Nhiều ý kiến đòi cởi trói
Quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội là thuộc tính cơ bản của trường ĐH. Điều này phải được coi là tư tưởng xuyên suốt của dự án luật
Ông ĐÀO TRỌNG THI
Khẳng định sự cần thiết ban hành luật GDĐH nhưng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH nhận định dự luật vẫn chưa thể chế hóa rõ ràng một số chủ trương, chính sách lớn, chưa giải quyết một số vấn đề quan trọng như: phân tầng các cơ sở GDĐH, quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, cơ chế, chính sách đối với các cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận và vì lợi nhuận hợp lý...
Nhiều ý kiến góp ý dự luật cũng cho rằng: cần giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho cơ sở GDĐH, coi đó là sự cởi trói, tạo môi trường sáng tạo và không gian phát triển.
Dự luật GDĐH giao quyền tự chủ cho các trường ĐH về chỉ tiêu tuyển sinh
nhưng còn hạn chế quyền mở ngành đào tạo - Ảnh: Đào Ngọc Thạch
Ông Đào Trọng Thi - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên và nhi đồng của QH, khẳng định: “Quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội là thuộc tính cơ bản của trường ĐH. Điều này phải được coi là tư tưởng xuyên suốt của dự án luật vì đó là yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp với xu thế phát triển của GDĐH, nhất là trong tình trạng cơ chế xin - cho còn khá phổ biến như hiện nay”.
Tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ của Thường trực ủy ban, dự luật trình tại QH sáng qua đã quy định rõ hơn về nội dung cơ bản và nguyên tắc thực hiện quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH và giao cho Bộ trưởng GD-ĐT vai trò chủ thể quy định cụ thể về điều kiện, mức độ trao quyền tự chủ và xử lý các hành vi vi phạm. Tuy nhiên, ủy ban đề nghị dự luật cần quy định chi tiết hơn về đối tượng và lộ trình thực hiện quyền tự chủ, đặc biệt và trước hết là tự chủ trong các hoạt động đào tạo của cơ sở GDĐH; việc kiểm tra, giám sát và chế tài xử lý vi phạm các điều kiện bảo đảm thực hiện quyền tự chủ.
Báo cáo thẩm tra lại không đồng tình với quan điểm cho mở ngành, chuyên ngành của cơ sở GDĐH do Bộ GD-ĐT trình bày và cho rằng cần phải trao quyền tự chủ trong vấn đề này. Theo đó, trên cơ sở các điều kiện mở ngành, chuyên ngành do Bộ GD-ĐT quy định, các cơ sở GDĐH được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc mở ngành, chuyên ngành đã có trong danh mục đào tạo của nhà nước và chỉ phải báo cáo về Bộ GD-ĐT để quản lý. Đối với các cơ sở GDĐH mới thành lập thì trong năm đầu tiên bắt đầu hoạt động, việc mở ngành, chuyên ngành do Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét quyết định. “Đồng thời, cần tăng cường biện pháp kiểm tra, giám sát và có chế tài mạnh đối với những vi phạm trong việc mở ngành, chuyên ngành” - báo cáo thẩm tra đề nghị.
Ông Đào Trọng Thi đề nghị: “Dự luật cần thể hiện quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý GDĐH, đẩy mạnh trao quyền tự chủ, tự quyết định những vấn đề chuyên môn cụ thể thuộc phạm vi hoạt động của các cơ sở GDĐH. Cơ quan quản lý nhà nước chuyển vai trò từ kiểm soát sang giám sát hoạt động của nhà trường và tập trung vào trách nhiệm chính là hoạch định chính sách và giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện, xóa bỏ dần cơ chế xin - cho. Cơ quan quản lý nhà nước không làm thay việc của cơ sở GDĐH”.
Thừa nhận lợi nhuận và phi lợi nhuận
Trường ĐH tự chủ về chỉ tiêu tuyển sinh
Báo cáo thẩm tra cơ bản nhất trí với các quy định về tuyển sinh như trong dự luật và đề nghị trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH trong công tác tuyển sinh: được tự chủ, tự chịu trách nhiệm quyết định chỉ tiêu tuyển sinh trên cơ sở các tiêu chí, điều kiện do Bộ GD-ĐT quy định; Giao cho các cơ sở GDĐH có đủ năng lực, kinh nghiệm trong công tác tuyển sinh được tự chủ, tự chịu trách nhiệm lựa chọn phương thức, thời gian tổ chức tuyển sinh và báo cáo về Bộ GD-ĐT để quản lý; đồng thời đề nghị bổ sung chế tài nghiêm khắc đối với những vi phạm trong lĩnh vực tuyển sinh không đúng với các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo.
Liên quan đến đòi hỏi thực tiễn cần phải có quy định rõ vấn đề lợi nhuận và phi lợi nhuận. Tiếp thu ý kiến thẩm tra sơ bộ, ban soạn thảo dự luật lần này đã bổ sung định nghĩa về cơ sở GDĐH tư thục phi lợi nhuận. Đồng thời quy định cơ sở GDĐH tư thục dành một phần hợp lý phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và được miễn thuế phần này để tái đầu tư cho hoạt động đào tạo cũng như xác định giá trị tài sản tích lũy được trong quá trình hoạt động. Giá trị tài sản được tài trợ, ủng hộ, hiến tặng là tài sản chung không chia và không được chuyển thành sở hữu tư nhân dưới bất kỳ hình thức nào.
Báo cáo thẩm tra đề nghị bổ sung thêm chính sách, cơ chế phù hợp về thuế, đất đai xây dựng trường, hỗ trợ đầu tư, hỗ trợ đào tạo cán bộ, giảng viên… nhằm khuyến khích các cơ sở GDĐH hoạt động phi lợi nhuận và định hướng, nhằm tránh khuynh hướng thương mại hóa giáo dục.
Chấm dứt tình trạng “cơm chấm cơm”
Về tiêu chuẩn giảng viên, dự luật quy định trình độ chuẩn của giảng viên ĐH là có bằng tốt nghiệp ĐH trở lên. Về vấn đề này, ủy ban cho rằng trình độ giảng viên phải cao hơn trình độ đào tạo. Cụ thể để giảng dạy trình độ CĐ, giảng viên ít nhất phải có trình độ ĐH, còn để giảng dạy trình độ ĐH thì giảng viên phải có trình độ trên ĐH. Do đó, đề nghị quy định trình độ chuẩn của giảng viên ĐH phải có trình độ thạc sĩ trở lên.
Liên quan đến chương trình đào tạo, báo cáo thẩm tra cũng đề nghị ban hành một bộ chuẩn quốc gia về chất lượng GDĐH và yêu cầu về chất lượng tối thiểu đối với các chương trình đào tạo đại trà. Theo đó, luật cần quy định chỉ cho phép thực hiện những chương trình đào tạo bảo đảm yêu cầu về chất lượng tối thiểu và khuyến khích các cơ sở GDĐH nâng cao chất lượng đào tạo, hướng đến chuẩn quốc gia và chuẩn quốc tế về chất lượng.
Còn rụt rè với hội đồng trường
Một vấn đề gây nhiều tranh luận trong dự luật trước đó là ban soạn thảo đã không đưa vào quy định về hội đồng trường. Nhiều ý kiến góp ý cho dự luật này trước đó đã khẳng định: Hội đồng trường là thiết chế quan trọng không thể thiếu đối với các cơ sở GDĐH có quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cao. Sau khi có ý kiến thẩm tra sơ bộ, dự luật lần này đã bổ sung quy định về hội đồng trường trong các cơ sở GDĐH công lập. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cho rằng: vẫn chưa thể hiện đầy đủ. Chính vì vậy, ủy ban đề nghị bổ sung quy định cụ thể về hội đồng trường là thiết chế quyền lực trong cơ sở GDĐH công lập, đại diện cho chủ sở hữu là nhà nước, bảo đảm lợi ích của cán bộ, viên chức, giảng viên, người học và lợi ích cộng đồng; giám sát hoạt động quản lý, điều hành của lãnh đạo nhà trường; gắn nhà trường với cộng đồng và xã hội và bảo đảm tính công khai, minh bạch trong mọi hoạt động của nhà trường...
Theo báo cáo thẩm tra, một số ý kiến đề nghị không nên quy định hiệu trưởng kiêm chủ tịch hội đồng trường. Ông Đào Trọng Thi lý giải: “Hiện nay, tại nhiều cơ sở GDĐH, hiệu trưởng đã kiêm bí thư Đảng ủy, nếu kiêm luôn chức danh chủ tịch hội đồng trường thì có thể dẫn tới tình trạng chuyên quyền, độc đoán”.
Nguồn Thanh Niên Online