Số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý thông qua đơn thư phản ánh, tố cáo chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ; ít người dám tố cáo tham nhũng, bởi còn thiếu cơ chế cụ thể bảo đảm an toàn cho người tố cáo. Đó là tinh thần thảo luận ở hội thảo quốc tế “Bảo vệ người tố cáo tham nhũng” do Văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng tổ chức ngày 3/1, tại Hà Nội.
Trả thù tàn bạo, tinh vi
Phó trưởng Ban chỉ đạo tỉnh Bình Thuận về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Đình Trung cho hay, qua 5 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng ở tỉnh ông, số vụ việc tham nhũng được phát hiện, xử lý thông qua đơn thư phản ánh, tố cáo chỉ chiếm 14,6%.
Một báo cáo do Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam và UNDP thực hiện cho thấy tâm lý “sợ bị trả thù” phần nào làm hạn chế sự tích cực của người dân, cán bộ, công chức trong việc tố cáo các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng.
Theo ông Lê Văn Lân, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng, không ít người tố cáo bị đe dọa, trả thù với nhiều hình thức tàn bạo và tinh vi.
Tâm lý “sợ bị trả thù” phần nào làm hạn chế sự tích cực tố cáo các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng
Ông Lân nêu dẫn chứng người tố cáo bị đánh trọng thương, có người bị sa thải, đuổi việc, có người bỗng nhiên nhận được vòng hoa tang ở nhà hoặc nơi làm việc. Có trường hợp bố mẹ đấu tranh chống tham nhũng nhưng con cái không được bổ nhiệm, bị thôi việc, một số người tố cáo tham nhũng là nông dân thì bị phá hoại hoa màu, có trường hợp, con của người tố cáo bị đe dọa tính mạng, người thân của họ lâm vào tình trạng hoảng loạn tâm thần, có những người vợ của người đấu tranh chống tham nhũng bị chết vì không chịu nổi áp lực của sự đe dọa, có người còn bị đánh mìn vào nhà hoặc bị giết hại...
Ông Đoàn Kim Thắng, Viện Xã hội học - Viện Khoa học Xã hội Việt Nam cũng nói rõ: “Đa số những người có hành vi tham nhũng là người có chức có quyền, có quyền. Vì lợi ích cá nhân, họ sẵn sàng tấn công người tố giác mình hoặc trực tiếp hoặc thuê côn đồ ra tay giúp. Khi đó, nếu không được bảo vệ thì sẽ không ai dám tiếp tục lên tiếng”.
Nghiên cứu của ông Thắng cho thấy, trù úm là hình thức trả thù có tỉ lệ cao nhất, với 53,2%. Tiếp đó là kỳ thị, phân biệt đối xử. Theo ông, có một số hiện tượng trả thù rất nguy hiểm như xâm hại về lợi ích kinh tế, vật chất và xâm hại về thân thể, sức khỏe...
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Công an Nguyễn Ngọc Anh đã nhấn mạnh: “Bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng là yêu cầu bức thiết”.
Không thể “đại khái”
Theo ông Ngọc Anh, Luật phòng, chống tham nhũng, Luật khiếu nại, tố cáo đã có quy định về bảo vệ người tố cáo, Bộ luật Tố tụng hình sự cũng có quy định bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng trong các vụ án hình sự về tham nhũng. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, chi tiết để có thể thực hiện trong thực tế.
Đại diện Ban chỉ đạo Hà Nội về phòng, chống tham nhũng cũng cho rằng các quy định bảo vệ người tố giác không thể tiếp tục “đại khái” và nằm rải rác ở nhiều văn bản vì dễ dẫn đến bất cập, để lại hậu quả đáng tiếc.
Có ý kiến cho rằng việc bảo vệ người tố cáo, phát hiện hành vi tham nhũng cần được xây dựng thành luật.
Hiện dự án Luật tố cáo và dự thảo quy chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng đang được đưa ra lấy ý kiến để trình Quốc hội và Thủ tướng đề cập khá rõ nội dung bảo vệ người tố cáo.
Đặc biệt, dự thảo quy chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng dự liệu khá chi tiết về đối tượng được bảo vệ cũng như quyền của người được bảo vệ, nghĩa vụ của từng cơ quan chức năng khi nhận được yêu cầu bảo vệ, biện pháp bảo vệ.
Nhiều ý kiến đề xuất tại hội thảo phải bảo vệ cả thân nhân người tố cáo, chủ động bảo vệ người tố cáo tham nhũng ngay từ đầu, kể cả khi họ không yêu cầu, để đề phòng lộ bí mật thân phận và bảo đảm an toàn cho người tố cáo trong quá trình giải quyết.
Ngoài việc quy định người được bảo vệ có quyền được bồi thường nếu bị thiệt hại xảy ra trong quá trình áp dụng biện pháp bảo vệ hoặc thiệt hại do đã yêu cầu mà không được bảo vệ kịp thời, cần quy định rõ hơn chính sách đối với trường hợp người tố cáo tham nhũng đã được bảo vệ, nhưng vẫn bị tấn công hoặc thậm chí hy sinh.
Muốn bảo vệ người tố cáo, phải xem xét, xử lý các thông tin tố cáo một cách nhanh chóng, kịp thời và triệt để. Nếu các cơ quan không xem xét ngay vụ việc thì người bị tố cáo càng có điều kiện để trả thù, trù dập người tố cáo.
Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo TƯ về phòng, chống tham nhũng Lê Văn Lân
Nguồn VietNamNet