Chú trọng đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn, an sinh xã hội

Tiếp tục Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIII, sáng ngày 27/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2011 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2012.

Quan tâm đầu tư hơn nữa cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân

Tại phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ, cho rằng trong những tháng đầu năm 2011, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội, nên tình hình kinh tế-xã hội đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng chỉ ra những mặt còn hạn chế, đó là lạm phát còn cao, lãi suất ngân hàng cao ảnh hưởng đến họat động của doanh nghiệp, vấn đề đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân còn chưa thỏa đáng…. Nhiều đại biểu cũng cho rằng, các giải pháp phát triển kinh tế những tháng cuối năm 2011 và những năm tiếp theo về cơ bản đã bám sát tình hình thực tế, song muốn phát triển kinh tế mạnh mẽ hơn, kiềm chế lạm phát ở mức một con số cần có sự góp sức, đồng thuận của toàn dân.

Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường

Theo đại biểu Hoàng Quốc Cường (đoàn Bắc Giang), trong hoàn cảnh kinh tế đất nước gặp nhiều khó khăn, lạp phát tăng cao đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Do vậy, Chính phủ cần tăng cường quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong thời gian qua, việc đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được chú trọng, tuy nhiên, xét về mặt xã hội, đầu tư không những không tăng mà đang giảm đi là điều hết sức đáng lo ngại. Bên cạnh đó, các nguồn vốn nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp không đáng kể, nếu tình trạng này tiếp diễn, trong thời gian tới Chính phủ có tăng cao hơn tổng vốn đầu tư phát triển cho khu vực này thì cũng không thể giải quyết được vấn đề xã hội.

Do vậy, đề nghị Chính phủ xem xét chỉnh sửa các luật đầu tư, chính sách đầu tư để tăng ưu đãi về mọi mặt đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Chúng ta phải khuyến khích thu hút nguồn đầu tư xã hội vào khu vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân, cùng với đó phải có sự phân định rõ trách nhiệm trong đầu tư, cần nêu rõ việc nào nhà nước hỗ trợ, việc nào địa phương làm, việc nào nhân dân đóng góp…, có như vậy mới nâng tổng mức đầu tư xã hội vào nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Cũng đề cập đến vấn đề đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, đại biểu Trương Minh Hoàng (đoàn Cà Mau) nhấn mạnh, trong thời gian qua, việc đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn chưa hiệu quả, nhiều công trình tưới tiêu trong nông nghiệp đã được đầu tư nhưng kém hiệu quả, đến nay không sử dụng được. Do đó, cần chú trọng hơn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân để từng bước đưa khu vực này phát triển kịp với thành thị.

Theo đại biểu Hoàng Đăng Quang (đoàn Quảng Bình), việc đầu tư cho phát triển nông nghiệp là rất cần thiết, trong đó, ưu tiên cho phát triển nông nghiệp đối với các địa phương nghèo, thường xuyên bị thiên tai lũ lụt. Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân nghĩa là chúng ta cũng đã và đang giải quyết các vấn đề về an sinh xã hội ở khu vực này.

Đại biểu Hoàng Đăng Quang cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát lại 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với từng vùng, miền vì mỗi vùng, miền, địa phương có sự phát triển khác nhau, không nên áp dụng đồng đều các tiêu chí này sẽ dẫn đến hiệu quả không cao trong việc đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Tăng cường hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là vấn đề khá nóng hiện nay. Nhiều đại biểu cho rằng cần hỗ trợ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển để từ đó thúc đẩy sự phát triển của kinh tế. Theo đại biểu Nguyễn Cao Sơn (đoàn Hòa Bình), trong năm 2011, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do chịu sự tác động của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, nhưng với sự điều hành linh hoạt của Chính phủ, tình hình kinh tế- xã hội đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhập siêu giảm, chỉ số giá tiêu dùng thấp, an sinh xã hội đảm bảo...

Tuy nhiên, sự phát triển trong thời gian qua cũng cho thấy nhiều bất cập, kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, xu hướng nợ xấu trong tín dụng tăng, lãi suất ngân hàng tăng… Những bất ổn này đã và đang kìm hãm sự phát triển của nền kinh tế, do vậy, Chính phủ cần phải có những giải pháp cụ thể và quyết liệt hơn nữa trong điều hành nền kinh tế như cần tăng cường sự hỗ trợ đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sớm hoàn thiện Đề án Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển cho các tỉnh miền núi, bởi khu vực này mặc dù thời gian qua đã được chú trọng đầu tư phát triển song thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều dự án đầu tư còn nhỏ lẻ, chưa phát huy được hiệu quả. Vì vậy, Nhà nước cần có lựa chọn dự án trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ phát triển khu vực này.

Liên quan đến vấn đề hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đại biểu Võ Kim Cự (đoàn Hà Tĩnh) cũng cho rằng, Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp tư nhân. Thực tế là các doanh nghiệp nhỏ nhưng lại chiếm phần nhiều ở nước ta do đó cần có sự hỗ trợ tích cực. Các ngân hàng nên có chia sẻ với doanh nghiệp để cùng đồng hành phát triển.

Bên cạnh đó, đại biểu Võ Kim Cự cũng đề nghị không nên quy định mức dư nợ bình quân đối với cả nước. Việc phân bố ngân sách cũng không nên chia theo tỷ lệ mà căn cứ vào các địa phương để phân bổ ngân sách hợp lý hơn, để đảm bảo sự phát triển của các địa phương và đảm bảo an sinh xã hội. Ngoài ra, nên xây dựng các tiêu chí để hỗ trợ cho các địa phương còn nhiều khó khăn và ưu tiên đầu tư phát triển đổi với những địa phương này.

Đại biểu Võ Kim Cự cũng đề cập đến vấn để phát triển kinh tế vùng. Đại biểu đề nghị xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế vùng gắn với phát triển kinh tế các tỉnh trong vùng để cùng dựa vào nhau phát triển, cùng chia sẻ khó khăn với nhau, đồng thời, tiếp tục phân công, phân cấp mạnh cho các địa phương.

Đại biểu Mai Phụ Tính (đoàn Bình Dương) cho rằng, tình hình kinh tế thế giới nhiều khó khăn đã có ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội trong nước, đặc biệt các doanh nghiệp vừa và nhỏ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Hiện hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang ở trong tình trạng rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phải giải thể, do đó, cần phải có sự hỗ trợ tốt hơn.

Đối với một số mục tiêu trong năm 2012, đại biểu Mai Phục Tính (đoàn Bình Dương) nhấn mạnh, trong năm 2012 cần bảo đảm chỉ số giá tiêu dùng dưới 10% , còn mức tăng trưởng đạt được 6% đã là thành công lớn.

Gắn phát triển kinh tế vùng với phát triển kinh tế địa phương

Tại phiên thảo luận sáng nay, vấn đề về phát triển kinh tế, trong đó phát triển kinh tế vùng gắn với phát triển kinh tế địa phương cũng được đa số các đại biểu quan tâm. Đại biểu Lê Phước Thanh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, lạm phát còn cao, kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, kế hoạch năm 2012 đòi hỏi phải tiếp tục khắc phục thực trạng này.

Theo đó, mục tiêu kiềm chế lạm phát là mục tiêu quan trọng, trong đó việc hạn chế chi tiêu dùng và ưu tiên cho đầu tư phát triển là giải pháp cơ bản để tiếp tục giữ vững sự ổn định tăng trưởng. Do đó, Chính phủ cần rà soát, sắp xếp lại lĩnh vực đầu tư công sao cho hợp lý, đồng thời cần chú trọng đầu tư cho phát triển kinh tế vùng gắn với phát triển kinh tế địa phương.

Đồng tình với vấn đề này, đại biểu Hà Ngọc Chiến (tỉnh Cao Bằng) cũng đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế vùng, đầu tư cho phát triển kinh tế vùng có trọng tâm, trọng điểm để từ đó phát huy được tiềm năng thế mạnh cùa vùng, địa phương. Tập trung nguồn lực cho các dự án có sức lan tỏa tới cả vùng, góp phần rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, các địa phương.

Theo đại biểu Phương Thị Thanh (đoàn Bắc Kạn), việc gắn phát triển kinh tế vùng với phát triển kinh tế địa phương còn nhiều bất cập, sự liên kết giữa các vùng chưa được quan tâm đúng mức. Tình trạng đầu tư tràn lan khá phổ biến. Kết cấu hạ tầng ở miền núi còn yếu kém, đời sống đồng bào dân tộc miền núi còn nhiều khó khăn. Chính phủ cần sớm đánh giá quy hoạch phát triển kinh tế -xã hội vùng và các địa phương trong trung và dài hạn để từ đó có sự điều chỉnh, bổ sung cho phát triển hợp lý hơn.

Ngoài ra, Chính phủ cũng cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh các chính sách xã hội, đặc biệt là chính sách an sinh xã hội đối với các hộ nghèo. Thực tế hiện nay, các chính sách xã hội đối với hộ nghèo còn chưa ổn định, nguồn lực cân đối thường cấp muộn hơn so với thời gian chính sách ban hành. Do đó, trong thời gian tới, chính sách anh sinh xã hội cần tập trung vào việc làm, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, quan tâm chính sách bảo hiểm y tế phù hợp với xã hội; rà soát lại các nhóm bảo trợ xã hội; hỗ trợ cho hộ nghèo tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo…

Cũng trong phiên thảo luận sáng nay, các đại biểu đã đề cập tới nhiều vấn đề khác như: nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là quan tâm giáo dục bậc học mầm non; chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng, giao thông, đặc biệt là giao thông khu vực miền núi và Tây Nguyên; xã hội hóa bảo hiểm y tế, mở rộng đối tượng bảo hiểm đối với người nghèo, người cận nghèo; chế độ đối với cán bộ cấp xã, phường….

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam