Chiều 20/10, sau khi Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ báo cáo về thực hiện ngân sách nhà nước năm nay, dự toán phương án phân bổ năm sau, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày thẩm tra trước QH.
Kỷ luật tài chính lỏng lẻo
Đánh giá tình hình thu chi ngân sách năm 2011, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, vẫn còn tình trạng chi chưa chặt chẽ, kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo và thiếu đồng bộ.
Thường trực Ủy ban đánh giá, đa số các cơ quan chấp hành nghiêm việc tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên, nhưng cơ cấu chi vẫn chưa có tín hiệu thay đổi tích cực. Vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế, nhất là trong lĩnh vực chi cho con người.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ. Ảnh: Quang Khánh
Việc đầu tư chưa thực hiện theo nguyên tắc phân phối theo lao động, theo năng suất hiệu quả, công lao đóng góp nên chưa khuyến khích và thu hút được người tài. Tiền lương cơ bản thấp và mang tính bình quân đã làm mất dần động lực. Báo cáo của Bộ Nội vụ cho thấy, việc trả lương, quản lý và đánh giá cán bộ, công chức, viên chức theo ngạch, bậc chủ yếu dựa vào bằng cấp và thâm niên, chưa căn cứ theo yêu cầu vị trí việc làm dẫn đến tình trạng nhiều người ngạch bậc thấp, tuy làm công việc tốt vẫn không được trả lương cao.
Thu nhập của cán bộ, công chức chưa bình đẳng, còn quá nhiều loại phụ cấp ưu đãi chưa hợp lý ở các ngành nghề khác nhau. Cụ thể, cán bộ, công chức trong các cơ quan Đảng, tổ chức chính trị xã hội từ Trung ương đến địa phương hưởng phụ cấp 30% trong khi cơ quan nhà nước chỉ được 10%...
Việc tinh giản biên chế chưa được thực hiện triệt để. Báo cáo của Bộ Nội vụ cho hay, biên chế công chức 5 năm qua tăng 14,67%. Dự kiến năm 2015 tăng 12,2% so với năm 2010. Biên chế viên chức 5 năm vừa qua tăng 23,73%.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đánh giá, tình hình chi tiêu năm 2011 vẫn theo kiểu bình quân, dàn trải. Hiệu lực quản lý nhà nước về ngân sách chưa nghiêm, kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo và thiếu đồng bộ.
Đối với chi tiêu cho đầu tư phát triển, ông Hiển lưu ý, việc rà soát, cắt giảm, đình hoãn các dự án khởi công mới chưa được thực hiện một cách nghiêm túc. Vẫn chưa khắc phục được tình trạng phân bổ dàn trải như mục tiêu đề ra. Nhiều dự án chưa cấp bách vẫn được khởi công. Thực tế, nhiều dự án hiệu quả kinh tế thấp vẫn không bị cắt giảm.
Ưu tiên cải cách lương
Theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, vốn đầu tư phát triển năm tới được bố trí tăng 18,4% so với dự toán 2011. Số tiền này được bố trí tăng cao để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho tái cơ cấu kinh tế. Tương tự, vốn bố trí cho các khoản chi thường xuyên cũng tăng 15,5%.
Cũng theo ông Huệ, một trong các mục tiêu đầu tư ngân sách của năm 2012 là ưu tiên cho cải cách tiền lương. "Chính phủ dự kiến sẽ chi 59.300 tỷ đồng cho cải cách tiền lương để thực hiện kế hoạch điều chỉnh lương mới, từ 1/5/2012", Bộ trưởng cho hay.
Tán thành với phương án trên, song thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách lưu ý: "Chính phủ nên có phương án tách bạch giữa công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu để có lộ trình tăng lương phù hợp nhất".
Với các kế hoạch thu ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển đề xuất Chính phủ nên rà soát các nguồn thu, có kế hoạch kiểm tra chống chuyển giá, chống thất thu trong DNNN, trong quản lý tài nguyên, đất đai...
Ngoài ra, Chính phủ cần xem xét các khoản thu với tập đoàn, tổng công ty nhà nước vì đây là khu vực có tốc độ tăng thu chậm hơn so với mức tăng chung của các thành phần kinh tế khác. Từ đó, cần rà soát chi phí, lợi nhuận và lợi tức để lại cho DNNN để khai thác hiệu quả nhất nguồn thu từ khu vực này.
Thường trực Ủy ban khuyến nghị Chính phủ nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi một số luật thuế. Chẳng hạn, sớm đưa mức giảm trừ gia cảnh với thuế thu nhập cá nhân theo mức tăng của tiền lương tối thiểu. Sửa thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng giảm thuế suất, điều chỉnh các chính sách ưu tiên, miễn giảm thuế... Xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, thuốc lá nhằm hạn chế tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ngày 24/10, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ về các nội dung này.
Nguồn Tuổi trẻ Online