giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho lao động, nhất là khu vực nông thôn.
Phát triển ngành công nghiệp phải đi đôi với bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý, tiết kiệm đất đai, tài nguyên khoáng sản; đảm bảo quốc phòng-an ninh, thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc trong tỉnh. Đặc biệt, ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư theo hướng dự án có công nghệ hiện đại gắn với môi trường, hiệu quả đầu tư cao, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
2/ Mục tiêu, chỉ tiêu đến năm 2015
- Phát triển ngành Công nghiệp sạch, tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường, tạo tăng trưởng cao đối với các ngành công nghiệp tỉnh có lợi thế để chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế, trọng tâm là phát triển công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản, vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, công nghiệp sản xuất muối và hóa chất sau muối, năng lượng tái tạo… phát triển đa dạng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, nhất là các ngành nghề truyền thống, sản phẩm đặc thù của địa phương.
- Phấn đấu giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân hàng năm đạt 26-27%. Cơ cấu kinh tế ngành công nghiệp trong tổng GDP của tỉnh đến năm 2015 chiếm tỷ trọng 27%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu năm 2015 phấn đấu đạt 180 triệu USD.
III/ Các nhiệm vụ trọng tâm
1/ Phát triển công nghiệp năng lượng là trọng tâm, động lực cho sự phát triển
Từng bước xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng sạch, tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm về sản xuất năng lượng tái tạo. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư từ bên ngoài, đặc biệt là huy động tối đa nguồn vốn FDI để đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo gồm: năng lượng gió, năng lượng mặt trời với tổng công suất từ 1.500 - 2.000 MW và nhà máy thủy điện tích năng với quy mô 1.200 MW; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án thủy điện nhỏ: Tân Mỹ công suất 6 MW, Hạ Sông Pha 1 công suất 5,4 MW và Hạ Sông Pha 2 công suất 5,2 MW. Phối hợp và chuẩn bị tốt các điều kiện để xây dựng 2 nhà máy điện hạt nhân công suất 4.000 MW đúng tiến độ đã đề ra.
2/ Tập trung phát triển ngành công nghiệp chế biến có lợi thế theo hướng hội nhập, phát triển công nghiệp thân thiện môi trường và tiết kiệm năng lượng
- Công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản
Tiếp tục phát huy năng lực sản xuất các sản phẩm chủ lực hiện có, tập trung đầu tư đổi mới công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng năng lực cạnh tranh, đầu tư mở rộng công suất gắn với phát triển vùng nguyên liệu, chế biến gắn với thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu như: mía đường đạt 11-12 nghìn tấn, tinh bột mỳ đạt 8-10 nghìn tấn, nhân hạt điều đạt 12-13 nghìn tấn... Đầu tư xây dựng các nhà máy công nghiệp mới với quy mô phù hợp điều kiện phát triển tại địa phương như: Nhà máy Chế biến tôm xuất khẩu công suất 10.000 tấn/năm; Nhà máy Sản xuất bia công suất 50 triệu lít/năm; Nhà máy Chế biến thịt gia súc, gia cầm; chế biến thức ăn nuôi tôm; sản xuất rượu nho gắn với việc hình thành các khu du lịch sinh thái.
Duy trì và mở rộng thị trường các sản phẩm chủ lực tham gia xuất khẩu như nhân hạt điều, thuỷ sản các loại, các sản phẩm từ yến, đá Granite... Phấn đấu đến năm 2015 giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản đạt 150 triệu USD, chiếm 80-85% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Trong đó chế biến thuỷ sản đạt 100 triệu USD, chế biến nông-lâm sản đạt 50 triệu USD.
- Sản xuất, chế biến muối và hóa chất sau muối
Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến có lợi thế như công nghiệp sản xuất muối và hóa chất sau muối, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, mở rộng diện tích sản xuất muối đạt từ 4.000 - 5.000 ha, sản lượng đạt 450 - 500 nghìn tấn/năm và phát triển các sản phẩm hóa chất sau muối như: Muối cao cấp, xút magiê-clo.
Khuyến khích đầu tư cơ giới hóa khâu thu hoạch muối, áp dụng công nghệ mới để sản xuất muối sạch, chất lượng cao, sản lượng ổn định đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu.
- Khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng
Phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản theo quy hoạch. Đẩy nhanh tiến độ thăm dò, khai thác quặng titan-zircon khu vực đồi cát ven biển thuộc huyện Ninh Phước và Thuận Nam. Xúc tiến triển khai đầu tư xây dựng nhà máy chế biến sâu titan quy mô công suất 60.000 tấn xỉ/năm.
Đẩy mạnh khai thác, chế biến đá ốp lát granite đáp ứng nhu cầu các công trình xây dựng cao cấp trên địa bàn tỉnh và trong nước, hướng đến xuất khẩu. Nâng cao năng lực sản xuất các sản phẩm vật liệu xây dựng: gạch tuynen, xi măng, gạch không nung, đá xây dựng…
3/ Phát triển các ngành công nghiệp khác
Tiếp tục hợp tác đầu tư, liên kết mở rộng quy mô, phát triển các doanh nghiệp may công nghiệp đạt công suất 6 triệu sản phẩm/năm. Đẩy mạnh công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, hình thành và phát triển thêm ngành nghề mới như lắp ráp linh kiện điện tử, gia công cơ khí, sản xuất các linh kiện cơ khí phục vụ cho các nhà máy sản xuất điện…
Khuyến khích mở rộng, nâng công suất nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ rác thải và sản xuất các sản phẩm khác từ rác thải như điện sinh khối, than hoạt tính, nhựa tái sinh, kéo sợi và dệt bao PP… Đầu tư hoàn thành, đưa vào hoạt động dự án sản xuất bao bì các loại với sản lượng 8.000 tấn/năm, sản xuất khăn bông với sản lượng 6.240 tấn/năm…
4/ Phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề
Tiếp tục hỗ trợ phát triển các làng nghề truyền thống hiện có, hỗ trợ phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp có lợi thế để hình thành và phát triển làng nghề, phấn đấu trên địa bàn mỗi huyện, thành phố hình thành, phát triển từ 3-5 làng nghề và xây dựng từ 2-3 thương hiệu sản phẩm đặc thù.
Đẩy mạnh phát triển đa dạng các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn, phấn đấu giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, nâng cao tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp, dịch vụ và nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn góp phần xây dựng và phát triển nông thôn mới.
Hình thành các mô hình liên kết hoạt động sản xuất-kinh doanh nhằm tạo điều kiện tập trung nguồn lực về vốn, khả năng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức hợp tác với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về khả năng mở rộng thị trường tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm.
Phấn đấu giá trị sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề đạt tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm từ 16-18%; tạo việc làm mới cho khoảng 5.000 lao động; thu nhập bình quân đạt 1,8 - 2 triệu đồng/người/tháng.
5/ Đẩy nhanh chương trình đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất công nghiệp
Tập trung hoàn thành đầu tư cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp Du Long, Phước Nam, Cà Ná để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp. Nâng cấp các tuyến đường giao thông đến các khu, cụm công nghiệp. Xây dựng quy hoạch chi tiết và tiếp tục kêu gọi đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp khác để trên địa bàn mỗi huyện có ít nhất một cụm công nghiệp. Tiếp tục đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng, cung cấp điện, nước... tại một số điểm gần vùng nguyên liệu để phát triển sản xuất. Thực hiện tốt chủ trương công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn gắn với tiêu thụ sản phẩm nông sản cho nông dân, chú trọng công nghệ sau thu hoạch, góp phần nâng cao giá trị hàng hóa của sản phẩm cây trồng vật nuôi.
Phấn đấu hoàn thành đầu tư hạ tầng và thu hút dự án đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp Tháp Chàm (Phan Rang-Tháp Chàm); Tri Hải (Ninh Hải), Quảng Sơn (Ninh Sơn); chuyển cụm công nghiệp Thành Hải thành khu công nghiệp và cụm công nghiệp Suối Đá (Thuận Bắc) thành khu công nghiệp công nghệ cao; kêu gọi đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp Tân Sơn (Ninh Sơn), Phước Thắng (Bác Ái).
IV/ Một số giải pháp chủ yếu
1/ Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của phát triển công nghiệp, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và tăng thu ngân sách của tỉnh.
2/ Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp của tỉnh phù hợp Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện có hiệu quả mô hình “một cửa” trong giải quyết thủ tục hành chính; tăng cường công tác đối thoại với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư để kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Tạo môi trường đầu tư ổn định, thông thoáng, bình đẳng và đảm bảo lợi ích của các nhà đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để thu hút vốn đầu tư của các thành phần kinh tế.
Thúc đẩy xây dựng và phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ công nghiệp; quan tâm bố trí ngân sách lồng ghép với các chương trình, dự án trong và ngoài nước để xây dựng kết cấu hạ tầng; thực hiện tốt công tác đền bù thiệt hại, giải phóng mặt bằng, tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho nhân dân vùng có dự án đầu tư phát triển công nghiệp.
3/ Xây dựng và ban hành danh mục các dự án kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp đến năm 2015. Rà soát bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư đối với ngành công nghiệp trên địa bàn phù hợp với các quy định về ưu đãi đầu tư hiện hành; xây dựng các chính sách, xúc tiến kêu gọi đầu tư hạ tầng kỹ thuật và các dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp.
Tăng cường công tác khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp nhằm hỗ trợ phát triển công nghiệp nông thôn, làng nghề truyền thống và hình thành các làng nghề mới, giải quyết việc làm, hình thành ngành nghề mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương và nhu cầu thị trường.
4/ Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho người lao động. Nâng cao năng lực, chất lượng đào tạo nghề đối với các cơ sở dạy nghề; đổi mới phương thức đào tạo, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của doanh nghiệp. Xây dựng cơ chế chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài, chính sách hỗ trợ đào tạo cho người lao động... Khuyến khích và có chính sách phù hợp hỗ trợ các doanh nghiệp tự đào tạo hoặc liên kết đào tạo nhằm đáp ứng nguồn nhân lực cho các dự án phát triển công nghiệp.
5/ Tập trung các nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất công nghiệp. Tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu Quốc gia, chương trình khuyến công và các chương trình lồng ghép khác; huy động vốn đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước; phân bổ các nguồn vốn hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai ứng dụng các đề tài khoa học vào sản xuất và khuyến khích đổi mới thiết bị công nghệ hiện đại nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm…
Đổi mới, linh hoạt cơ chế tín dụng đầu tư, đáp ứng kịp thời về vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư, nhất là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Xây dựng vùng nguyên liệu phù hợp; xác định trữ lượng nguồn tài nguyên khoáng sản, nguồn nguyên liệu tre, trúc, song mây…để có kế hoạch khai thác, gắn với phát triển làng nghề, chế biến công nghiệp hiệu quả và bền vững.
V/ Tổ chức thực hiện
1/ Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; các ban Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn tỉnh có trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức quán triệt tạo chuyển biến mạnh về nhận thức, hành động trong toàn Đảng bộ và nhân dân; đồng thời chỉ đạo xây dựng kế hoạch cụ thể để thực hiện có hiệu quả các nội dung đề ra.
2/ Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút phù hợp, đồng thời tăng cường công tác giám sát việc triển khai thực hiện chương trình về phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015, đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.
3/ Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa thành Chương trình về phát triển công nghiệp tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015; phân định rõ thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và giữa các sở, ngành với địa phương trong việc tổ chức thực hiện các nội dung quản lý nhà nước về phát triển công nghiệp; xây dựng lộ trình phát triển phù hợp; rà soát bổ sung các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để thực hiện.
4/ Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị tỉnh chỉ đạo triển khai quán triệt nghị quyết đến đoàn viên, hội viên và các đoàn thể nhân dân. Có các hình thức phù hợp để vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia phát triển sản xuất công nghiệp theo kế hoạch đề ra.
5/ Ban Tuyên giáo tỉnh ủy hướng dẫn triển khai, quán triệt nghị quyết; chỉ trì phối hợp các cơ quan chức năng định hướng cơ quan thông tin, truyền thông thường xuyên tuyên truyền việc triển khai và kết quả thực hiện nghị quyết, các chủ trương, chính sách về phát triển công nghiệp giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh; phát hiện, phản ánh cá nhân, tập thể điển hình trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp để nhân rộng.
6/ Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chủ trì phối hợp với Văn phòng tỉnh ủy và các ban xây dựng Đảng tỉnh uỷ hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc tổ chức thực hiện nghị quyết; định kỳ hàng năm, 5 năm báo cáo kết quả và đề xuất Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh có giải pháp chỉ đạo, tháo gỡ vướng mắc kịp thời nhằm thực hiện thắng lợi toàn diện các nội dung nghị quyết đề ra.