Quảng cáo quá mức
Lần theo địa chỉ trên tờ rơi quảng cáo, chúng tôi đến Văn phòng Học viện Kent (Australia) tại địa chỉ số 10 Nguyễn Văn Thủ (quận 1) để tìm hiểu về chương trình học. Tại đây chúng tôi được nữ nhân viên tư vấn rất bài bản: “Chương trình đào tạo gồm có 4 ngành Quản trị doanh nghiệp, Quản trị Marketing, Quản trị kế toán, Công nghệ thông tin. Tất cả các chương trình đều được ĐH Quốc gia TPHCM kiểm duyệt và cho phép đào tạo, không cần thông qua Bộ GD-ĐT, nên anh cứ yên tâm”.
Dù chưa được ĐH Quốc gia TPHCM cho phép đào tạo
nhưng Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam - Đông Nam Á thuộc Trường ĐH KHXH-NV
vẫn chiêu sinh và tổ chức đào tạo các ngành hệ cao đẳng. Ảnh: T.Minh
Cũng theo nhân viên này, thời gian học của chương trình là 18 tháng (gồm 3 học kỳ), học phí 3.000 USD và học tại Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM), bằng cử nhân cao đẳng do Học viện Kent cấp.
Sau khi chúng tôi đồng ý đăng ký học ngành Quản trị kinh doanh, cô nhân viên liền lấy hồ sơ, hướng dẫn tỉ mỉ rồi yêu cầu đóng phí hồ sơ 50.000 đồng. Tiếp theo đó, cô nhân viên này liền xin số điện thoại, email và hướng dẫn chúng tôi vào địa chỉ website: www.diploma.cvseas.edu.vn và nhắc nhở “trong đó có đầy đủ thông tin và cơ sở pháp lý do ĐH Quốc gia TPHCM công nhận”.
Trong khi đó, theo xác minh của chúng tôi, tất cả những chương trình đào tạo này chưa hề được ĐH Quốc gia TPHCM kiểm duyệt và cấp phép đào tạo. Ngoài ra, Văn phòng Học viện Kent tại địa chỉ số 10 Nguyễn Văn Thủ chưa có cơ quan chức năng nào cho phép hoạt động quảng bá, chiêu sinh.
Tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành (mới vừa nâng cấp từ trường cao đẳng lên đại học), trường thông tin quảng cáo, tư vấn tuyển sinh hàng loạt các chương trình liên kết đào tạo quốc tế với: Tổ chức Edexcel (Văn phòng Nam Á tại Malaysia); Trường CĐ Kỹ thuật Chisholm (Australia); Học viện FMSGlobal (Singapore); ĐH Anglia Ruskin (Anh quốc); ĐH California (Mỹ); ĐH Gloucestershire (Anh quốc)… Tuy nhiên, thực tế trường này chỉ được Bộ GD-ĐT cấp phép đào tạo với Tổ chức Edexcel, Trường CĐ Kỹ thuật Chisholm và Học viện FMSGlobal. Các chương trình còn lại đều chưa được bộ cấp phép.
Không chỉ có trường đại học liên kết đào tạo chui mà ngay cả các công ty, trung tâm cũng ồ ạt tự xưng trường “quốc tế” để chiêu sinh.
Trường Quốc tế Raffles TPHCM tại số 117 Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Phú Nhuận thực tế chỉ là Trung tâm Dạy nghề đào tạo thiết kế Raffles (Việt Nam) và được Sở LĐTB-XH TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động dạy nghề sơ cấp (từ 12 tháng trở xuống) tại địa chỉ số 149C Trương Định, phường 9, quận 3. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, đơn vị này tự xưng là Trường Quốc tế Raffles tổ chức hội thảo, tư vấn tuyển sinh và đào tạo hàng loạt ngành có trình độ cao đẳng, cử nhân nhưng chưa được các cơ quan quản lý cho phép. Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM cũng khẳng định đơn vị này không phải là trường quốc tế.
Cùng với Raffles, hàng loạt các đơn vị khác như Trung tâm đào tạo các vấn đề kinh tế hiện đại (CMET), Trường Kinh doanh Melior (The Melior Business School), Trường Kinh doanh Ila (The Ila Business School) số 51 Nguyễn Cư Trinh (quận 1), Trường CĐ Quốc tế PSB… cũng tự xưng danh tuyển sinh đào tạo và cấp bằng cao đẳng chưa được cấp phép với học phí từ vài chục triệu đến hàng trăm triệu đồng. Đặc biệt, Trường Kinh doanh ILA tư vấn cho chúng tôi rằng “sẽ cấp bằng cao đẳng thương mại cho sinh viên với thời gian học chỉ có 5 tháng (20 tuần) nhưng học phí đến 122 triệu đồng (chưa tính học phí tiếng Anh)”…
Cơ quan quản lý không biết?
Thực tế các chương trình liên kết đào tạo quốc tế đang diễn ra rất sôi động và xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện thông tin, thậm chí ngay trên website của các trường nhưng lãnh đạo các cấp và các trường đều… dửng dưng.
Chương trình liên kết đào tạo giữa Học viện Kent và Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM) đã triển khai đào tạo từ năm 2010 nhưng cả lãnh đạo nhà trường lẫn ĐH Quốc gia vẫn không hề hay biết đây là chương trình đào tạo chui. Bởi lẽ việc liên kết đào tạo này được giao cho Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và Đông Nam Á (CVSEAS) thuộc Trường ĐH Khoa học Xã hội - Nhân văn thực hiện.
Trao đổi với chúng tôi về chương trình liên kết này, TS Trần Đình Lâm, Giám đốc CVSEAS cho biết: “Chúng tôi có đầy đủ các cơ sở pháp lý, phương án bảo vệ người học… và có cả quyết định cho phép đào tạo của phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM”.
Thế nhưng, thực tế trong quyết định ngày 15-9-2010, ĐH Quốc gia TPHCM chỉ cho phép đơn vị này đào tạo các khóa học kỹ năng mềm, kỹ năng làm việc, kỹ năng nghề. Và chính đại diện ĐH Quốc gia TPHCM cũng xác nhận với Báo SGGP rằng “chúng tôi chưa hề cho phép triển khai liên kết đào tạo trình độ cao đẳng với Học viện Kent”.
Theo ông Nguyễn Thành Hiệp, Trưởng phòng Dạy nghề Sở LĐTB-XH TPHCM, Trường Quốc tế Raffles TPHCM chính xác là Trung tâm Dạy nghề đào tạo thiết kế Raffles (Việt Nam) và được sở cấp phép hoạt động dạy nghề tại địa chỉ 149C Trương Định, phường 9, quận 3. Đơn vị này chưa được phép đào tạo nghề dài hạn chứ đừng nói đến đào tạo cao đẳng, đại học. Vừa qua đơn vị này cũng đã bị thanh tra sở phát hiện nhiều sai phạm và đã xử lý.
“Cho đến thời điểm này, sở chưa cấp phép cho Raffles hoạt động đào tạo nghề tại địa chỉ 117 Nguyễn Văn Trỗi, phường 12, quận Phú Nhuận. Nếu họ tiếp tục cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ gửi công văn kiến nghị đến lãnh sự quán của họ tại TPHCM để yêu cầu xử lý” - ông Hiệp quả quyết.
Theo Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM, hiện đơn vị này đã và đang rà soát các đơn vị vi phạm trong liên kết đào tạo trong nước lẫn quốc tế để báo cáo Bộ GD-ĐT.
Dự kiến, trong tuần tới, Cục Đào tạo với nước ngoài và Thanh tra Bộ GD-ĐT sẽ thanh tra các cơ sở liên kết đào tạo không phép.
Nguồn Báo SGGP Online