(NTO) Các loại hình đào tạo ngày càng đa dạng, tạo thuận lợi cho nhân dân được học tập nâng cao dân trí. Huy động mọi nguồn lực tham gia XHH GD&ĐT là điều kiện quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà trong thời kỳ CNH, HĐH.
NHỮNG THÀNH TỰU ĐÁNG GHI NHẬN
Hằng năm, Nhà nước đầu tư cho sự nghiệp GD&ĐT chiếm 20- 24% tổng chi ngân sách trên địa bàn tỉnh. Nguồn đầu tư cho sự nghiệp GD-ĐT tăng từ 276,2 tỷ đồng của năm 2007 lên 306,3 tỷ đồng vào năm 2009 và 515,3 tỷ đồng vào năm 2011. Trong cơ cấu ngân sách GD&ĐT được phê duyệt, ưu tiên chi cho các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ngân sách bảo đảm chi trả lương, phụ cấp, trợ cấp kịp thời cho giáo viên. Trung ương hỗ trợ cho tỉnh 252 tỷ đồng xây dựng mới 1.830 phòng học và 522 phòng công vụ. Hệ thống trường, lớp được đầu tư theo hướng chuẩn hóa đảm bảo đủ phòng học cho học sinh và nhà công vụ giáo viên ở các xã đặc biệt khó khăn.
Trường THPT iSchool Ninh Thuận được đầu tư nâng cấp về cơ sơ vật chất, đáp ứng nhu cầu dạy và học
trong năm học 2011- 2012. Ảnh: Văn Miên
Các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp 38,6 tỷ đồng xây dựng mới nhiều trường học. Đơn cử, huyện Thuận Nam được Ngân hàng Đầu tư&Phát triển Việt Nam hỗ trợ 20 tỷ đồng xây dựng Trường TH Lạc Nghiệp và Trường THCS Phan Chu Trinh. Ngân hàng Vietcombank hỗ trợ 2 tỷ đồng xây dựng Trường TH Lạc Sơn. Huyện Bác Ái được Ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng Sông Cửu Long hỗ trợ 3 tỷ đồng xây dựng Trường THCS Ngô Quyền. Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ 2,1 tỷ đồng xây Trường TH Phước Bình C. Huyện Ninh Sơn được Công ty DEGO hỗ trợ 800 triệu đồng xây dựng nhà nội trú cho học sinh xã Ma Nới. Các huyện Thuận Bắc, Ninh Hải, Ninh Phước được các đơn vị, cá nhân hỗ trợ nhiều tỷ đồng xây dựng cơ sở mẫu giáo, sửa chữa phòng học. Hội Khuyến học tỉnh vận động các đơn vị, các nhà hảo tâm ủng hộ gần 15 tỷ đồng giúp hàng ngàn học sinh nghèo học giỏi có điều kiện đến trường.
Trường THCS Ngô Quyền (Phước Tiến, Bác Ái) - một trong những ngôi trường được xây dựng
từ nguồn lực xã hội hóa. Ảnh: Văn Miên
Tính đến năm học 2011- 2012, toàn tỉnh có 316 cơ sở giáo dục công lập, tư thục đảm nhận giảng dạy cho trên 145.500 học sinh các cấp học. Bao gồm 89 trường mầm non, 148 trường tiểu học, 61 trường THCS và 18 trường THPT. Trong đó, hệ tư thục có 17 trường mầm non tiếp nhận nuôi dạy trên 2.000 học sinh và Trường THPT iSchool đảm nhận giảng dạy cho 1.420 học sinh. Đối với hệ đào tạo tư thục có Trung tâm Dạy nghề Tấn Tài và 11 Trung tâm Ngoại ngữ- Tin học đào tạo cho trên 2.500 học viên. Việc thành lập đưa Phân hiệu Đại học Nông Lâm TP.Hồ Chí Minh tại Ninh Thuận vào hoạt động từ năm học 2010- 2011, góp phần quan trọng trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà.
Qua kiểm tra chất lượng năm học 2010- 2011, toàn tỉnh có 102 đơn vị trường học đạt loại khá, 91 trường đạt loại tốt và 47 trường đạt loại xuất sắc, chiếm 81% số trường học trên địa bàn tỉnh. Các huyện, thành phố giữ vững danh hiệu đạt chuẩn XMC- PCGDTH và PCGD THCS. Tình trạng học sinh lưu ban, bỏ học ở các xã vùng biển, miền núi được đẩy lùi. Số học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 91,95%, tăng 22,41% và số học viên đỗ tốt nghiệp GDTX THPT đạt 77,47%, tăng 64,16% so với năm trước. Tỉnh ta có nhiều học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp quốc gia và thi đỗ thủ khoa, á khoa các trường đại học. Các Trung tâm Học tập cộng đồng phát huy hiệu quả hoạt động, mở nhiều lớp tập huấn nâng cao toàn diện kiến thức cho nhân dân. Từ sự quan tâm chăm lo của lãnh đạo tỉnh đã huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho sự nghiệp GD&ĐT, đáp ứng nguồn nhân lực qua đào tạo trong thời kỳ hội nhập.
Tiết học của học sinh lớp 10A4, Trường THPT iSchool Ninh Thuận. Ảnh: Văn Miên
ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII xác định phát triển sự nghiệp GD&ĐT trong thời gian tới chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh trong giai đoạn mới. Toàn tỉnh đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và xã hội hóa, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển các loại hình tư thục, chất lượng cao ở các cấp học. Phấn đấu đưa nguồn lao động qua đào tạo đạt từ 40% (năm 2010) lên 50% vào năm 2015.
Theo định hướng của tỉnh, chương trình XHH GD&ĐT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2011- 2015 thực hiện với các nội dung như: Chuẩn bị điều kiện cần thiết tiếp tục chuyển một số cơ sở giáo dục công lập ở các vùng thuận lợi sang loại hình ngoài công lập. Khuyến khích thành lập cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập trên địa bàn Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và các xã, thị trấn có điều kiện kinh tế- xã hội phát triển. Các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập có nguồn thu sự nghiệp và có đủ điều kiện chuyển sang thực hiện cơ chế tự chủ tài chính, bảo đảm chi phí hoạt động thường xuyên. Tiến hành thành lập trường phổ thông nhiều cấp học theo đơn đăng ký của Công ty Cổ phần Công nghệ và Giáo dục Nguyễn Hoàng. Khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh đóng góp kinh phí, đất xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia và thực hiện học 2 buổi/ngày ở các cấp học.
Đa dạng hình thức đào tạo, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân mở các lớp dạy nghề ngoài công lập; chuyển một số loại hình dạy nghề sang hoạt động theo cơ chế dịch vụ. Thực hiện tốt chính sách dạy nghề cho bộ đội xuất ngũ, lao động nông thôn, thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số và lao động vùng chuyển đổi nghề nghiệp. Tạo mọi điều kiện để các tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập trường trung cấp chuyên nghiệp và cơ sở dạy nghề ngoài công lập. Các cơ sở GD&ĐT được phép liên kết với các cơ sở GD&ĐT có uy tín trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn. Tạo điều kiện cho những người công tác ngoài ngành GD&ĐT có trình độ, uy tín và đủ điều kiện được tham gia giảng dạy trong các cơ sở giáo dục.
Đồng chí NGUYỄN HỒNG LIÊU,
Giám đốc Sở Giáo dục& Đào tạoThực hiện chủ trương xã hội hoá là điều kiện phát triển mạnh mẽ sự nghiệp GD&ĐT tỉnh nhà trong giai đoạn mới. Ngành GD&ĐT tham mưu lãnh đạo tỉnh cho phép thành lập Trường THPT iSchool Ninh Thuận trên cơ sở chuyển đổi từ Trường THPT Bán công Trần Quốc Toản. Sự ra đời của Trường THPT iSchool Ninh Thuận đánh dấu bước phát triển mới thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục. Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII, ngành GD&ĐT tiếp tục đẩy mạnh xã hội hoá cấp học mầm non, phổ thông, chuyên nghiệp. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền các địa phương thực hiện tốt các giải pháp huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia phát triển sự nghiệp GD&ĐT. Đa dạng hóa loại hình trường học, tạo động lực nâng cao chất lượng giảng dạy giữa các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.
Thầy giáo HỒ HỮU PHA, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phước Kháng
Trường Tiểu học Phước Kháng hiện có 267 học sinh là con em đồng bào Raglai. Phước Kháng được thụ hưởng chương trình hỗ trợ của Chính phủ dành cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn. Nhà trường sử dụng nguồn vốn được cấp để trang bị đồng phục, cặp, nón cho học sinh. Các em học hai buổi được ăn trưa tại nhà ăn tập thể với khẩu phần bảo đảm dinh dưỡng. Nhà trường được các doanh nghiệp hỗ trợ bàn ghế, thiết bị văn phòng, vật liệu trang trí phòng học tạo môi trường xanh- sạch- đẹp. Phụ huynh đóng góp cây xanh trồng mát sân trường. Giáo viên hướng dẫn học sinh tham gia các trò chơi dân gian như đi cà kheo, ô quan, ném còn, bịt mắt đá bóng. Phân nhóm bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho học sinh yếu, giúp các em nắm vững chương trình. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp xã hội hóa bảo đảm mô hình trường bán trú phát triển bền vững. Trường Tiểu học Phước Kháng phấn đấu đạt chuẩn quốc gia vào cuối năm học 2011- 2012.
Đồng chí TRẦN THANH SƠN, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Phước DânThị trấn Phước Dân hiện có 15 Chi hội Khuyến học thu hút trên 2.000 hội viên tham gia hoạt động khuyến học, khuyến tài. Địa phương vận động xây dựng quỹ khuyến học được 276 triệu đồng chi khen thưởng, cấp học bổng cho 2.522 lượt học sinh, sinh viên trên 157 triệu đồng. UBND thị trấn Phước Dân chỉ đạo Hội Khuyến học cơ sở tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện hiệu quả xã hội hóa giáo dục. Các tổ chức, cá nhân đóng góp 1.587 triệu đồng sửa chữa phòng học, bê-tông sân trường 2.520 m
2, xây 720m tường rào, làm 3 nhà để xe cho học sinh với diện tích 164m
2. Nguồn lực đóng góp của nhân dân địa phương góp phần xây dựng Trường Mẫu giáo Măng Non và Trường Tiểu học Phú Quý 2 đạt chuẩn quốc gia. Hoạt động khuyến học hiệu quả đã góp phần xây dựng xã hội học tập phát triển bền vững.
Sơn Ngọc