Vui đón Lễ hội Ka-tê 2011

Những ngày này, đi đến đâu ở các làng Chăm trong tỉnh cũng bắt gặp không khí tưng bừng đón Lễ hội Ka-tê. Lễ hội năm nay càng phấn khởi hơn khi bà con vừa có mùa lúa bội thu, vừa được giá nên có điều kiện chuẩn bị cho lễ hội tươm tất và ấm cúng hơn.

(NTO) Chúng tôi về thăm xã Phước Hữu (Ninh Phước). Dọc đường vào các thôn Hữu Đức, Tân Đức… đường làng trở nên chật hẹp bởi rất đông người dân, du khách đến tham dự lễ hội Ka-tê. 13 giờ, ngày 26-9, sân vận động Hữu Đức rộn rã tiếng trống Pinăng, điệu kèn Sakarai. Cả sư Hán Sơn, thôn Hữu Đức, xã Phước Hữu cho biết: “Đây là lễ hội truyền thống đặc sắc và quan trọng nhất của người Chăm theo đạo Bàlamôn. Trong 3 ngày 27, 28, 29-9, bà con tổ chức các lễ hội như rước y trang lên tháp PoKlong Garai, thăm hỏi, chúc nhau một năm mới (theo lịch Chăm), tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao… Lễ hội còn là dịp để những người tham dự được thưởng thức những điệu múa, lời ca dân gian Chăm với phong cách độc đáo, minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hoá của đại gia đình các dân tộc Việt Nam”.

Các nghệ nhân xã Phước Hậu biểu diễn nhạc cụ dân tộc Chăm tại tháp Pô-Klong Gia-rai.
Ảnh: Sơn Ngọc

Ông Thuận Văn Tài, Chủ nhiệm HTX Hữu Đức cho biết: “Năm nay thời tiết thuận hòa, bà con được mùa nên đón lễ hội Ka-tê vui hơn. Vụ hè-thu năm nay, HTX dịch vụ nông nghiệp Hữu Đức đã đầu tư 2,6 tỷ đồng, với lãi suất 1,5%/tháng, để bà con xã viên vay đầu tư sản xuất, năng suất lúa vụ này ước đạt 65 tạ/ha. Chúng tôi đang vận động bà con vui hội xong, bắt tay ngay vào sản xuất vụ mùa”.

Toàn cảnh lễ hội Ka-tê. Ảnh: Văn Miên

Tại sân vận động thôn Hoài Trung, đội bóng đá Máy cày tay và Máy cày lớn đang tranh tài trước sự cổ vũ của đông đảo bà con. Đồng chí Lưu Văn Thủy, Chủ tịch UBND xã, thổ lộ: “So với mọi năm, lễ hội Ka-tê năm nay vui hơn. Nhờ làm ăn được, nên bà con rất phấn khởi. Các thôn Hoài Trung, Hoài Ni, Như Bình, Như Ngọc đều thành lập các đội bóng đá, bóng chuyền, văn nghệ… sinh hoạt vui chơi trong 3 ngày lễ hội”.

Nghi lễ rước y trang của đồng bào Chăm Phước Hữu. Ảnh: Ngũ Anh Tuấn

Sáng ngày 26-9 (ngày 1-7 lịch Chăm), ngay từ sáng sớm dòng người từ khắp mọi ngã đường kéo về thôn Phước Đồng 1 làm lễ rước y trang vua PoKlong Giarai. Lễ hội Ka-tê được thể hiện mang đậm nét truyền thống. Các cô gái Chăm duyên dáng, uyển chuyển trong làm điệu múa quạt, hòa cùng tiếng trống Baranưng rộn ràng, tiếng kèn Saranai réo rắt, làm cho không khí lễ hội thêm rộn ràng. Lễ hội Ka-tê năm nay, hầu như nhà nào cũng nấu bánh tét, trước là để cúng tạ ơn thần linh phù hộ cho bà con một vụ mùa bội thu, sau nữa đãi khách.

Thanh niên làng Chăm Hữu Đức thi đấu bóng đá chào mừng lễ hội Katê 2011. Ảnh: Sơn Ngọc

Ở các làng nghề truyền thống ở thị trấn Phước Dân (Ninh Phước) không khí đón chào lễ hội Ka-tê thật rộn ràng. Khu phố Bàu Trúc có 250 hộ với 2.589 nhân khẩu, chủ yếu sống bằng nghề nông và làm gốm. Đón mừng lễ hội Ka-tê, các cơ sở gốm tất bật sản xuất hàng loạt sản phẩm mới, mẫu mã đẹp để phục vụ du khách từ nhiều tháng trước. Những điệu dân ca Chăm mựơt mà, những điệu múa truyền thống ca ngợi quê hương được các bạn trẻ tập luyện say sưa để góp vui cho những ngày hội của làng. “Lễ hội Ka-tê năm nay, người dân càng phấn khởi nhận đựơc sự quan tâm của tỉnh đầu tư xây dựng sân vận động và đền Pôklông Chanh với kinh phí hơn 1 tỷ đồng phục vụ đời sống tinh thần cho đồng bào”, ông Đàng Chí Quyết, Trưởng Ban quản lý khu phố Bàu Trúc chia sẻ.

Ông Jay Scarborough (du khách Mỹ) tại lễ hội Ka tê tháp Pôklong Garai
trả lời phỏng vấn báo chí. Ảnh: Sơn Ngọc

Tại làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp, anh Quảng Đại Tuấn, Phó BQL khu phố Mỹ Nghiệp cho biết: “Dân làng rất vui vì vụ lúa này thời tiết thuận lợi, ít sâu bệnh nên thu hoạch lúa đạt rất cao, năng suất từ 75 – 78 tạ/ha, lại được giá cao, bà con có điều kiện hơn để mua sắm cho ngày lễ hội.”. Nổi tiếng với những sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống, các cơ sở kinh doanh, các hộ dân đã chuẩn bị từ trước với những kiểu dáng sản phẩm và hoa văn mới hơn để tạo sức hấp dẫn riêng. Tại Hợp tác xã dệt truyền thống Mỹ Nghiệp, các mặt hàng đã được trưng bày rất bắt mắt, du khách đến đây luôn cảm nhận được lòng hiếu khách và không khí rộn ràng đón mừng lễ hội truyền thống của người Chăm nơi đây.

Ở làng Chăm Bỉnh Nghĩa, xã Bắc Sơn (Thuận Bắc) nhân dân cũng tưng bừng vui đón lễ Ka-tê trong tiếng trống Ghinăng, tiếng kèn Sa-ra-nai và điệu múa Chăm truyền thống. Thanh niên hào hứng tham gia các hoạt động thể dục-thể thao, phụ nữ khéo léo trổ tài trong phần thi gói bánh; các gia đình tham gia thi nhảy bao bố, trẻ con hò reo cổ vũ…Tất cả tạo nên một không khí lễ hội vui tươi, đầm ấm khắp thôn. Ông Thành Mây, Trưởng Ban phong tục của thôn cho biết: “Những năm gần đây, cuộc sống nhân dân thôn Bỉnh Nghĩa ngày một khởi sắc, bà con có điều kiện vui đón Ka-tê sung túc, sum vầy. Năm nay, Ban phong tục thôn cùng với chính quyền địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn nghệ, thể dục-thể thao, trò chơi dân gian làm cho lễ hội thêm tưng bừng hơn.” Cũng như bao gia đình, lễ hội Ka-tê năm nay những người con đi làm ăn xa quê của ông Thuận Xuân Quang cũng đã về đông đủ để đại gia đình vui đón lễ hội. Ông Quang cho biết: “Năm nay, lễ hội diễn ra đúng thời điểm nông dân đang thu hoạch lúa hè thu được mùa, được giá nên bà con đón Ka-tê sung túc hơn. Gia đình tôi mặc dù có gần một nửa diện tích thu hoạch muộn nhưng cũng chuẩn bị mâm cỗ, bánh trái đầy đủ, trước là cúng tổ tiên, sau để con cháu quây quần vui vẻ”.

Thiếu nữ Chăm múa quạt tại tháp Pô-Klong Gia-rai. Ảnh: Sơn Ngọc

Đến thôn Thành Ý, xã Thành Hải (Phan Rang- Tháp Chàm) đâu đâu chúng tôi cũng cảm nhận được sự rộn ràng, háo hức, vui tươi. Các vị chức sắc, chị em phụ nữ, trẻ em ai nấy đều tươm tất trong trang phục truyền thống tay bưng mâm lễ nô nức lên tháp cùng thần. Những ngày này, những con em đi làm ăn, học tập, công tác ở xa cũng đã quy tụ, sum vầy đầm ấm cùng gia đình trong những bữa cơm đoàn tụ. Trên sân vận động, trai làng hăng hái, sôi nổi tham gia các trò chơi dân gian, thi đấu bóng chuyền, bóng đá. Tại trụ sở thôn, các thiếu nữ xinh tươi trong trang phục truyền thống biểu diễn các tiết mục văn nghệ đón mừng các vị khách quý đến thăm, chào mừng lễ hội. Ông Năng Xuân Bì, Trưởng thôn vui vẻ cho biết: “Được sự quan tâm của Đảng và chính quyền các cấp đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật… trong sản xuất nên đời sống của bà con ngày càng được cải thiện, có điều kiện tổ chức đón lễ sung túc hơn mọi năm.

Anh Alec Schachner, du khách ở NewYork, Mỹ:

Tôi đã có dịp đến Ninh Thuận, nhưng lần này đúng dịp diễn ra lễ hội Ka-tê của đồng bào Chăm. Tôi đã hòa vào dòng người viếng tháp Po Klong Garai, xem các vị chức sắc tế lễ và thưởng thức lời ca, điệu múa truyền thống của họ. Lễ hội Ka-tê bảo tồn nét văn hóa độc đáo của người Chăm và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa Việt Nam. Tôi rất ấn tượng về con người Ninh Thuận, vùng đất đậm truyền thống văn hóa và thân thiện.





 
Nguyễn Thị Thanh Trang, Sinh viên Trường Cao đẳng Văn hóa-Nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh:

Nhà trường đã chọn đúng thời điểm diễn ra lễ hội Ka-tê của đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn ở Ninh Thuận để sinh viên ngành Du lịch chúng tôi tìm hiểu về bản sắc văn hóa và con người của miền nắng gió này. Đây là chuyến thực tập ý nghĩa, những người làm du lịch trong tương lai như chúng tôi có những trải nghiệm thú vị và bổ ích. Tôi sẽ quảng bá đến bạn bè, du khách trong và ngoài nước đến với lễ hội Ka-tê để khám phá những nét văn hóa độc đáo của đồng bào Chăm Ninh Thuận; quê hương và con người Ninh Thuận hiền hòa, mến khách.




 
Nguyễn Huy Quang, nhân viên an ninh Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh:

So với năm trước, lễ hội Ka-tê năm 2011 được tổ chức chu đáo, công phu hơn và khách du lịch đông hơn năm trước. Mỗi khi đến với lễ hội tôi rất thích xem những điệu múa, lễ cúng thần và lễ rước y phục. Năm nay, tôi còn rủ thêm người thân và bạn bè đến Ninh Thuận xem lễ hội Ka-tê. Tuy nhiên, tôi được biết đồng bào Chăm vốn nổi tiếng về các làng nghề truyền thống như gốm, dệt,… nhưng quà lưu niệm để du khách mua sắm còn quá ít, đơn điệu về mẫu mã; cách tổ chức lễ hội để thu hút du khách còn quá đơn giản…