(NTO) Chúng tôi đến thăm Trường PTDTBT THCS Đinh Bộ Lĩnh cũng đúng lúc học sinh của trường đang phấn khởi đón nhận những món quà của Công đoàn cơ sở Bưu điện tỉnh gửi tặng. Khuôn mặt rạng ngời niềm vui, thầy giáo Nguyễn Minh Hoài, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chính nhờ những món quà hỗ trợ như thế này, thầy trò chúng tôi mới có thể sát cánh cùng nhau để dạy tốt, học tốt trong những năm qua”.
Giờ ăn trưa của học sinh nội trú Trường PTDT bán trú THCS Đinh Bộ Lĩnh.
Trường THCS Đinh Bộ Lĩnh thành lập và đi vào hoạt động từ năm học 2007-2008. Năm học đầu tiên, trường chỉ có 96 học sinh, đến nay số lượng học sinh đã lên tới 258 em, trong đó có 179 em được ở nội trú tại trường. Nhà trường hiện có 25 cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Không chỉ phát triển về số lượng, chất lượng dạy và học của trường trong những năm qua cũng luôn được đảm bảo. Năm học 2010-2011, trường có 221 học sinh, trong đó 96% xếp hạnh kiểm khá, tốt; gần 22% học sinh có học lực khá, giỏi; 100% học sinh lớp 9 được xét tốt nghiệp và đỗ vào Trường THPT Bác Ái; Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học.
Để có được những kết quả đó, là sự nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường. Đường đến trường xa, cộng với kinh tế khó khăn và nhận thức chưa đầy đủ, hầu như cả phụ huynh và học sinh đều không mặn mà với việc học. Thầy, cô giáo của trường không chỉ làm nhiệm vụ dạy học mà còn phải vận động học sinh tới lớp. Mô hình bán trú dân nuôi ra đời cũng mong muốn “giữ chân” các em lại trường, tạo điều kiện cho học sinh xa nhà được theo học đầy đủ. Là mô hình bán trú dân nuôi, nhưng 4 năm qua, mọi khoản chi phí sinh hoạt nội trú của các em đều do nhà trường vận động từ các nguồn tài trợ. Nếu thiếu, thầy cô trong trường tự động viên nhau đóng góp vào. Thầy Nguyễn Minh Hoài chia sẻ: “Ở Phước Bình, để vận động được một học sinh tới trường là rất khó. Nhưng vận động được rồi mà không chăm lo thì các em cũng bỏ học ngay, đặc biệt là với các em học sinh lớp 6, vì ngại đường xa, chưa quen trường nên rất dễ bỏ học”. Chính vì vậy, ngoài trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, cán bộ, giáo viên của trường còn phải thật sự nhiệt tình và tâm huyết. Cả trong năm học lẫn dịp hè, thầy cô phải theo dõi sát học sinh, chỉ cần các em vắng học 2-3 buổi là thầy cô phải đến nhà, thậm chí là tìm lên đến tận nương rẫy để vận động các em về học.
Với những học sinh ở nội trú, để “giữ chân” được các em ngoài giờ học, Ban giám hiệu nhà trường và Liên đội tổ chức các hoạt động tập thể như: sinh hoạt văn nghệ, vệ sinh môi trường, nấu ăn tập thể… Buổi tối, các em được thầy cô hướng dẫn ôn bài theo lớp. Em Kator Thị Hồ, học sinh lớp 8B, cho biết: “Em được ở trong khu nội trú rất vui. Được tham gia sinh hoạt với các bạn, buổi tối được thầy cô hướng dẫn ôn bài… làm em quên cảm giác nhớ nhà và thích với việc học hơn.”.
Khó khăn lớn nhất của trường hiện nay là cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy học còn thiếu thốn. Trường có 9 lớp nhưng chỉ có 5 phòng học; thiếu phòng làm việc, các phòng chức năng. Sân trường thường xuyên trong tình trạng bị ngập nước, sình lầy nhất là vào mùa mưa như hiện nay…nên rất khó tổ chức các hoạt động tập thể. Toàn bộ giáo viên của trường đều phải ở lại nội trú nhưng khu nội trú giáo viên mới chỉ có 3 phòng, chưa có khu nhà vệ sinh riêng. Đặc biệt, học sinh của trường đang thiếu sách giáo khoa phục vụ cho việc học tập. Bên cạnh đó, tình trạng học sinh bỏ học hẳn và bỏ học cách nhật vẫn xảy ra, đòi hỏi các thầy, cô giáo phải cố gắng hơn nữa cả trong việc giảng dạy và vận động học sinh đến lớp. Với rất nhiều khó khăn đó nhưng tập thể cán bộ, giáo viên Trường PTDTBT THCS Đinh Bộ Lĩnh vẫn luôn nỗ lực vì sự nghiệp trồng người, vì thế hệ tương lai của quê hương.
Bích Thủy