Sáng ngày 21/9/2011, Hội đồng Khoa học Nghệ thuật của Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế mở rộng đã họp nghiệm thu đề tài “Bộ sưu tập văn bản sắc phong triều Nguyễn” do nhóm cán bộ nghiên cứu thuộc phòng Nghiên cứu khoa học thuộc Trung tâm thực hiện.
Với mục tiêu xây dựng một phông dữ liệu về loại hình sắc phong của triều Nguyễn tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu về loại hình tư liệu đặc biệt này để phục vụ công tác nghiên cứu; đồng thời để bảo tồn một loại hình văn bản quý bằng phương pháp hiện đại và hỗ trợ cho nhân dân địa phương về công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, từ năm 2008, nhóm cán bộ nghiên cứu của Trung tâm đã bắt đầu tiến hành sưu tầm các văn bản sắc phong tại TP Huế và các huyện phụ cận.
Qua 2 năm triển khai, nhóm đã sưu tầm, phiên âm dịch nghĩa được 300 đạo sắc phong, sắc chỉ với nội dung phong phú, bao gồm sắc phong Thiên thần, Nhân thần, phong thưởng người có công, các loại thần kỳ địa phương…
Sắc phong triều Nguyễn trên giấy Long đằng có họa tiết long vân (rồng, mây) thuộc di sản Hán - Nôm vừa được sưu tầm (Ảnh: Kim Oanh)
Kết quả của đề tài được đóng thành 2 tập, dày tổng cộng gần 700 trang cùng 2 đĩa CD-Rom ghi lại kết quả số hóa toàn bộ các sắc phong, sắc chỉ sưu tầm được.
Song song với công tác sưu tầm, cố định hóa văn bản bằng phương pháp số hóa, nhóm còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân địa phương về tầm quan trọng của sắc phong, sắc chỉ và cách bảo vệ trước tác động của thời gian, thiên tai cũng như nạn mất cắp đồ cổ đang phổ biến diễn ra.
Tại buổi nghiệm thu đề tài, các thành viên Hội đồng Khoa học Nghệ thuật và đại biểu tham gia đánh giá rất cao kết quả của đề tài. Sắp tới đề tài này sẽ là một nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng nhằm phục vụ công tác nghiên cứu, bảo tồn và trao đổi tư liệu.
Nguồn báo điện tử Dân trí