Chuyển đổi số tạo sức bật trong kỷ nguyên mới

Chuyển đổi số (CĐS) là một xu thế tất yếu toàn cầu có tác động vô cùng sâu rộng lên các lĩnh vực của nền kinh tế, chính trị, xã hội. Với sự chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương công tác CĐS trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng và thay đổi rất lớn trên tất cả các lĩnh vực, mang lại sự tiện ích và hài lòng cho người dân và doanh nghiệp (DN).

Thực hiện đề án CĐS, tỉnh Ninh Thuận tập trung vào 3 trụ cột chính: Chính quyền số, xã hội số và kinh tế số. Tỉnh xác định ưu tiên CĐS trên các lĩnh vực y tế; giáo dục; tài chính - ngân hàng; nông nghiệp; giao thông vận tải, logistics; thương mại điện tử; năng lượng; tài nguyên và môi trường; DN công nghiệp; du lịch. Mục tiêu là nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiện nay, hoạt động CĐS trên địa bàn đang trở thành một trong những động lực quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển của các DN, cơ sở sản xuất.

Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh, thông tin mạng và điều hành đô thị thông minh tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: A.Tuấn

Anh Trịnh Nguyễn Đoàn, quản lý Cơ sở sản xuất nước mắm Quang Minh, thôn Lạc Sơn 2, xã Cà Ná (Thuận Nam) cho biết: Cơ sở có 3 sản phẩm nước mắm cá cơm truyền thống loại thượng hạng, đặc biệt đã được tỉnh Ninh Thuận công nhận đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Thông qua các kênh thương mại điện tử, mạng xã hội, sản phẩm nước mắm Quang Minh được quảng bá rộng rãi, tiếp cận với nhiều khách hàng hơn. Nhờ đó, mỗi tháng cơ sở tiêu thụ được từ 6.000-10.000 lít nước mắm cá cơm truyền thống các loại, mang lại nguồn thu nhập ổn định. Không chỉ vậy, việc ứng dụng công nghệ số còn giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tăng cường vị thế cạnh tranh của công ty trên thị trường. Các nền tảng thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ.

Qua thống kê, hiện có hơn 90 đơn vị tham gia sàn thương mại điện tử của tỉnh với 350 sản phẩm nông sản, sản phẩm chế biến, thủ công mỹ nghệ, du lịch lữ hành... Ngoài ra, rất nhiều sản phẩm của địa phương đã được đưa lên giới thiệu, mua bán tại các sàn thương mại điện tử lớn như: Shopee, Lazada, Tiki và các trang mạng xã hội. Sản lượng tiêu thụ qua các kênh số trung bình chiếm từ 25-30% sản lượng tiêu thụ của các DN, cơ sở sản xuất. CĐS cũng đang làm thay đổi nhanh chóng thói quen sử dụng công nghệ của cộng đồng. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phổ biến với doanh số thanh toán không dùng tiền mặt chiếm 75,3% doanh số thanh toán qua ngân hàng. Đến nay, 100% trường học và 100% cơ sở khám, chữa bệnh tại Tp. Phan Rang - Tháp Chàm đã phối hợp với ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu học phí, thanh toán dịch vụ y tế... không dùng tiền mặt.

Nhân viên Ngân hàng VietinBank hướng dẫn người dân làm thủ tục sinh trắc học. Ảnh: M.Hà

Ông Hồ Chu Vân, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Ngành ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy hoạt động ngân hàng số và đảm bảo an ninh, an toàn, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, DN và kinh tế địa phương. Thời gian tới, ngành tiếp tục thực hiện các giải pháp an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng; tăng khả năng kết nối liên thông, tích hợp dịch vụ giữa ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác.

Theo Ban điều hành CĐS tỉnh, để đẩy nhanh tiến trình CĐS, Ninh Thuận đã huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng thiết bị đồng bộ, hiện đại đáp ứng nhu cầu của người dân, DN và sự chuyển đổi của chính quyền số. Đến nay, hạ tầng mạng truyền dẫn cáp quang để cung cấp dịch vụ internet cố định băng thông rộng và dịch vụ truy nhập internet 3G, 4G được phủ đến 100% số thôn; triển khai thí điểm phát sóng 5G tại 75 trạm; dân số có điện thoại thông minh đạt 87,5%; hộ gia đình có cáp quang băng thông rộng cố định đạt 81,7% cao hơn mức trung bình cả nước là 81%, xếp hạng 15 toàn quốc.

Đoàn viên, thanh niên thị trấn Tân Sơn (Ninh Sơn) hướng dẫn người dân sử dụng các ứng dụng chuyển đổi số. Ảnh: Minh Thương

Cùng với đó, chính quyền các cấp đã tập trung đẩy mạnh triển khai xây dựng và hoàn thiện mô hình chính quyền điện tử, chính quyền số để phục vụ người dân tốt nhất. Các cơ quan chức năng trong tỉnh đã nhanh chóng chủ động thực hiện CĐS trong nhiều lĩnh vực quan trọng nhằm duy trì hoạt động quản lý cũng như đẩy mạnh và đảm bảo hoạt động của chính phủ điện tử. Từ đó góp phần nâng cao hiệu lực hiệu quả trong quản lý nhà nước tại địa phương cũng như đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của người dân, DN khi tiếp cận các dịch vụ mà các cơ quan nhà nước cung cấp. Chị Nguyễn Thị Hương, kế toán Công ty Thành Lợi cho biết: Hiện tại ứng dụng công nghệ CĐS đã giúp rút ngắn nhiều công đoạn thủ tục, tiện lợi, dễ thực hiện hơn cho người dân, DN. Ngày trước công ty chúng tôi phải làm hồ sơ bản giấy với khối lượng giấy tờ rất nhiều, nay với các tiện ích qua ứng dụng VNeID giúp giảm thời gian đi lại, giảm chi phí vừa đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng.

Công an huyện Thuận Nam làm căn cước cho công dân dưới 14 tuổi. Ảnh: Ngọc Diệp

Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng hạ tầng dùng chung với công nghệ điện toán đám mây sử dụng cho toàn tỉnh. Hệ thống giám sát an toàn, an ninh mạng được triển khai, bảo đảm cho các hệ thống thông tin được bảo vệ theo mô hình 4 lớp, đáp ứng các tiêu chí về an toàn thông tin để kết nối vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Từ đầu năm đến nay, 53 dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06/CP mà tỉnh thực hiện đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Kinh tế số, xã hội số của tỉnh từng bước hình thành và phát triển; hoạt động thương mại điện tử, thương mại số từng bước được tăng cường. 100% DN triển khai chữ ký số và phần mềm kế toán điện tử. 100% DN, hộ kinh doanh kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử, các nền tảng số. Việc triển khai nâng cấp và duy trì Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) và Điều hành đô thị thông minh (IOC) kết nối, tích hợp 12 hệ thống thông tin để phục vụ việc theo dõi, giám sát, giúp tiếp nhận, điều phối, xử lý, tổng hợp, cung cấp thông tin chất lượng cho người dân, DN, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước...

Thời gian tới, Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, nâng cao tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận, xử lý trực tuyến; tập trung triển khai hoàn thành các sản phẩm CĐS, phấn đấu mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương hoàn thành ít nhất một sản phẩm CĐS trong năm. Đồng thời, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ DN CĐS; đẩy mạnh hoạt động thương mại điện tử gắn với phát triển kinh tế số, đảm bảo 100% DN sử dụng các nền tảng số, hóa đơn điện tử; tập trung thực hiện việc cấp tài khoản định danh điện tử cho người dân; đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt.




  

 
Lễ triển khai thi công Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái – giai đoạn 2
 
 
 
00:00
 
00:00