Vợ thổi cơm thì chồng phải nấu nước?
ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) nhận định hoạt động quảng cáo không tự nó thể hiện yếu tố giới, nhưng nội dung và hình thức lại tác động ảnh hưởng khá mạnh mẽ đến mục tiêu bình đẳng giới.
"Quảng cáo nếu không nhằm góp phần nâng cao bình đẳng giới, chống phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em thì rất dễ góp phần duy trì, tạo nên các định kiến về giới", bà Nguyệt nói.
"Thực tế hiện nay, quảng cáo sản phẩm liên quan đến gia đình như nước lau sàn, nước rửa bát, nồi cơm điện, gia vị, thực phẩm, máy giặt, tủ lạnh... hầu hết có các nhân vật chính là phụ nữ - liên tục chăm sóc con cái, nấu ăn trong bếp, chọn hàng trong siêu thị, lau rửa nhà vệ sinh, giặt giũ quần áo...", bà Nguyệt nêu dẫn chứng. "Trong khi đó hình ảnh người đàn ông thì nam tính hơn ở các hoạt động nước uống, xe máy, xe hơi, điện thoại di động, ti vi...".
Điều "không ổn" mà nhiều ĐB nữ chỉ ra là "các quảng cáo đã tự động phát đi một thông điệp méo mó: phụ nữ suốt ngày phải lo nội trợ, phục vụ gia đình, chiều chồng chăm con" .
ĐB tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra nghiên cứu lại "xem dự thảo đã giúp tăng cường bình đẳng giới hay làm cho tình trạng bất bình đẳng giới thêm trầm trọng".
ĐB Lê Thị Nguyệt: Quảng cáo đã tự động phát đi thông điệp phụ nữ suốt ngày phải lo nội trợ...
Một ĐB nam, ông Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) lại quan tâm đến tác động của quảng cáo đến trẻ em.
"Nhiều quảng cáo đang tạo cho trẻ em suy nghĩ, lời nói, hành động trái đạo đức, thuần phong mỹ tục, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, an toàn và sự phát triển bình thường của trẻ", ông Cảnh nói.
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) thì thấy có rất nhiều quảng cáo thôi thúc, thu hút trẻ em sưu tầm hoặc trả lời các câu hỏi để thông qua đó kinh doanh các sản phẩm trò chơi đắt tiền, lợi dụng sở thích và sự thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm thực tế trong mua bán của trẻ, khiến phụ huynh rất bức xúc.
Ông Hải đề nghị bổ sung vào luật quy định "cấm lợi dụng sự thiếu kinh nghiệm trong mua sắm của trẻ em để kinh doanh...".
Phát biểu gần cuối buổi thảo luận, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nhận định đây là "luật khó nhất trong các luật vì đụng chạm với toàn xã hội, đôi khi rất vô hình, dễ xảy ra những tranh chấp về lợi ích, còn thảo luận còn nảy sinh, còn phát hiện nhiều vấn đề".
"Nhưng vấn đề nào cũng có hai mặt", ông Quốc nhấn mạnh. "Ta đòi hỏi thời lượng quảng cáo vừa phải trên các phương tiện truyền thông, nhưng thực tế ngân sách nhà nước đâu có nuôi các cơ quan này. Xu thế xã hội hóa đang là nguồn lực mạnh thì ta lại muốn hạn chế nó".
"Các đại biểu nữ rất quan tâm, tôi cũng đồng tình phải bảo đảm bình đẳng giới, nhưng nếu thế thì thiệt hại đầu tiên là các diễn viên nữ", ông Quốc phân tích tiếp. "Hay chúng ta cứ yêu cầu có một nữ thì phải có một nam. Vợ thổi cơm thì chồng phải nấu nước?"
Lường trước hình thức quảng cáo mới
Ông Quốc cũng nhận định đời sống thay đổi hàng ngày, hàng giờ, nhất là các phương tiện, phương thức quảng cáo ngày càng phức tạp khi ứng dụng nhiều công nghệ mới. Ông sợ rằng "khi luật ra sẽ lập tức bị lạc hậu", bản chất cạnh tranh của thị trường sẽ dẫn đến tình trạng lách luật.
ĐB Trương Thị Yến Linh: Cần bao quát cả quảng cáo trên blog, game online...
ĐB Trương Thị Yến Linh (Cà Mau) cũng lưu ý dự luật cần bao quát đầy đủ các hình thức quảng cáo hiện đại như trên các mạng xã hội, blog, trên phương tiện cá nhân, trên các loại hình game online, màn hình laptop, quảng cáo theo kiểu thay đổi nội dung thường xuyên theo nhu cầu của các doanh nghiệp...
Bà Linh nhấn mạnh "cần nắm bắt xu hướng phát triển của các hình thức này trong tương lai để điều chỉnh kịp thời mà không phải sửa luật" bằng cách làm rõ nội dung dự luật là hướng tới điều chỉnh nội dung văn hóa, đảm bảo thuần phong mỹ tục và bản sắc dân tộc của quảng cáo hay điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến sự phát triển của một ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao, mang tính sáng tạo, ngành công nghiệp hỗ trợ đắc lực cho các ngành kinh tế khác phát triển, quảng bá hình ảnh quốc gia, đóng góp tích cực cho ngân sách nhà nước.
ĐB Nguyễn Văn Minh (TP.HCM) cho rằng "Luật Quảng cáo cần kế thừa và kết hợp những giá trị hợp lý trong Luật Thương mại và Pháp lệnh Quảng cáo hiện hành. Mặt khác đột phá theo hướng nhận thức đúng và đầy đủ hơn về quảng cáo, đảm bảo dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, dễ xử lý".
"Việc kết hợp tư duy kinh tế và tư duy văn hóa trong luật này đòi hỏi sự chỉ đạo nhất quán rành mạch mối quan hệ giữa văn hóa là nền tảng tinh thần và phát triển kinh tế là động lực", ĐB TP.HCM nói.
Dự án Luật Quảng cáo được cho ý kiến lần đầu tại kỳ hợp này và sẽ tiếp tục được thảo luận ở kỳ họp sau.
Nguồn VietNamNet