Nông nghiệp hướng tới chiến lược nâng cao giá trị gia tăng

Cùng với quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, ngành nông nghiệp cần đề ra được một chiến lược phát triển hướng tới nâng cao giá trị gia tăng, phát triển có chất lượng và bền vững.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh chỉ đạo mang tính chiến lược đối với ngành nông nghiệp trong buổi làm việc sáng 29/10 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về thực hiện kế hoạch năm 2011, phương hướng nhiệm vụ 2012.

Toàn cảnh buổi làm việc của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Ảnh: Chinhphu.vn

Nông nghiệp đảm bảo tốc độ tăng trưởng ổn định

Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, năm 2011 là năm mà ngành nông nghiệp vừa đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng cũng đạt được nhiều thành công.

9 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản ước đạt 162.000 tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nông nghiệp đạt 114.000 tỷ, tăng 3,7%, lâm nghiệp tăng 4% và thủy sản tăng 5,2%. Ước cả năm, tốc độ tăng GDP nông, lâm, thủy sản đạt 2,4-2,6%, tốc độ tăng giá trị sản xuất ước đạt 4-4,2%.

2011 là năm được mùa lúa với sản lượng ước đạt 41,5 triệu tấn, tăng khoảng 1,5 triệu tấn so với năm 2010, đảm bảo an ninh lương thực trong nước và thực hiện được chỉ tiêu xuất khẩu tấn gạo. Lúa, cũng như thủy sản, sản phẩm cây công nghiệp được giá, giúp kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước tăng khoảng 28% so với năm 2010, đạt 25 tỷ USD, thặng dư thương mại gần 9 tỷ USD.

2011 cũng là năm mà các chương trình phát triển nông thôn, cải thiện mức sống dân cư nông thôn được tập trung triển khai mạnh. Tỷ lệ hộ nghèo (tiêu chí mới) dự kiến giảm còn 15,5%, nâng tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 83%...

Trong kế hoạch năm 2012, ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu tiếp phấn đầu đạt tăng trưởng GDP ngành 2,3-2,6%, kim ngạch xuất khẩu đạt 24 tỷ USD, tỷ lệ che phủ rừng 40,5%. Sản lượng lúa khoảng 41,5 triệu tấn, trong đó xuất khẩu 6,5-7 triệu tấn gạo, thủy sản 5,2 triệu tấn…

Tại buổi làm việc, đại diện các ngành kinh tế của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng trình bày các đề án phát triển giai đoạn 2011-2015, định hướng tái cơ cấu lĩnh vực, xây dựng trình chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp.

Hướng tới nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông nghiệp

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định nông nghiệp và phát triển nông thôn là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong chủ trương phát triển kinh tế xã hội của Đảng và Nhà nước. Bước sang giai đoạn phát triển mới, với điều kiện hoàn cảnh kinh tế thế giới, trong nước có nhiều thay đổi, thì ngành nông nghiệp cần có những định hướng tập trung phát triển mới.

“Đó là việc hướng tới việc khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế phát triển của ngành nông nghiệp hiện còn rất lớn. Dư địa, tiềm năng đó là giá trị gia tăng và chất lượng các sản phẩm nông, thủy hải sản”, Phó Thủ tướng nêu rõ.

Do chưa làm được điều này nên ngành nông nghiệp mặc dù chiếm tỷ lệ cao về lao động, tỷ trọng cao về đầu tư từ ngân sách nhưng tỷ lệ đóng góp cho GDP chưa tương xứng, tăng trưởng đang có xu hướng giảm dần, năng suất, chất lượng còn thấp. Đời sống nông dân nhìn chung còn nghèo.

Phó Thủ tướng nói rõ thêm, 5 năm tới ngành nông nghiệp cần tập trung tối đa cho các giải pháp tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Việc tái cơ cấu cần đồng bộ, trước hết là trong chuyển đổi cơ cấu vốn đầu tư, giảm dần sự phụ thuộc vào ngân sách, có chính sách thu hút đầu tư ngoài xã hội, nhất là đầu tư nước ngoài để ưu tiên cho các chương trình khoa học công nghệ, giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng, giá trị cao. Đặc biệt là gia tăng hàm lượng, giá trị chế biến trong tất cả các sản phẩm nông, lâm, thủy hải sản hiện nay, coi đây là khâu đột phá để vừa đảm bảo ổn định về tăng trưởng vừa nâng cao giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp.

Để làm được những thay đổi chiến lược đó, Phó Thủ tướng lưu ý các vấn đề về việc quy hoạch, xây dựng các chính sách, cơ chế “mồi” trong quản lý phát triển nông nghiệp, nông thôn, giải pháp liên kết “4 nhà”… Từ đó, tiến tới xây dựng những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành nông nghiệp Việt Nam (có so sánh với các quốc gia khác), những thương hiệu nông sản Việt Nam với sự kiểm soát chặt chẽ chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguồn www.chinhphu.vn