Học điều gì nơi xứ người?

Có thông tin cho biết, VFF dự kiến sẽ tổ chức cho một loạt lãnh đạo CLB đi tham quan, nghiên cứu mô hình tổ chức các giải chuyên nghiệp tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Nghe chuyện, một lãnh đạo CLB chặc lưỡi: Học thì tốt rồi, nhưng học điều gì của người ta?

Đúng là điều gì mình chưa biết, nhất định phải học, không được giấu dốt, nhưng học thì cũng có năm bảy loại. Học những cái mình đang chưa biết hoặc là học hết, học lại từ đầu để lấy căn bản. Vì vậy, việc học như thế nào đã khó, đừng nói đây là là chuyện tốn tiền mới có thể học được. Dự kiến, nếu VFF tổ chức cho khoảng 30 người đi, chi phí mỗi người khoảng 3.000 USD thì vị chi cũng mất khoảng 100.000 USD. Chẳng biết nguồn tiền này ở đâu ra, nhưng trước hết, đó chẳng phải là con số nhỏ.

Học tập các giải bóng đá chuyên nghiệp tiên tiến cũng rất cần thiết, nhưng trong thời gian ngắn
phải xác định rõ học điều gì. Ảnh: A.P.

Cũng theo vị lãnh đạo CLB trên, vấn đề là số tiền ấy sẽ rất lãng phí nếu như chuyến đi chỉ dừng lại ở việc tham quan, học hỏi, chẳng khác gì đi du lịch. Nếu như thế, thà rằng tốn thêm 100 ngàn USD nữa mời được những “kiến trúc sư” của một số giải chuyên nghiệp hàng đầu đến “dạy” tại Việt Nam thì vẫn đáng đồng tiền bát gạo hơn. Còn điều việc tham quan, học hỏi thì bây giờ, muốn biết chỉ chịu khó mất thời gian lên mạng internet là có thể biết tất tần tật.

Nhân ý tưởng này, bàn thêm một chút về chuyện học của bóng đá Việt Nam. Thật ra, trước đây các lãnh đạo VFF cũng đã học khá nhiều và họ cũng cho thấy mình khá là “sáng dạ”. Nói đâu xa, chỉ mới sang Nhật Bản có vài ngày mà phái đoàn VFF đã “bày binh, bố trận” nhiều thứ trong việc hình thành Công ty VPF. Nhưng cũng vì học… quá nhanh nên áp dụng một hồi, lại thấy “tắc” và vì thế mới nghĩ đến chuyện lại cử người đi học.

Học cũng nhiều nhưng rốt cuộc, hơn 10 năm làm chuyên nghiệp, cái mà chúng ta tạo ra chẳng giống gì chuyên nghiệp, cũng chẳng hơn gì thời bao cấp. Chẳng qua, các CLB chỉ chuyển loại hình quản lý từ Nhà nước sang tư nhân. Một loạt doanh nghiệp đổ tiền vào bóng đá chẳng qua vì các mối lợi chẳng liên quan gì đến bóng đá. Hay nói cách khác, VFF đã “mở” quá thoáng, để bây giờ muốn tìm cách “đóng” lại thì nhận sự phản ứng dữ dội của các ông bầu đã lỡ đổ nhiều tiền vào bóng đá mất rồi.

Nghĩa là cái việc đi học của chúng ta chưa chắc có kết quả tốt đẹp nếu thật sự, người đi học chẳng biết mình đang thiếu cái gì, cần cái gì. Còn nếu phải đi học lại từ đầu, vài ngày tham quan ngắn ngủi đúng là quá lãng phí.

Nhưng cũng có thông tin cho rằng, ý tưởng đưa các CLB đi học chẳng qua là một “chiêu thức” khác của VFF. Nó không khác gì việc họ gởi thăm dò cho các CLB về chuyện bầu Trưởng giải. Nó cũng chẳng khác gì việc họ tán đồng nhanh chóng đề xuất thành lập VPF của các ông bầu. Tóm lại, chẳng qua là trong các tình thế bị ép quá dữ như thế, chẳng biết làm gì thì VFF cứ làm theo thời thế mà thôi.

Trong khi đó, một việc vô cùng cấp thiết là tổ chức hội thảo bàn về thực trạng bóng đá chuyên nghiệp sau 10 năm thử nghiệm. Phải lục tung hết mọi cái dở, cái hay thì mới biết mình cần gì, thiếu gì. Có phơi bày ra tất cả khiếm khuyết thì mới tạo được sự đồng thuận của dư luận xã hội. Nếu có được điều đó, thì mới biết mình học như thế nào.

Chứ cứ “chơi chiêu” hoài, thì nguy cơ V-League tái đấu muộn dám xảy ra lắm!

Nguồn Báo SGGP Online