Cụ thể, kết luận thanh tra phải được công khai, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước.
Ảnh chỉ có tính chất minh họa
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết luận thanh tra, người ra kết luận thanh tra có trách nhiệm thực hiện việc công khai kết luận thanh tra.
Việc công khai kết luận thanh tra được công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Ngoài việc công khai kết luận thanh tra nêu trên, người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức: 1- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng; 2- Đưa lên Trang thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành hoặc cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp; 3- Niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra.
5 căn cứ tiến hành thanh tra lại
Nghị định quy định cụ thể, việc thanh tra lại được thực hiện khi có một trong những căn cứ: 1- Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong tiến hành thanh tra; 2- Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra; 3- Nội dung kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra; 4- Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên, công chức được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc hoặc cố ý kết luận trái pháp luật; 5- Có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng của đối tượng thanh tra chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra.
Thời hiệu thanh tra lại là 2 năm, kể từ ngày ký kết luận thanh tra.
Báo cáo kết quả thanh tra lại được thực hiện theo quy định tại Điều 49 của Luật thanh tra. Nội dung báo cáo kết quả thanh tra lại phải xác định rõ tính chất, mức độ vi phạm, nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tiến hành thanh tra, kết luận thanh tra.
Nguồn www.chinhphu.vn