Bầu Thắng của Đồng Tâm Long An nói rất thật: “Rồi đây người ta sẽ thấy không chỉ mỗi mình Hòa Phát Hà Nội bỏ bóng đá mà bầu Đức của Hoàng Anh Gia Lai rất tâm huyết nhưng cũng bắt đầu nản”. Ngoài chuyện kinh tế khó khăn mà còn phải lo chuyện đội bóng, nguyên nhân lớn khác, theo các ông bầu là họ phải tham gia cuộc chơi không chuyên nghiệp. Bầu Trường của V.Ninh Bình cho biết: “So với kinh doanh, làm bóng đá khó hơn, vì cái chính là luật chơi của bóng đá Việt Nam thiếu rạch ròi”.
Trận thư hùng trong giải V-League
Ông Trường nói cũng có lý. Với bóng đá Việt Nam, người ta đổ tiền đầu tư vào cũng chẳng biết đồng tiền ấy sẽ thu được cái gì? Giá cầu thủ tăng vùn vụt khác xa giá trị thực. Cầu thủ thì mất hẳn yếu tố màu cờ sắc áo, trong khi những người điều hành cuộc chơi bất lực trước hiện tượng “đi đêm”, làm giá, giật giá của giới cò cầu thủ và cả các cầu thủ.
Bầu Thắng nhìn bóng đá Việt Nam qua lăng kính của một nhà kinh tế: “Bóng đá Thái Lan hơn bóng đá Việt Nam về nhiều mặt, cầu thủ chuyên nghiệp hơn, bộ máy quy củ hơn. Tuy nhiên, số tiền đầu tư vào một CLB Thái Lan lại rẻ hơn nhiều so với đầu tư vào một đội bóng Việt Nam. Ở Thái, chỉ cần 1 triệu USD là có thể có 1 đội bóng tốt, trong khi con số này ở Việt Nam có thể gấp 4 lần. Theo tôi, đó là một nghịch lý”.
Có một nghịch lý là những đội làm bóng đá theo kiểu chống phá giá như Hoàng Anh Gia Lai, Đồng Tâm Long An, Hà Nội ACB lại đang khốn khổ, trong khi ngay cả những CLB đổ tiền vào bóng đá ào ào kiểu Navibank Sài Gòn, V.Ninh Bình cũng chẳng dám đảm bảo là cách làm đúng. Cộng thêm chuyện các doanh nghiệp thấy rằng họ chẳng tìm được sự chuyên nghiệp hoặc một hướng phát triển tốt trong cuộc chơi mà họ tham gia, nên thật khó đảm bảo rằng tâm huyết của những ông chủ sẽ còn mãi với bóng đá nội.
Nguồn Báo SGGP Online