Được đưa ra góp ý thảo luận từ kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII song vẫn còn có những điểm cần phải điều chỉnh, dự thảo Luật Tố cáo tiếp tục được thảo luận, đóng góp ý kiến và chỉnh lý trước khi thông qua.
Dự kiến Luật Tố cáo sẽ được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 2.
- Ảnh: Chinhphu.vn/Nhật Bắc
Một trong những nội dung được các đại biểu quan tâm là hình thức tố cáo và bảo vệ người tố cáo. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, đây là vấn đề quan trọng bởi có khuyến khích được người dân tích cực tham gia tố cáo hay không phụ thuộc vào việc có bảo vệ được họ hay không?
Đưa ra một ví dụ cụ thể, đai biểu Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết, trong đợt vinh danh 88 công dân tiêu biểu trong phòng chống tham nhũng gần đây, hầu hết đều cho biết họ từng bị trù dập sau khi làm đơn tố cáo.
Từ những vấn đề trong thực tiễn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy đề nghị người tố cáo cần được bảo vệ và cần quy định trong Luật cho dù người tố cáo có yêu cầu hay không yêu cầu, bởi xét về quan hệ thì người tố cáo thường yếu thế hơn người bị tố cáo.
Đồng tình vấn đề này, đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đề nghị phải giữ kín bút tích người tố cáo, bởi thực tế không chỉ người tiếp nhận mới biết thông tin, mà các cơ quan giám sát cũng nhận được đơn của người tố cáo để giám sát việc thực hiện.
Một số đại biểu như Đỗ Ngọc Niên (Bình Thuận), Nguyễn Minh Hồng (Nghệ An) cho rằng cần quy định cụ thể thời hạn bảo vệ người tố cáo, quyền và trách nhiệm của người tố cáo được bảo vệ. Trong đó, bổ sung quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đối với thiệt hại về vật chất và tổn hại tinh thần xảy ra trong trường hợp người tố cáo có yêu cầu cơ quan tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ mình mà các cơ quan tổ chức đó không áp dụng hoặc áp dụng không đúng quy định của pháp luật.
Một số ý kiến cũng đề nghị trong việc bảo vệ người tố cáo tại nơi làm việc, cần có quy định về sự tham gia của tổ chức công đoàn cơ sở, cơ quan quản lý lao động địa phương trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tố cáo trong trường hợp bị phân biệt đối xử, trả thù, trù dập.
Không giải quyết đơn thư tố cáo nặc danh
Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến tại Hội trường. - Ảnh: Chinhphu.vn
Nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành cần khẳng định ngay trong Luật việc không tiếp nhận và giải quyết đối với tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo hay còn gọi là tố cáo nặc danh.
Theo các đại biểu, điều này nhằm hạn chế việc lợi dụng quyền tố cáo để tố cáo nặc danh, sai sự thật, bôi xấu các cá nhân, gây mất đoàn kết nội bộ, tốn kém thời gian đi xác minh của các cơ quan, tổ chức.
Tuy nhiên, để đảm bảo không bỏ lọt thông tin tố cáo, bởi có những cá nhân vì lý do nào đó không ghi tên, theo nhiều ý kiến, cũng cần có cơ chế xem xét đối với những đơn thư nặc danh có nội dung cụ thể rõ ràng.
Liên quan đến hình thức tố cáo, đa số các ý kiến thống nhất chỉ giữ nguyên hai hình thức tố cáo là tố cáo trực tiếp và gửi đơn tố cáo.
Theo các đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình), Vũ Xuân Trường (Nam Định), Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), các hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, hiện chưa có báo cáo đánh giá, bản thân một số hòm thư, đường dây nóng tại các trụ sở cũng chưa phát huy hiệu quả. Do vậy, để tránh bị lợi dụng để xuyên tạc, vu khống, gây rối trật tự, phát tán thông tin về việc tố cáo gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín của người khác hoặc cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước, không nên bổ sung các hình thức này vào trong Luật.
Một số vấn đề về giám sát giải quyết tố cáo, nghĩa vụ của người giải quyết tố cáo, quyền và nghĩa vụ của người bị tố cáo, chủ thể tố cáo cũng được các đại biểu quan tâm.
Theo đó, với quyền của người bị tố cáo tại điều 10 khoản 1, khi lợi ích bị xâm phạm do việc tố cáo không đúng gây ra, ý kiến của nhiều đại biểu cho rằng, cần quy định cụ thể hơn như được xin lỗi, được cải chính thông tin công khai, được bồi thường thiệt hại. Theo các đại biểu phân tích, vì khi thiệt hại xảy ra đối với người bị tố cáo có thể là do hành vi tố cáo sai sự thật hoặc là hậu quả của quá trình giải quyết tố cáo thiếu thận trọng, việc khôi phục các quyền lợi, lợi ích hợp pháp trong đó có nhân phẩm và danh dự của người bị tố cáo là rất cần thiết.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang trình bày báo cáo
về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. - Ảnh: Chinhphu.vn/Nhật Bắc
* Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm do Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày.
Quốc hội nghe Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Trương Hòa Bình trình bày báo cáo công tác.
Thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ tư pháp Hà Hùng Cường trình bày báo cáo về công tác thi hành án và công tác đặc xá.
Quốc hội cũng nghe báo cáo thẩm tra các báo cáo trên do Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày.
Ngày 26/10, Quốc hội sẽ thảo luận tại Hội trường về các báo cáo trên, kết hợp với thảo luận về tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Nguồn www.chinhphu.vn