Tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội năm 2011; phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2012 và kế hoạch 5 năm 2011 - 2015; xem xét, quyết định việc ban hành Quy định thi hành Điều lệ Đảng; Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; Quy định những điều đảng viên không được làm và một số vấn đề quan trọng khác.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị. (Ảnh: Hiền Hòa)
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Những nội dung trình Hội nghị Trung ương lần này là tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Điều lệ Đảng, có ý nghĩa quan trọng không chỉ cho một vài năm trước mắt mà cho lâu dài, góp phần bảo đảm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cả về mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Tổng Bí thư đề nghị Trung ương phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, trao đổi thẳng thắn để xem xét, quyết định vào cuối kỳ họp.
Trên tinh thần đó, Tổng Bí thư lưu ý: Việc xem xét, cho ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội hàng năm là công việc thường kỳ của Ban Chấp hành Trung ương. Tuy nhiên, năm nay là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, cùng với việc xem xét tình hình kinh tế - xã hội năm 2011, xác định phương hướng, nhiệm vụ năm 2012, Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015. Tình hình kinh tế - xã hội của đất nước lại đang có những khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Trung ương. Vì vậy, Bộ Chính trị đề nghị Trung ương dành thời gian thích đáng cho nội dung này.
Các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình làm việc. (Ảnh: Hiền Hòa)
Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, Trung ương cho ý kiến về những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất; xác định đúng đắn những nhiệm vụ và giải pháp mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta cần phải đồng tâm, hiệp lực tổ chức thực hiện và đôn đốc, giám sát việc thực hiện, tạo sự chuyển biến thực sự trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế thế giới. Từ đó, Ban Chấp hành Trung ương đề ra mục tiêu tổng quát và một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng nhất để định hướng cho Quốc hội xem xét, quyết định và Chính phủ tính toán các cân đối chủ yếu liên quan đến phương án tăng trưởng và nguồn vốn đầu tư, cân đối ngân sách, mức lạm phát, nợ công, nhập siêu ở mức hợp lý; tạo cơ sở và điều kiện cho Chính phủ có thể linh hoạt điều hành phù hợp với cơ chế thị trường và tình hình kinh tế đang có nhiều biến động phức tạp.
Tổng Bí thư đề nghị: Trung ương cần chú ý phân tích các mối quan hệ và thứ tự ưu tiên giữa tốc độ tăng trưởng và chất lượng phát triển; giữa tăng trưởng cao và ổn định kinh tế vĩ mô; giữa kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội...
Về định hướng các giải pháp, Trung ương cần chú ý thảo luận các vấn đề rất quan trọng như: Đổi mới, nâng cao hiệu quả đầu tư, cơ cấu lại đầu tư công; đổi mới, cơ cấu lại thị trường tài chính, tập trung ưu tiên cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; tái cấu trúc khu vực doanh nghiệp nhà nước và các tập đoàn kinh tế nhà nước; đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, tài nguyên; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp; nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện; chú trọng giải quyết tốt hơn các vấn đề xã hội cấp bách như: Giáo dục, y tế, lao động, việc làm...; xiết lại kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, đẩy lùi các tệ nạn và tiêu cực xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia.
Hội nghị sẽ thảo luận và cho ý kiến về 4 nội dung lớn. (Ảnh: Hiền Hòa)
Về nhóm các vấn đề Quy định thi hành Điều lệ Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: Những nội dung mới của Quy định thi hành Điều lệ Đảng lần này chủ yếu tập trung vào các vấn đề: Quy định nhiệm vụ của đảng viên cho phù hợp với quy định mới của Điều lệ Đảng khóa XI; bổ sung quy định về trách nhiệm của đảng viên trong việc thực hiện quyền phê bình, chất vấn, kiến nghị đối với cá nhân, tổ chức đảng; cụ thể hóa nội dung giới thiệu người vào Đảng; quy định việc kết nạp người vào Đảng ở nơi chưa có đảng viên, chưa có chi bộ; xử lý việc kết nạp người vào Đảng và công nhận đảng viên chính thức sai quy định; cách tính tuổi đảng của đảng viên; nội dung phát thẻ đảng viên; điều kiện lập tổ chức đảng ở những nơi có đặc điểm riêng; quy định việc lập đảng bộ, chi bộ và chỉ định cấp ủy ở những nơi mới thành lập; cụ thể hóa quy định cấp ủy khóa mới điều hành công việc ngay sau khi được bầu; việc điều động cấp ủy viên; việc thôi tham gia cấp ủy khi chuyển công tác, nghỉ hưu; chỉ định cấp ủy ở nơi chia tách, hợp nhất, thành lập mới; việc lập tổ chức cơ sở đảng trực thuộc cấp ủy cấp huyện; một số quy định cụ thể về công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và tổ chức ủy ban kiểm tra; về tặng huy hiệu Đảng cho đảng viên; việc thi hành kỷ luật và giải quyết khiếu nại, kỷ luật trong Đảng...
Hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong Chương VII và Chương VIII Điều lệ Đảng khóa XI, Trung ương cần tập trung thảo luận các vấn đề như: Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng và Uỷ ban kiểm tra các cấp, bao gồm việc thành lập Ủy ban kiểm tra, chuẩn y thành viên Uỷ ban kiểm tra; tổ chức và chế độ hoạt động của Ủy ban kiểm tra; nhiệm vụ của Ủy ban kiểm tra các cấp. Sửa đổi việc thi hành kỷ luật trong Đảng, bao gồm: Việc xử lý tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, thẩm quyền thi hành kỷ luật đảng viên; nguyên tắc, phương pháp xử lý kỷ luật đảng viên, tổ chức đảng; giải quyết khiếu nại kỷ luật Đảng; cách thức, thủ tục xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm v.v...
Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Hiền Hòa)
Đối với những nội dung trong Quy định những điều đảng viên không được làm (Quy định số 115) được Bộ Chính trị (khóa X) ban hành ngày 07-12-2007, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng: Thực tế gần 4 năm triển khai thực hiện cho thấy, các quy định này là rất cần thiết. Những nội dung của Quy định cơ bản là phù hợp và đáp ứng được yêu cầu quản lý, giáo dục và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên. Tuy nhiên, trước yêu cầu mới hiện nay, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện một số nội dung thuộc những lĩnh vực quan trọng về rèn luyện tư tưởng chính trị, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, góp phần ngăn ngừa và khắc phục những biểu hiện suy thoái, hư hỏng, tiêu cực trong Đảng; giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Ngoài ra, có một số điều qua thực tiễn thấy chưa đủ rõ, có nội dung khó áp dụng, gây khó khăn khi phải xem xét vi phạm của đảng viên; hoặc có nội dung đến nay quy định của Đảng và Nhà nước đã thay đổi nhưng vẫn chưa được điều chỉnh cũng cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.
Theo chương trình, Hội nghị sẽ làm việc đến ngày 10/10/2011.
Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam