Trong những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Các cấp, các ngành đã tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo tiếp cận tốt hơn các chính sách an sinh xã hội cơ bản; kết cấu hạ tầng huyện Bác Ái và các xã nghèo, thôn nghèo trong tỉnh được quan tâm đầu tư; đời sống của đại bộ phận người nghèo được cải thiện so với giai đoạn trước; tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, từ 21,29% năm 2005 xuống còn 11,05% vào cuối năm 2010, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và thực hiện công bằng xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế cần khắc phục đó là: tỷ lệ hộ nghèo và nguy cơ tái nghèo còn cao; kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững; đời sống của một bộ phận dân cư miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn; chênh lệch thu nhập giữa các vùng còn lớn; sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội ngày càng gia tăng. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng chưa sâu rộng, nhận thức của một bộ phận người nghèo còn hạn chế, còn biểu hiện trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước và cộng đồng; một số chính sách, dự án hỗ trợ người nghèo, vùng nghèo hiệu quả còn thấp; công tác quản lý, điều hành nguồn lực chưa thật đồng bộ và còn nhiều bất cập; kiểm tra giám sát chưa thường xuyên; nhiều địa phương không có cán bộ chuyên trách giảm nghèo; điều kiện hoạt động của ban chỉ đạo giảm nghèo chưa được đáp ứng đầy đủ.
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ hết sức khó khăn, lâu dài đòi hỏi toàn Đảng và toàn dân phải có quyết tâm và nỗ lực lớn. Vì vậy, để phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những tồn tại hạn chế, tạo sự chuyển biến mới trong công tác giảm nghèo, trong thời gian tới, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, nhiệm kỳ 2011-2015 đã đề ra; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng tỉnh, các huyện, thành ủy và đảng ủy trực thuộc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện tốt các nội dung sau:
1/ Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện các nội dung Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 29-11-1997 của Bộ Chính trị về việc lãnh đạo thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo; triển khai thực hiện Nghị quyết số 80-NQ/CP ngày 19-5-2011 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015; đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng những chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, dự án của Nhà nước về chương trình giảm nghèo; nhằm nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị và người dân quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo đã đề ra; phấn đấu mỗi năm giảm ít nhất 2% tỷ lệ hộ nghèo và đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 5%; đảm bảo kết quả giảm nghèo phải thực sự bền vững.
- Gắn công tác giảm nghèo bền vững với chương trình xây dựng nông thôn mới ở từng địa phương, chỉ đạo cơ quan quản lý các chương trình giảm nghèo có kế hoạch, lộ trình để lồng ghép các đề án, dự án cụ thể nhằm thống nhất trong tổ chức quản lý, phân bổ nguồn lực đầu tư. Tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở huyện Bác Ái và tại các xã nghèo, thôn nghèo và thuộc vùng khó khăn của tỉnh. Chú trọng phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân, khôi phục các làng nghề truyền thống, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và dạy nghề; để người nghèo có điều kiện chuyển đổi nghề từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác, tìm việc làm và tham gia xuất khẩu lao động. Chỉ đạo dự án nhà ở thuộc Chương trình 167/CP của Thủ tướng Chính phủ; khuyến khích vận động các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế tham gia hỗ trợ, giúp đỡ huyện nghèo, xã nghèo, thôn nghèo để sớm hoàn thành mục tiêu đề ra.
2/ Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo tổng kết 5 năm thực hiện chương trình giảm nghèo giai đoạn 2006-2010 trên địa bàn tỉnh; xây dựng phương hướng, kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2011-2015; củng cố và nâng chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp, tạo điều kiện thuận lợi để Ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp hoạt động có hiệu quả; quan tâm, hỗ trợ kinh phí hoạt động từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành; bố trí cán bộ đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng làm công tác giảm nghèo các cấp và chuyên trách tại Văn phòng giảm nghèo của tỉnh và văn phòng điều phối Chương trình 135/CP giai đoạn II để đi vào hoạt động có nề nếp và tham mưu cho ban chỉ đạo các chương trình giảm nghèo của tỉnh hoạt động có hiệu quả hơn.
- Chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch giám sát, đánh giá chất lượng công tác giảm nghèo ở các cấp, các ngành, địa phương trên địa bàn toàn tỉnh gắn tổ chức quán triệt đầy đủ các văn bản chỉ đạo của Đảng về giảm nghèo đến tận người dân và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3/ Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị- xã hội làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên và toàn dân hưởng ứng tham gia các cuộc vận động, như: phong trào “Ngày vì người nghèo”, phong trào xây dựng “Quỹ khuyến học”, vận động thực hiện xây dựng chương trình nông thôn mới… Việc huy động, vận động các nguồn lực giảm nghèo do UBMT các cấp chủ trì và thống nhất trong quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí theo Điều lệ quỹ. Chủ động phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền trong quá trình triển khai thực hiện nhằm đạt kết quả cao nhất.
4/ Các huyện, thành ủy, đảng ủy trực thuộc căn cứ chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và tình hình thực tế của địa phương để xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững trong thời gian tới của địa phương. Phát hiện và phản ánh kịp thời những nhân tố điển hình, những mô hình hoạt động có hiệu quả trên lĩnh vực giảm nghèo để nhân rộng.
- Chỉ đạo cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở có kế hoạch cụ thể, sát thực tế để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững; cụ thể hóa bằng nghị quyết, chương trình hành động; có mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp cụ thể, phù hợp, tránh việc chạy theo thành tích; quan tâm bồi dưỡng đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo; phối hợp chặt chẽ và kịp thời triển khai có hiệu quả các kế hoạch, đề án, dự án giảm nghèo trên địa bàn và đơn vị.
5/ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn việc quán triệt, định hướng các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giải đáp các chính sách về giảm nghèo của tỉnh theo hướng bền vững để mọi người dân biết, thực hiện có kết quả.
6/ Ban cán sự đảng UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi việc thực hiện chỉ thị, định kỳ báo cáo, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo kịp thời.
Chỉ thị này được quán triệt đến tận chi bộ và phổ biến tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân.