Chính phủ chỉ đạo quyết liệt về thu, chi ngân sách
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn, cùng với việc thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thu, chi ngân sách. Điểm đáng chú ý là việc thu ngân sách vượt 13,4% so với nghị quyết của Quốc hội, tiết kiệm chi thường xuyên trên 10% để tăng chi cho an sinh xã hội.
Đa số các đại biểu nhất trí với việc tăng lương theo đề xuất của Chính phủ từ năm 2012.
- Ảnh: Chinhphu.vn
Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ cần quan tâm chỉ đạo khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý điều hành thu chi ngân sách trong nhiều năm qua. Đó là, mặc dù vượt thu so với dự toán nhưng tình trạng thất thu còn nhiều, chi ngân sách nhà nước vẫn vượt so với dự toán Quốc hội giao, chi đầu tư phát triển còn dàn trải…
Về dự toán thu và dự toán chi ngân sách năm 2012, đa số các đại biểu thống nhất nguyên tắc cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước cũng như nguyên tắc phân bổ chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2012. Theo đó, sẽ tăng chi cho nông nghiệp nông thôn, an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ quan trọng khác.
Các đại biểu cũng đề nghị Chính phủ cần tích cực tăng thu và dành nguồn tăng thu để giảm bội chi ngân sách, chi trả nợ công và chi trả nhiệm vụ đầu tư các công trình quan trọng của đất nước; bố trí chi ngân sách Nhà nước cần hợp lý hơn, phân cấp và giao kế hoạch đầu tư trung hạn cho các địa phương để cho các địa phương chủ động, tránh tình trạng dàn trải và trông chờ vào ngân sách Trung ương.
Đa số các đại biểu nhất trí với việc tăng lương theo đề xuất của Chính phủ từ năm 2012.
Về bội chi ngân sách, đa số ý kiến đồng tình với báo cáo của Chính phủ mức bội chi năm 2012 là 4,8% GDP và phấn đấu giảm dần nợ công.
Liên quan đến một số ý kiến còn khác nhau, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ gửi các phiếu lấy ý kiến đến các đại biểu, đồng thời sẽ tiếp thu các ý kiến trước khi cùng Chính phủ hoàn thiện báo cáo và các Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét trước khi biểu quyết thông qua.
Ưu tiên đầu tư cho giao thông
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Đinh La Thăng
đề nghị Quốc hội bố trí ngân sách vượt từ dầu thô cho các dự án giao thông trọng yếu.
- Ảnh: Chinhphu.vn
Nhiều ý kiến thảo luận tại Hội trường Quốc hội chiều 28/10 đồng tình với việc cần thiết dành ưu tiên cho phát triển các dự án hạ tầng, trong đó có các dự án giao thông.
Theo đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh), khi kinh tế tăng trưởng, nhịp độ, sự hối hả vận động của nền kinh tế đang vượt quá sức chịu đựng của hạ tầng. Đại biểu ví von, nền tảng về giao thông hiện nay so với tăng trưởng kinh tế 10 năm qua giống người béo phì đặt trên đôi chân bé như hai cái que.
Còn đại biểu Nguyễn Vĩnh Phúc (Hà Tĩnh) cho biết nếu có dịp về các tỉnh lũ lụt thì mới thấy đầu tư cho giao thông là cấp bách, đầu tư cho giao thông sẽ giảm chi phí vô hình rất nhiều mà ùn tắc giao thông đang gây ra.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa Đinh La Thăng đề nghị Quốc hội bố trí ngân sách vượt từ dầu thô cho các dự án giao thông trọng yếu. Theo Bộ trưởng, tổng số thu ngân sách năm 2011 và 2012 sẽ tăng thêm khoảng 40.000 tỷ đồng từ nguồn thu dầu thô. Nguyên nhân là giá dầu thô bình quân trên cơ sở báo cáo của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam cũng như của các chuyên gia cao hơn giá Quốc hội đang sử dụng khi tính toán.
Những dự án được Bộ trưởng đề xuất gồm 568 cây cầu yếu đang nằm trong chương trình cần giải quyết ngay; tách 10 cầu chung giữa đường sắt và đường bộ; các công trình giao thông dở dang tại các địa phương cần hoàn thành dứt điểm.
Đặc biệt, theo kế hoạch đến năm 2015, ngành giao thông sẽ hoàn thành 600 km đường cao tốc Bắc - Nam và đến năm 2020 hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc –Nam, góp phần thực hiện đưa đất nước cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2020.
Đồng tình với đề xuất này, song đại biểu Trần Du Lịch (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị kèm thêm 3 điệu kiện với ngành giao thông: thứ nhất, phải chống được tiêu cực trong xây dựng như vụ PMU 18 đã xảy ra; thứ hai, nâng cao nhân lực quản trị dự án; thứ ba, đảm bảo mục tiêu về thời gian đối với các dự án. Đại biểu cho rằng chậm tiến độ dự án còn nguy hại hơn cả việc thất thoát, nếu cần thiết nên thay đổi quy chế đấu thầu.
Đề xuất của Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra trong khi phần đông luồng ý kiến trước đó của các đại biểu trong hai ngày thảo luận đề nghị nên dùng 30% ngân sách vượt thu nhằm giảm cho bội chi. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu cân nhắc trước đề xuất trên.
Nguồn www.chinhphu.vn