Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trợ lý Thủ tướng Nguyễn Văn Tùng và đại diện lãnh đạo các Bộ: Ngoại giao, Quốc phòng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tham gia Đoàn chính thức.
Hà Lan - nhà đầu tư châu Âu lớn nhất của Việt Nam
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác Việt Nam – Hà Lan tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ. Quan hệ thương mại Việt Nam – Hà Lan không ngừng phát triển, kim ngạch thương mại tăng đều hàng năm. Năm 2010, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt gần 2 tỷ USD và 6 tháng đầu năm 2011 đạt hơn 900 triệu USD. Từ năm 2002, xuất khẩu của Việt Nam sang Hà Lang tăng trung bình 15%/năm. Hà Lan hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam tại châu Âu sau Đức, Anh và Pháp.
Với 153 dự án có tổng số vốn đầu tư 5,6 tỷ USD, hiện Hà Lan là nhà đầu tư châu Âu lớn nhất tại Việt Nam, đứng thứ 11/92 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Một số dự án đầu tư trọng điểm của Hà Lan tại Việt Nam là: Nhà máy điện Mông Dương trị giá 2,1 tỷ USD; Nhà máy điện Phú Mỹ 3 với 410 triệu USD…
Hà Lan đặc biệt quan tâm thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu và quản lý nước. Hoạt động hợp tác giáo dục cũng được 2 bên quan tâm thúc đẩy. Hà Lan đã giúp Việt Nam thực hiện nhiều dự án về giáo dục. Từ tháng 8/2002, Hà Lan quyết định đưa Việt Nam vào danh sách được hưởng quy chế đặc biệt trong hợp tác về đào tạo đại học.
Trong chuyến thăm Hà Lan (từ ngày 27/9-1/10) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác trong một số lĩnh vực ưu tiên, gồm thích ứng với biến đổi khí hậu và quản lý nước, nông nghiệp, dầu khí, cảng biển, dịch vụ hậu cần… và đẩy mạnh việc triển khai Thỏa thuận Đối tác chiến lược về thích ứng với với biến đổi khí hậu và quản lý nước.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt Nam - Uzbekistan
Việt Nam và Uzbekistan có quan hệ hợp tác hữu nghị, truyền thống tốt đẹp. Hai nước đã thành lập Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-thương mại và khoa học-kỹ thuật năm 1996. Từ năm 2009, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác với Công ty Dầu khí quốc gia Uzbekistan trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí.
Uzbekistan có nhu cầu lớn nhập khẩu những mặt hàng nông sản nhiệt đới của Việt Nam như chè, cà phê, cao su, hàng thủ công mỹ nghệ… đồng thời cũng có khả năng cung cấp cho Việt Nam những mặt hàng thế mạnh như kim loại màu, phân bón, phụ tùng máy móc.
Tuy nhiên, theo đánh giá quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước còn khiêm tốn. Thương mại hai chiều năm 2010 mới chỉ đạt trên 18 triệu USD và 6 tháng đầu năm 2011 đạt 15,56 triệu USD.
Trong chuyến thăm chính thức Uzbekistan của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (từ ngày 2 -4/10), hai bên sẽ thảo luận các biện pháp tăng cường quan hệ và thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đặc biệt là thúc đẩy các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực mũi nhọn như dầu khí, nông nghiệp…
Triển khai Thỏa thuận về phát triển quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện Việt Nam – Ukraine
Thời gian qua Việt Nam và Ukraine luôn duy trì và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Tháng 3/2011, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Viktor Yanukovych, hai bên đã ký Tuyên bố chung về phát triển quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện, thỏa thuận một số biện pháp thúc đẩy quan hệ giữa hai nước.
Về quan hệ kinh tế, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010 đạt gần 260 triệu USD, 6 tháng đầu năm 2011 đạt khoảng 95 triệu USD.
Phía Ukraine dành cho Việt Nam chế độ tối huệ quốc trong việc cung cấp các mặt hàng thủy hải sản sang Ukraine. Ukraine hiện có 4 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 24 triệu USD và Việt Nam có 4 dự án đầu tư tại Ukraine với tổng số vốn đầu tư là 27 triệu USD.
Về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, hàng năm Ukraine và Việt Nam cung cấp cho nhau hơn 30 suất học bổng. Hiện nay, có khoảng 1.400 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam đang theo học tại Ukraine và khoảng 25 sinh viên Ukraine đang theo học tại các trường đại học tại Việt Nam.
Việt Nam và Ukraine cũng luôn phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn và các tổ chức quốc tế, trong đó có LHQ.
Chuyến thăm chính thức Ukraine (từ ngày 4 - 6/10) của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm triển khai Thỏa thuận về phát triển quan hệ hợp tác và đối tác toàn diện giữa 2 nước; trao đổi phương hướng, biện pháp cụ thể nhằm thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học-kỹ thuật, giáo dục-đào tạo giữa hai nước.
Nguồn www.chinhphu.vn