Bàn về chính sách, biện pháp phối hợp phổ biển, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên

Ngày 30/8 tại Hà Nội, Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo về “Chính sách, biện pháp phối hợp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên”.

Nhiều đổi mới trong phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên

Phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, giúp thanh thiếu niên thay đổi nhận thức, hành vi, điều chỉnh những thói quen xấu, những hành vi thiếu văn minh, vi phạm pháp luật, từ đó, hình thành những thói quen tốt, hướng thanh thiếu niên luôn sống và tuân thủ theo các quy định của pháp luật.

 Sân khấu hoá – hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được đông đảo thanh thiếu niên đón nhận (Ảnh: MC)

Qua đánh giá của Bí thư TƯ Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban quốc gia về thanh niên Việt Nam Nguyễn Hoàng Hiệp, nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên ngày càng đa dạng, phong phú. Các quy định của Luật Thanh niên, Luật Giao thông đường bộ, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Lao động, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em... đã được phổ biến tới hầu khắp các đối tượng thanh thiếu niên. Hình thức tuyên truyền cũng ngày càng đổi mới, phù hợp với đặc tính lứa tuổi, trong đó, coi trọng phổ biến giáo dục pháp luật trong nhà trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông qua các lớp tập huấn, các hội thi, những buổi sân khấu hoá, các phiên toà xét xử lưu động...

Cùng với đó, các tài liệu như: sách, báo, tờ rơi... phục vụ cho công tác tuyên truyền cũng được nâng cao chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức trình bày. Đoàn Thanh niên đã tích cực phối hợp với các ngành, các cấp xây dựng và nhân rộng các mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả như: Câu lạc bộ pháp luật trẻ, đội thanh niên tình nguyện tư vấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật..., Bí thư Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết.

Tiếp tục phải có những chính sách, biện pháp mới

Dù đã có nhiều cố gắng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên nhưng trên thực tế, tình hình vi phạm pháp luật, thiếu kiến thức về pháp luật trong thanh thiếu niên đang gia tăng. Nhiều vụ chém, giết người, trấn lột, cướp bóc, chống người thi hành công vụ... mà tội phạm là thanh niên xảy ra trong thời gian gần đây khiến xã hội không thể không lo ngại.

 Mục tiêu đến năm 2015, có 80% thanh thiếu niên tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú
được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật (Ảnh: MC)

Về điều này, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hải Phòng bổ sung thêm, qua thống kê, số lao động ngoại thành là thanh niên bị thương, bị chết do tai nạn giao thông là chủ yếu; lao động là thanh niên ngoại tỉnh làm việc tại Hải Phòng phạm tội đang có diễn biến phức tạp.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, theo các đại biểu một phần là do công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên còn nhiều hạn chế. Đại biểu của Thành Đoàn Hải Phòng, Tỉnh Đoàn Hải Dương cho hay, việc coi công tác kể trên là nhiệm vụ của Đoàn không phải hiếm gặp ở các cấp, các ngành. Điều này dẫn đến việc thiếu quan tâm, hạn chế đầu tư cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên địa phương. Nếu có thì chỉ tập trung ở những nội dung tuyên truyền có nguồn kinh phí hỗ trợ như an toàn giao thông, HIV-AIDS...

Theo TS Trần Văn Miều, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Giáo dục, Môi trường và Phát triển, việc phổ biến, giáo dục pháp luật ở một số địa phương còn mang tính phong trào, chưa đi sâu vào những nội dung thiết thực. Theo ông, công tác này cần phải đáp ứng cái thanh thiếu niên cần chứ không phải cái họ đang có.

Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Nguyễn Duy Lãm cho hay, đối tượng cần được giáo dục, phổ biến về pháp luật rất phong phú. Với đồng bào dân tộc thiếu số, công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn do thiếu cán bộ, tuyên truyền viên am hiểu tiếng dân tộc. Nói sai, nói không đúng có khi còn nguy hiểm hơn là chưa tuyên truyền tới bà con.

Từng tham gia đội thanh niên tình nguyện tư vấn, tuyên truyền phổ biến pháp luật, nhóm sinh viên Đại học Luật bổ sung thêm, hình thức tuyên truyền nhiều khi vẫn chưa thật sự phù hợp với đối tượng. Cụ thể, với thanh niên dân tộc ít người, việc phát những tờ rơi, tờ gấp có quy định cụ thể về luật là không cần thiết, những từ ngữ ngắn gọn, có hình minh hoạ, chỉ rõ sai, đúng là phù hợp nhất.

Để khắc phục những hạn chế kể trên, Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Mục tiêu đưa ra từ nay đến năm 2015 là phấn đấu có 80% thanh thiếu niên tự do, sinh sống, lao động tại địa bàn cư trú được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trong các lĩnh vực liên quan đến quyền, nghĩa vụ và đời sống, công việc của từng đối tượng, từng địa bàn; 80% thanh thiếu niên vi phạm pháp luật được tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật, hạn chế tái vi phạm pháp luật và tạo điều kiện hoà nhập tốt với cộng đồng; 70% thanh niên lao động ở nước ngoài được thông tin, phổ biến các quy định pháp luật Việt Nam và nước sở tại trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, đời sống, công việc; giảm từ 10% trở lên số người vi phạm pháp luật là thanh thiếu niên, số vụ vi phạm pháp luật có thanh thiếu niên tham gia...

 Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: MC)

Theo đó, Đề án đã đưa ra 7 nhóm giải pháp chủ yếu. Ý kiến của nhiều đại biểu đến từ các bộ, ngành, địa phương, các cán bộ Đoàn, chuyên gia xây dựng pháp luật và các đoàn viên, thanh niên, sinh viên cũng đã bổ sung, làm sáng rõ nhiều vấn đề. Vấn đề quan trọng bây giờ là chuyển biến trong nhận thức của các cấp, các ngành cũng như chính đối tượng là thanh thiếu niên, từ đó có các chính sách, biện pháp phối hợp cho phù hợp để công tác phổ biến, giáo dục pháp luật cho đối tượng này mang lại hiệu quả trong giai đoạn mới.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam