Cùng dự sự kiện này về phía Hà Lan có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Nông nghiệp và Đổi mới Maxime Verhagen. Diễn đàn do Bộ Kinh tế, Nông nghiệp và Đổi mới Hà Lan phối hợp với các cơ quan hữu quan của Hà Lan tổ chức.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Diễn đàn - Ảnh Chinhphu.vn
Tại Diễn đàn, hai bên đã trao đổi về lĩnh vực công nghệ năng lượng tiên tiến, cơ chế hợp tác giữa Việt Nam và Hà Lan trong lĩnh vực năng lượng, thúc đẩy việc sử dụng các loại năng lượng thân thiện với môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, đẩy mạnh các chương trình tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng, chia sẻ thông tin nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của sự bất ổn về nguồn cung dầu mỏ, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam...
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Việt Nam coi năng lượng là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, rút ngắn quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và tập trung nguồn lực để phát triển ngành kinh tế đặc biệt quan trọng này.
Các đại biểu dự Diễn đàn - Ảnh Chinhphu.vn
Hiện nay, mức tiêu thụ năng lượng thương mại của Việt Nam khoảng 36 triệu tấn dầu quy đổi, trong đó nhu cầu xăng dầu vào khoảng 17 triệu tấn. Theo dự báo, tổng nhu cầu năng lượng thương mại sẽ tăng trung bình khoảng trên 7% mỗi năm trong giai đoạn 2010 - 2025, trong đó nhu cầu điện sẽ tăng khoảng 15% mỗi năm.
Để đáp ứng nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh năng lượng của đất nước, trong điều kiện giá dầu mỏ biến động khó lường, Chính phủ Việt Nam đang rà soát và tích cực thực hiện các giải pháp khác nhau như có các cơ chế chính sách thích hợp để thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng, nhất là đầu tư nước ngoài; tạo điều kiện thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ và triển khai có hiệu quả các dự án năng lượng đang đầu tư…
Cùng với đó là đa dạng hóa nguồn năng lượng, trong đó ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, điện khí thiên nhiên hoá lỏng, năng lượng nguyên tử. Đẩy mạnh chương trình tiết kiệm và sử dụng hiệu quả năng lượng. Thực hiện lộ trình giá năng lượng theo cơ chế thị trường nhằm khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này. Tăng cường dự trữ dầu thô và các sản phẩm dầu…
Ký biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo giữa Trường Đại học Dầu khí
và Trường Đại học Công nghệ Delft - Ảnh Chinhphu.vn
Tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chuyển đến các đại biểu thông điệp Việt Nam mong muốn là thành viên tích cực tham gia vào tất cả các hoạt động chung về năng lượng của thế giới vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững; khuyến khích việc sử dụng hiệu quả năng lượng và ứng dụng các loại năng lượng thân thiện với môi trường.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chân thành cám ơn và mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hợp tác quý báu của Chính phủ Hà Lan trong lĩnh vực năng lượng; đồng thời kêu gọi các tập đoàn năng lượng nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Hà Lan đẩy mạnh các hoạt động đầu tư, giao thương, hợp tác trong lĩnh vực năng lượng với Việt Nam, góp phần cùng Việt Nam thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển ngành năng lượng của mình trong mối quan hệ cùng có lợi với các đối tác.
Phó Thủ tướng Hà Lan Maxime Verhagen cho rằng quan hệ hợp tác Hà Lan-Việt Nam trong những năm qua có những bước phát triển hết sức mạnh mẽ; hai nước có những điểm tương đồng, có các tiềm năng hợp tác có thể bổ sung cho nhau trong quá trình phát triển trong đó có lĩnh vực hợp tác về năng lượng.
Trong thời gian tới, Hà Lan sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ, nghiên cứu khoa học, đào tạo trong lĩnh vực dầu khí… Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp hai nước nhất là hỗ trợ về nguồn lực tài chính cho các hoạt động hợp tác đầu tư về năng lượng, dầu khí Việt Nam – Hà Lan.
Cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến lãnh đạo các Bộ, ngành chức năng của hai nước ký Biên bản ghi nhớ về hợp tác năng lượng; Thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn Royal Dutch Shell về hợp tác trong lĩnh vực dầu khí; Ý định thư giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và nhóm các công ty, tổ chức tham gia chương trình AETIN về hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; Biên bản ghi nhớ về hợp tác đào tạo giữa Trường Đại học Dầu khí và Trường Đại học Công nghệ Delft.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Lãnh đạo Tập đoàn Royal Dutch Shell - Ảnh Chinhphu.vn
Buổi sáng cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp lãnh đạo Tập đoàn Royal Dutch Shell (Shell) và lãnh đạo Tập đoàn Heineken.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trải qua hơn 20 năm hoạt động và kinh doanh tại Việt Nam, Shell đã có những đóng góp không nhỏ trong lĩnh vực dầu khí và năng lượng, góp phần giải quyết nhu cầu năng lượng ngày một tăng cao của Việt Nam.
Đánh giá cao Tập đoàn Shell mở rộng đầu tư, phát triển thị trường, có chiến lược kinh doanh lâu dài tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Tập đoàn Shell chú trọng vào phát triển các nguồn nhiên liệu mới, an toàn, thân thiện với môi trường; cho đây là lĩnh vực Chính phủ Việt Nam rất quan tâm nhằm đảm bảo sự tăng trưởng bền vững trong thời gian tới.
Hoan nghênh và đánh giá cao những thành công của Tập đoàn Heineken đã đạt được trong gần 20 năm đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam và những đóng góp to lớn của Tập đoàn đối với các công tác xã hội tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị Tập đoàn trong thời gian tới có thêm nhiều công tác xã hội hơn nữa và chú trọng đến vấn đề môi trường để luôn giữ vững vị thế là một trong những tập đoàn kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam.
Tại hai cuộc tiếp nêu trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ luôn ủng hộ và tạo các điều kiện thuận lợi cho các Tập đoàn mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Nguồn www.chinhphu.vn