Quy chế thu, nộp, quản lý và sử dụng quỹ quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Ngày 12-10-2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký Quyết định số 54/2011/QĐ-UBND ban hành Quy chế thu, nộp, quản lý và sử dụng Quỹ Quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh. Báo Điện tử Ninh Thuận trân trọng giới thiệu đến bạn đọc nội dung quy chế này.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quỹ Quốc phòng – an ninh của địa phương là nguồn thu hàng năm được vận động đóng góp từ các hộ gia đình cư trú tại địa phương, cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và hộ gia đình, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh theo nguyên tắc tự nguyện, phù hợp khả năng của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Ngoài ra còn tiếp nhận các khoản ủng hộ của các cá nhân, các tổ chức trong và ngoài nước.

Điều 2. Quản lý, sử dụng Quỹ Quốc phòng – an ninh

UBND xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cấp xã) có trách nihệm quản lý Quỹ Quốc phòng – an ninh, sử dụng hỗ trợ cho những công việc sau đây:

1. Đăng ký, quản lý, xây dựng và phát triển lực lượng dân quân tự vệ.

2. Tuần tra canh gác, truy quét, kiểm tra, kiểm soát địa bàn.

3. Xây dựng phương án dân quân tự vệ tham gia hoạt động khu vực phòng thủ cấp huyện, cấp tỉnh.

4. Tập huấn, huấn luyện, diễn tập và hội thao quốc phòng.

5. Mua sắm trang thiết bị cần thiết cho nhiệm vụ quốc phòng của địa phương.

6. Sơ kết, tổng kết thi đua khen thưởng.

Điều 3. Nguyên tắc thu, nộp, quản lý và sử dụng Quỹ Quốc phòng – an ninh

Việc thu, nộp, quản lý, sử dụng Quỹ Quốc phòng – an ninh địa phương thực hiện theo Luật Ngân sách, bảo đảm chặt chẽ, thiết thực và hiệu quả, đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch, có kiểm tra, kiểm soát trong quản lý, sử dụng Quỹ Quốc phòng – an ninh đúng mục đích, đúng quy chế dân chủ ở cơ sở.

Quỹ tồn cuối năm được luân chuyển sang năm sau và chịu sự quản lý về Nhà nước của cơ quan tài chính cấp trên.

Điều 4. Các đối tượng đóng góp Quỹ Quốc phòng – an ninh

1. Hộ gia đình đang cư trú tại tỉnh Ninh Thuận (trừ hộ gia đình có cha, mẹ, con, vợ hoặc chồng là liệt sĩ, có người là Anh hùng Lực lượng vũ trang, Bà mẹ Việt Nam anh hùng; bệnh binh hạng ¼, hạng 2/4; thương binh đang hưởng trợ cấp; có chồng, con là hạ sĩ quan – binh sĩ đang phục vụ trong Quân đội nhân dân Việt Nam; lực lượng dân quân cơ động; có người bị nhiễm chất độc hóa học; hộ gia đình neo đơn, hộ nghèo theo chuẩn nghèo).

2. Cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh đứng chân trên địa bàn tỉnh.

3. Tiếp nhận mọi nguồn ủng hộ của các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp vào Quỹ Quốc phòng địa phương.

Điều 5. Tạm dừng đóng góp Quỹ Quốc phòng – an ninh

1. Tạm dừng đóng góp Quỹ Quốc phòng – an ninh trong các trường hợp sau:

a) Hộ gia đình cư trú thuộc địa bàn cấp xã nơi bị thiên tai, dịch bệnh và thảm họa khác ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh;

b) Cơ quan, tổ chức bị thiên tai, hỏa hoạn và các thảm họa khác ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất, kinh doanh.

2. Chủ tịch UBND cấp xã quyết định việc tạm dừng tổ chức vận động đóng góp Quỹ Quốc phòng – an ninh cho các đối tượng quy định tại khoản 1 điều này.

Chương II

CHẾ ĐỘ THU, NỘP, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ QUỐC PHÒNG

Điều 6. Mức đóng góp Quỹ Quốc phòng – an ninh

Mức tiền đóng góp Quỹ Quốc phòng – an ninh hàng năm, trên cơ sở tự nguyện của các đối tượng quy định tại Điều 4 quy chế này. Nhưng bảo đảm đúng quy định của Nghị quyết HĐND tỉnh số 17/2011/NQ-HĐND, như sau:

1/ Hộ gia đình được quy định tại khoản 1 Điều 4 của quy chế này mức vận động đóng góp cụ thể như sau:

a) Hộ gia đình ở vùng đồng bằng mức đóng góp là 20.000 (hai mươi ngàn) đồng/năm.

b) Hộ gia đình ở vùng trung du, miền núi mức đóng góp là 10.000 (mười ngàn) đồng/năm.

2/ Đối với các hộ kinh doanh mức đóng góp cụ thể như sau:

a) Vùng đồng bằng mức đóng góp là 40.000 (bốn mươi ngàn) đồng/ năm.

b) Vùng trung du, miền núi mức đóng góp là 20.000 (hai mươi ngàn) đồng/năm.

Đối với các hộ gia đình đã đóng góp theo mức hộ kinh doanh thì không đóng góp hộ gia đình.

3/ Đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị- xã hội mức đóng góp là 100.000 (một trăm ngàn) đồng/năm.

4/ Tổ chức kinh tế, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế quy định tại khoản 2 Điều 4 của quy chế này mức đóng góp là 200.000 (hai trăm ngàn) đồng/năm.

Khuyến khích các tổ chức, cá nhân tự nguyện đóng góp Quỹ Quốc phòng – an ninh cao hơn mức đóng góp được quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 của điều này.

Điều 7. Hằng năm UBND các huyện, thành phố (sau đây gọi chung là cấp huyện) chỉ đạo UBND cấp xã phối hợp với cơ quan thuế trên cơ sở mức đóng góp của các đối tượng được quy định tại Điều 5 quy chế này để lập bộ thu và dự toán thu, chi Quỹ Quốc phòng – an ninh của địa phương gửi về cơ quan tài chính theo dõi, giám sát, kiểm tra, hướng dẫn, sử dụng;

Tiền quỹ thu được và mọi khoản tự nguyện ủng hộ của các cá nhân, hộ gia đình, tổ chức trong và ngoài nước phải nộp vào ngân sách xã và quản lý thu, chi theo quy định.

Điều 8. Việc thu tiền đóng góp Quỹ Quốc phòng – an ninh phải sử dụng biên lai thu theo mẫu thống nhất do cơ quan tài chính cấp. Khi thu phải giao biên lai cho người nộp tiền.

Điều 9. Quỹ Quốc phòng – an ninh của địa phương được phân bổ như sau:

Trích từ 5% đến 7% trên tổng số thu cho bộ phận trực tiếp thu để trang trải chi phí, mức trích cụ thể căn cứ theo đặc điểm của từng địa phương và do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định; số còn được nộp vào ngân sách cấp xã dùng vào chi cho các nội dung được quy định tại Điều 2 của quy chế này.

Điều 10. Hàng năm UBND cấp xã có trách nhiệm lập dự toán thu, chi Quỹ Quốc phòng – an ninh gửi phòng tài chính – kế hoạch và cơ quan quân sự huyện tổng hợp, báo cáo UBND cấp huyện và Sở Tài chính. Sở Tài chính có trách nhiệm tổng hợp dự toán thu, chi Quỹ Quốc phòng – an ninh của cấp huyện trình UBND tỉnh phê duyệt.

Điều 11. UBND cấp xã và UBND cấp huyện có trách nhiệm báo cáo kết quả thu, chi Quỹ Quốc phòng – an ninh của địa phương mình với HĐND cùng cấp và UBND cấp trên.

Vào cuối năm, UBND cấp huyện báo cáo quyết toán thu, chi Quỹ Quốc phòng – an ninh của địa phương trong báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách hàng năm với Sở Tài chính.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm tổ chức thực hiện

1. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về trình tự, thủ tục, nguyên tắc quản lý thu, chi Quỹ Quốc phòng – an ninh theo quy chế này và quy định của pháp luật.

2. Các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã; các đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến và vận động cán bộ, công nhân, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện quy chế này.