Trong đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục, cần có nhận thức mới về phát triển giáo dục theo hướng bảo đảm chất lượng của phát triển giáo dục, không làm giáo dục theo kiểu “phong trào”. Phát triển giáo dục nhanh và bền vững là yêu cầu cấp bách, nhưng cũng là yêu cầu lâu dài có ý nghĩa sống còn với giáo dục Việt Nam. Giáo dục Việt Nam tuy đã đạt được rất nhiều thành tựu, đã khởi sắc thực sự, song giáo dục Việt Nam vẫn là nền giáo dục của một nước nghèo, một nước trong những nước đang phát triển.
Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục là cánh cửa để dân tộc ta sáng tạo ra trí tuệ
và tiếp nhận thành tựu văn minh của nhân loại.
Để giáo dục có thể phát triển ngang tầm các nền giáo dục của các nước phát triển chỉ có thể phát triển nhanh và bền vững mới có điều kiện thúc đẩy giáo dục phát triển có hiệu quả và có sức cạnh tranh, không chạy theo “tốc độ thành tích”, không chạy theo số lượng, mở rộng quy mô đơn thuần; coi trọng nâng cao không ngừng chất lượng giáo dục để ngày càng một nâng cao vị thế giáo dục Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Phát triển giáo dục nhanh, bền vững và hiệu quả là tạo sức cạnh tranh cho kinh tế- xã hội, vì thực chất công cuộc cạnh tranh kinh tế- xã hội giữa các nước hiện nay là cạnh tranh về giáo dục. Phát triển nhanh và bền vững về giáo dục là góp phần đưa con người vào vị trí trung tâm của tiến trình phát triển kinh tế- xã hội ở nước ta, giáo dục tạo cơ hội giúp cho mọi người phát huy được tài năng, trí tuệ, sở trường, năng lực của mình, tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của quá trình đổi mới toàn diện nước ta mà Đảng đang thực hiện. Chất lượng cuộc sống của mỗi người ngày một nâng cao.
Các chính sách xã hội về giáo dục được thực hiện theo tinh thần: Nhà nước ngày một tăng nguồn lực cho giáo dục, thực hiện nhiều chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục, hỗ trợ các vùng sâu, vùng xa, vùng còn nhiều khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, diện chính sách và người nghèo… ngày càng được hưởng nhiều chính sách ưu đãi về giáo dục, đồng thời phát huy tiềm năng, trí tuệ và các nguồn lực vật chất trong và ngoài nước của nhân dân, Việt kiều và các tổ chức quốc tế. Xác định điều kiện mới, động lực mới để thúc đẩy sự phát triển của bản thân hệ thống giáo dục. Sự tương quan phát triển giáo dục với các lĩnh vực khác trong phát triển kinh tế- xã hội, trong công cuộc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng nền giáo dục dân tộc, chất lượng, tiên tiến, hiện đại để làm nền tảng cho nền kinh tế mới đang ngày một phát triển.
Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011- 2020 đã xác định một trong các khâu đội phá chiến lược là “Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển khoa học công nghệ”. Cạnh tranh phát triển kinh tế giữa các quốc gia trên thế giới hiện nay, nói cho cùng bản chất là cạnh tranh sự phát triển giáo dục. Giáo dục phát triển sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực mới, nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, trong suốt những năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta luôn coi giáo dục là quốc sách hàng đầu và có thể nói đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là quốc sách.
Kinh nghiệm 25 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới giáo dục cho thấy giáo dục nước ta muốn thực hiện tốt được những nhiệm vụ như đã nêu ở trên và nhất là muốn đổi mới căn bản và toàn diện thành công trong thập niên tới cần thực hiện các giải pháp đột phá.
Thứ nhất, đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục phù hợp với cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Hoàn thiện thể chế quản lý nhà nước về giáo dục trên cơ sở tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính giáo dục. Thống nhất một đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục; quản lý theo pháp quyền trên cơ sở một hệ thống pháp luật giáo dục đồng bộ với sự phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương và triệt để phân cấp quản lý giáo dục; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội cho các cơ sở giáo dục, nhất là các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp. Tăng hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục trong toàn ngành ở tất cả các cấp quản lý nhà nước phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra giáo dục; chuyển dần quản lý nhà nước về giáo dục nặng về hành chính sang quản lý chất lượng và từ quản lý nhà nước theo cách kiểm soát sang giám sát mọi hoạt động giáo dục. Nâng cao vai trò các tổ chức xã hội nghề nghiệp giáo dục như Hội Giáo chức, Hội Khuyến học, liên hiệp hội các trường ngoài công lập… trong phát triển giáo dục.
Thứ hai, hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, hiện đại và liên thông.
Hoàn thiện hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở và liên thông, chuẩn hóa, hiện đại hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế, đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế- xã hội trong đó đặc biệt coi trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao ở tất cả các cấp trình độ.
Xây dựng một hệ thống giáo dục đa dạng về phương thức học tập, đảm bảo “ai ai cũng được học hành”, được học theo nguyện vọng của chính mình và được học suốt đời trong xã hội học tập; một hệ thống giáo dục được chuẩn hóa với những tiêu chí dân tộc, tiên tiến, hiện đại đảm bảo sự liên thông trong và ngoài nước trên cơ sở chuẩn hóa với các yếu tố đảm bảo chất lượng trong từng cấp học và trình độ đào tạo.
Hệ thống giáo dục mới sẽ là hệ thống giáo dục chất lượng cao và là tiền đề cho phát triển khoa học, công nghệ, khai thác nhiều nhất và vận dụng có hiệu quả nguồn tri thức của dân tộc, của nhân loại và làm nền tảng cho công cuộc xây dựng nền kinh tế tri thức ở nước ta.
Thứ ba, xây dựng, phát triển nhanh đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giỏi.
Nguồn lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là vốn quý nhất, là động lực, là nhân tố đảm bảo cho lợi thế giáo dục nước ta phát triển và cạnh tranh được với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giỏi là chìa khóa, là nhân tố trung tâm cho sự nghiệp giáo dục phát triển.
Suy đến cùng, chất lượng nền giáo dục nước ta cao hay thấp phần lớn phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ thầy, cô giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Do vậy, phải đặt trọng tâm vào tạo bước chuyển biến chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Thực tiễn 25 năm đổi mới giáo dục đã khẳng định phải mở rộng, phát huy dân chủ và thực hiện đồng bộ các khâu phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển, bố trí sử dụng, thực hiện chính sách đãi ngộ tương xứng.
Xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong toàn ngành là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài bởi vì sự nghiệp giáo dục nước ta luôn phát triển đặt ra yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao về trình độ, chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm của nhà giáo và năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục. Trách nhiệm của nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục không chỉ là trách nhiệm với hiện trạng giáo dục nước ta hôm nay mà còn là trách nhiệm với quá khứ và tương lai. Ngành Giáo dục nước ta phải là nơi thu hút được những người giỏi nhất, thông minh nhất và yêu nghề nhất để thực sự là đòn bẩy để nâng con người Việt Nam lên vị trí hàng đầu trong khu vực và trên thế giới.
Do vậy, cần đẩy mạnh việc thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ giảng dạy, nghiên cứu khoa học và quản lý.
Nguồn www.chinhphu.vn