CHỈ THỊ CỦA UBND TỈNH

Về việc tăng cường công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận

Ngày 19-9-2011, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 24/2011/CT-UBND về việc tăng cường công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Báo Điện Tử Ninh Thuận trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị này.

Thời gian qua do yêu cầu phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng của tỉnh phục vụ nhu cầu an sinh xã hội, nhiều dự án đầu tư trên địa bàn đã được triển khai. Trong đó, ưu tiên là các dự án phát triển đô thị, đường giao thông, khu công nghiệp, du lịch… đã góp phần làm cho bộ mặt kinh tế-xã hội của tỉnh nhà chuyển biến đáng kể. Đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân trong công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những mặt đã đạt được, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng cũng còn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc, làm chậm tiến độ thực hiện dự án, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Năm 2011, tiếp tục triển khai nhiều dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh xác định công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung làm tốt công tác này, đảm bảo giao mặt bằng sạch kịp thời, thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển, góp phần đẩy nhanh hơn nữa sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh thực hiện tốt các công việc sau đây:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Tiếp tục rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh hoàn thiện các quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo đúng quy định pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế.

b) Phối hợp tốt với Sở Tài chính, Sở Xây dựng, Cục Thuế tỉnh đẩy nhanh công tác thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thuộc thẩm quyền. Đặc biệt lưu ý đến các công trình trọng điểm.

c) Chỉ đạo Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, Trung tâm Kỹ thuật Tài nguyên và Môi trường thực hiện tốt công tác đo đạc, quy chủ sử dụng đất các dự án được giao, đảm bảo tính chính xác và kịp thời.

d) Chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tập trung thực hiện công tác kiểm kê, áp giá, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng các dự án được giao, đảm bảo tiến độ đề ra.

đ) Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án; kịp thời báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các vướng mắc, tồn tại.

2. Sở Xây dựng:

a) Tổ chức công bố, công khai đồ án quy hoạch vùng tỉnh, vùng liên huyện, vùng huyện và các vùng chức năng khác (vùng công nghiệp, vùng nghỉ mát, vùng bảo vệ di sản, cảnh quan thiên nhiên, vùng lãnh thổ dọc theo trục tuyến giao thông); đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị để chính quyền cơ sở thực hiện việc quản lý và nhân dân biết thực hiện.

b) Hướng dẫn về trình tự thủ tục và đẩy nhanh việc tổ chức thẩm định, cấp giấy phép xây dựng cho các chủ đầu tư triển khai dự án theo quy định của pháp luật.

c) Tham mưu UBND tỉnh ban hành Bảng giá nhà ở, công trình xây dựng và vật kiến trúc trên địa bàn tỉnh khi giá vật liệu xây dựng trên thị trường có biến động hoặc khi Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng.

3. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm bảo đảm kinh phí thực hiện cho công tác chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trước khi giải phóng mặt bằng các dự án.

4. Cục Thuế tỉnh chỉ đạo các đơn vị trong ngành khi nhận được hồ sơ địa chính do cơ quan Tài nguyên và Môi trường gửi đến phải thực hiện tính đúng, tính đủ, thông báo nộp tiền sử dụng đất và các khoản thu khác đúng thời hạn; đẩy nhanh thủ tục thu tiền sử dụng đất đối với các trường hợp bị Nhà nước thu hồi đất được giao đất ở.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành khảo sát, có kế hoạch mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu cho các dự án bố trí đất tái định canh, thực hiện tốt hướng dẫn, hỗ trợ giống, cây trồng, vật nuôi cho người bị thu hồi đất; chỉ đạo các ban dự án thuộc sở phối hợp chặt chẽ với Hội đồng bồi thường các huyện, thành phố trong công tác kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án được giao theo quy định.

6. Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo các Ban dự án trực thuộc tích cực, phối hợp chặt chẽ với Hội đồng bồi thường các huyện, thành phố trong công tác kiểm kê, lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với các dự án được giao.

7. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với các đơn vị liên quan có kế hoạch nhận, bố trí đào tạo nghề cho các hộ gia đình bị thu hồi đất có lao động trong độ tuổi lao động có nhu cầu đào tạo nghề.

8. Thanh tra tỉnh tham mưu UBND tỉnh và chỉ đạo cơ quan Thanh tra cấp dưới giải quyết khiếu nại, tố cáo nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng; phối hợp với các ngành, địa phương giải quyết dứt điểm đơn khiếu nại, tố cáo kéo dài.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội Nông dân tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng; động viên, thuyết phục cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân chấp hành pháp luật về đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng triển khai các dự án; chỉ đạo các đoàn thể cấp huyện, xã cùng thực hiện các nhiệm vụ trên.

10. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch kiên quyết tổ chức cưỡng chế và bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình không chấp hành quyết định thu hồi đất, không chấp hành bàn giao mặt bằng để triển khai các dự án.

11. Báo Ninh Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình thường xuyên đưa tin trên phương tiện thông tin đại chúng về các chủ trương, chính sách Nhà nước về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng để các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân được biết và thực hiện.

12. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

a) Chủ động phối hợp với các chủ dự án và tổ chức liên quan thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; đảm bảo công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng và thuận lợi trong quá trình giải phóng mặt bằng, bàn giao đất thực hiện các dự án.

b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã và phòng Tài nguyên và Môi trường:

- Đối với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời, kiên quyết đối với các trường hợp lấn chiếm đất, chuyển mục đích xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp. Trong đó cần lưu ý đất đã quy hoạch theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp thẩm quyền xử lý, nhằm tránh phức tạp, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Thống kê lao động trong độ tuổi bị mất việc làm, số lao động cần chuyển đổi nghề nghiệp, số lao động có nhu cầu học nghề tại nơi bị thu hồi đất sản xuất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội. Điều tra xác minh nhu cầu học nghề đối với các hộ gia đình bị thu hồi đất.

- Đối với Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện và cán bộ địa chính-xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn cập nhật kịp thời các biến động về đất đai để phục vụ công tác quản lý đất đai nói chung và công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng (xác nhận nguồn gốc đất đai, quy chủ, lập hồ sơ bồi thường…); Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn khi tiếp nhận hồ sơ bồi thường do tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng bàn giao phải nhanh chóng thẩm tra, xác nhận nguồn góc đất đai đảm bảo đúng thời gian quy định;

Phối hợp với các các phòng, ban liên quan đẩy mạnh công tác thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, đảm bảo đúng quy định pháp luật, phù hợp với tình hình thực tế, trình Ủy ban nhân dân huyện, thành phố phê duyệt.

c) Củng cố và thành lập mới các Trung tâm phát triển quỹ đất các huyện, thành phố để thuận lợi trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai theo thẩm quyền; phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;

Bố trí, kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực đất đai và công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện và cán bộ địa chính-xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

d) Kịp thời giải quyết đơn thư khiếu nại, kiến nghị của người dân về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giải phóng mặt bằng theo thẩm quyền từ cơ sở, tránh tình trạng đơn thư vượt cấp, kéo dài.

đ) Tích cực vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành bàn giao mặt bằng theo quy định. Đồng thời, có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các trường hợp đã được vận động, thuyết phục nhiều lần nhưng cố tình không chấp hành việc bàn giao mặt bằng theo quy định của pháp luật.

13. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất bị Nhà nước thu hồi chấp hành đầy đủ việc kê khai về đất, tài sản, cung cấp các giấy tờ liên quan đất, tài sản theo yêu cầu của tổ chức được giao nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; chấp hành nghiêm quy hoạch do cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, công bố; bảo đảm bàn giao mặt bằng đúng thời gian theo quy định pháp luật.

Chỉ thị này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký ban hành.

Yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể và UBND các huyện, thành phố, tổ chức, cá nhân có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung chỉ thị này. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh khó khăn, vướng mắc, kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh cho phù hợp.