Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, bà Lagarde nhấn mạnh sự cần thiết của cải cách kinh tế, bảo vệ các quyết định cắt giảm lãi suất thận trọng của ECB và chỉ ra giá năng lượng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến lạm phát.
Bà Lagarde cảnh báo châu Âu cần sẵn sàng đối mặt với những thay đổi tiềm tàng trong chính sách thương mại của Mỹ. Mặc dù chính phủ của ông Donald Trump chưa áp dụng ngay các mức thuế quan trên diện rộng, bà Lagarde cho rằng những biện pháp có chọn lọc vẫn có thể xuất hiện trong những tuần tới. Trong cuộc phỏng vấn với CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bà Lagarde nhấn mạnh sự cần thiết để châu Âu chuẩn bị và dự đoán trước những gì có thể xảy ra để có thể ứng phó.
Thương mại luôn là chủ đề được quan tâm tại Davos, nhưng với việc ông Trump trở lại chính trường, những lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ đang thu hút sự chú ý đặc biệt. Châu Âu luôn ủng hộ thị trường mở, không chỉ vì "nguyên tắc đạo đức", mà còn vì lợi ích kinh tế từ hoạt động giao thương với Mỹ. Thặng dư thương mại của Khu vực đồng euro (Eurozone) với Mỹ đứng ở mức gần 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong năm 2023, chủ yếu nhờ các lĩnh vực như hóa chất và dược phẩm.
Trụ sở Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ở Frankfurt am Main, miền Tây Đức.
Khi được hỏi về khả năng châu Âu ứng phó với cuộc chiến thương mại, bà Lagarde thừa nhận các cuộc thảo luận cần tiếp tục. Tuy nhiên, bà cho rằng ý tưởng Mỹ giảm nhập khẩu từ châu Âu để thúc đẩy sản xuất trong nước là "đáng nghi ngại" vì kinh tế Mỹ "đang hoạt động rất nóng".
Về chính sách tiền tệ, bà Lagarde tái khẳng định cam kết của ECB về việc giảm lãi suất một cách thận trọng, phụ thuộc vào dữ liệu kinh tế. Bà tin tưởng lạm phát sẽ giảm xuống mục tiêu 2% trong năm 2025.
Thị trường dự đoán ECB sẽ cắt giảm lãi suất nhiều lần trong năm 2025, một số nhà phân tích dự đoán có thể bốn lần vào mùa Hè và đưa lãi suất từ 3% xuống 2%. Khi được hỏi về tốc độ này, bà Lagarde tránh đưa ra cam kết cụ thể, cho rằng "các động thái từ từ" có thể xảy ra, nhưng mọi quyết định sẽ vẫn dựa trên dữ liệu. Bà Lagarde cũng bác bỏ lo ngại rằng ECB đang chậm trễ trong việc cắt giảm lãi suất, với lưu ý ngân hàng này không thay đổi nhiều dự báo lạm phát trong 5 lần dự báo gần nhất.
Hiện nay, ECB và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có sự khác biệt về tốc độ nới lỏng tiền tệ. Với lạm phát ở châu Âu ổn định và tăng trưởng kinh tế dự kiến 1% trong năm 2025, ECB đang giữ lập trường thận trọng. Bà Lagarde nhắc lại rằng mục tiêu của ECB là ổn định giá cả, không bao gồm các yếu tố như việc làm, khác với Fed. Ngoài ra, bà Lagarde cũng nhấn mạnh giá năng lượng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến các quyết định chính sách tiền tệ trong tương lai. Giá dầu và khí đốt giảm sâu hơn có thể tác động đáng kể đến lạm phát.
Trong bối cảnh toàn cầu ngày càng bất ổn, ECB vẫn cam kết tiếp cận một cách từ từ dựa trên dữ liệu, đồng thời theo dõi sát sao các quyết định thương mại của Mỹ và tác động kinh tế tiềm tàng.
Theo TTXVN