Mít tinh hưởng ứng Ngày Thị giác Thế giới năm 2011

Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù loà, có khoảng 3 triệu trẻ em từ 6-15 tuổi mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính.

Ngày 4/10, Bệnh viện Mắt Hà Nội phối hợp với Quỹ Fred Hollows (FHF) và ngân hàng Standard Chartered (SCB) tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thị giác Thế giới năm nay (13/10/2011) với chủ đề “Mắt sáng cho em”.

Việt Nam hiện có khoảng 2 triệu người mù loà, có khoảng 3 triệu trẻ em
từ 6-15 tuổi mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính.200.000 trẻ em đã được khám
trong dự án “Phòng chống mù lòa trẻ em thành phố Hà Nội”. - Ảnh minh họa

Đây là năm thứ 9 Việt Nam tham gia hưởng ứng hoạt động thường niên này nhằm nhắc nhở về công tác bảo vệ thị giác và chữa trị mù lòa, hướng đến mục tiêu loại bỏ hoàn toàn mù lòa có thể tránh khỏi trên toàn thế giới cho đến năm 2020.

Báo động tình trạng cận thị học đường

Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, Việt Nam có khoảng 2 triệu người mù loà, có khoảng 3 triệu trẻ em từ 6-15 tuổi mắc tật khúc xạ cần chỉnh kính, 2/3 trong số đó bị cận thị; có 23.000 trẻ em bị mù và con số này không ngừng tăng theo hàng năm.

Trong đó, nguyên nhân gây mù thường gặp nhất là bệnh đục thủy tinh thể và cũng chiếm tỷ lệ cao nhất trong số người bị mù loà (66%). Ước tính hiện có 1,1 triệu mắt mù do đục thể thủy tinh (ở người trên 50 tuổi).

Tiếp theo là các bệnh gây mù khác như: bán phần sau nhãn cầu (16,6%), bệnh glôcôm (6,5%), tật khúc xạ (2,5%) và mắt hột (1,7%)...

Cũng theo Bệnh viện Mắt Trung ương, tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) đang ngày càng phổ biến, với tỷ lệ mắc khoảng 10-15% ở học sinh nông thôn, 25-35% ở đô thị.

Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội Vũ Thị Thanh cho biết đã phải báo động về tình trạng cận thị học đường ở Hà Nội. Bởi hiện nay, tỷ lệ tật khúc xạ chiếm 30-35% trong tổng số học sinh, khoảng 500.000 học sinh, trong đó 2/3 mắc tật cận thị.

Hiện tại, hiện hàng trăm nghìn người mù và giảm thị lực do tật khúc xạ chưa được chỉnh và cấp kính.

Tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên trong dân số dự đoán sẽ tăng từ 12,8% (năm 1995) lên 22,7% (năm 2020), dẫn đến tăng gần 80% số người mù và thị lực kém ở Việt Nam vào năm 2020.

Chung tay phòng chống mù lòa

Từ năm 2010, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Quỹ Fred Hollows Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered (SCB) đã xây dựng và triển khai dự án “Phòng chống mù lòa trẻ em thành phố Hà Nội”.

Trong hai năm (2010-2011), dự án đã khám cho trên 200.000 em, phát hiện mới gần 16.000 em mắc tật khúc xạ, cấp miễn phí gần 2.000 đôi kính, chỉ định phẫu thuật miễn phí 210 trường hợp bị các dị tật mắt, tổ chức tập huấn 731 cán bộ y tế xã phường, hỗ trợ và nâng cấp trang thiết bị nhãn khoa với tổng trị giá 52.000 USD.

Dự án đã cùng với Bệnh viện Mắt Hà Nội thành lập phòng tập nhược thị cho các cháu; phát tranh tuyên truyền về tật khúc xạ và cấp cho mỗi trường 1 bảng kiểm tra thị lực, đồng thời tập huấn kiến thức chăm sóc mắt ban đầu cho 1.570 giáo viên.

Trong năm 2012, dự án sẽ tiếp tục các hoạt động trên với kinh phí dự tính là 3,5 tỷ đồng.

Từ ngày 10 đến ngày 14/10/2011, Bệnh viện Mắt Hà Nội sẽ tiến hành khám tật khúc xạ miễn phí cho trẻ em dưới 15 tuổi, và phẫu thuật miễn phí cho tất cả trẻ em Hà Nội có các dị tật về mắt có chỉ định mổ tại Bệnh Viện Mắt Hà Nội.

5 giây thêm một người bị mù

Trên thế giới hiện có khoảng 314 triệu người mù và thị lực thấp, cần khám mắt định kỳ hàng năm (trong đó ước khoảng 45 triệu người mù, những người trên 50 tuổi chiếm tỷ lệ 80%)

Cứ 5 giây thế giới có thêm một người bị mù, và cứ 1 phút thế giới có thêm 1 trẻ bị mù.

90% người mù sống ở các nước nghèo và đang phát triển với các điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế khó khăn (Việt Nam được xếp trong nhóm các nước này), trong khi 80% các nguyên nhân gây mù có thể điều trị hoặc phòng tránh được.

Đục thể thuỷ tinh là nguyên nhân gây mù hàng đầu, nhưng có thể điều trị được thông qua phẫu thuật. Tiếp theo là các bệnh gây mù chính như bệnh glôcôm, thoái hóa hoàng điểm, tật khúc xạ ...
Nguồn www.chinhphu.vn