Thực hiện Luật Đất đai năm 2024, Luật Quy hoạch và Nghị quyết số 174/2024/QH15 ngày 30/11/2024 của Quốc hội, Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức điều tra, khảo sát, xây dựng hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Quy hoạch SDĐ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, nhóm đất nông nghiệp bao gồm: Đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất chăn nuôi tập trung, đất làm muối được điều chỉnh quy hoạch đến năm 2030 là trên 26 triệu ha; nhóm đất phi nông nghiệp gồm: Đất quốc phòng, đất an ninh được điều chỉnh quy hoạch trên 5,8 triệu ha. Phấn đấu đến năm 2050, tài nguyên đất được bố trí, phân bổ sử dụng hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trở thành một nước phát triển, có thu nhập cao.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự cuộc họp tại điểm cầu tỉnh Ninh Thuận.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, nhấn mạnh: Đất đai là nguồn tài nguyên, tư liệu sản xuất vô cùng quý giá, đòi hỏi việc điều chỉnh, lập quy hoạch SDĐ phải đáp ứng mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế-xã hội ổn định, lâu dài. Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cung cấp thông tin, tài liệu, số liệu, bản đồ; cập nhật tình hình quản lý, SDĐ và các danh mục công trình, dự án để Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổng hợp, hoàn thiện việc điều chỉnh Quy hoạch SDĐ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng trình tự, quy định của pháp luật hiện hành. Quá trình lập điều chỉnh quy hoạch cần phân tích, đánh giá đầy đủ những yếu tố thuận lợi, phân phối hợp lý tài nguyên đất, thúc đẩy phát triển đồng đều giữa các vùng miền, nhất là ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn. Phấn đấu đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo kịp thời các nội dung để báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 9 trong năm nay.
Hồng Lâm