Đồng chủ trì hội thảo có đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia. Tham dự có các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp trong tỉnh.
Các đồng chí: Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: Văn Nỷ
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tầm quan trọng của hội thảo, qua đó nhằm tập hợp tìm kiếm ý tưởng sáng tạo, các giá trị mới, có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, các định hướng lớn, những vấn đề mới để hiện thực hoá mục tiêu, định hướng và tầm nhìn Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để thúc đẩy KT-XH tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành xu thế trên thế giới; kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh, cùng với cả nước hướng đến “Kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” và tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, phấn đấu hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, hướng đến năm 2045 trở thành tỉnh phát triển toàn diện, có thu nhập cao.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: P.Bình
Với tinh thần đó, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế đóng góp ý kiến, đề xuất các giải pháp khơi thông, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực phát triển; đề xuất giải pháp phát triển kinh tế biển, kinh tế đô thị tỉnh; định hướng phát triển KT-XH trong điều kiện tái khởi động nhà máy điện hạt nhân, lựa chọn phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; kịch bản phát triển cho phù hợp với tình hình thực tế, tác động khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đối với phát triển KT-XH của tỉnh.
Tại hội thảo, các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học, doanh nghiệp đã phát biểu tham luận và thảo luận xoay quanh một số định hướng phát triển KT-XH của tỉnh, các lĩnh vực trọng tâm, đột phá của tỉnh về công nghiệp và năng lượng, du lịch, kinh tế số, trong đó định hướng thúc đẩy kinh tế biển và kinh tế đô thị trở thành động lực phát triển; đề xuất các định hướng lớn, những vấn đề mới nhằm hiện thực hóa mục tiêu, định hướng và tầm nhìn Quy hoạch tỉnh; lựa chọn phương án phát triển các ngành, lĩnh vực; tính toán lại kịch bản phát triển cho phù hợp với tình hình thực tế, tác động khi xây dựng nhà máy điện hạt nhân đối với phát triển KT-XH của tỉnh.
PGS. TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: P.Bình
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp rất sâu sắc, thẳng thắn, đầy tâm huyết, có tính lý luận và thực tiễn rất cao của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và các doanh nghiệp đối với phát triển của tỉnh Ninh Thuận; nhất là các nhận định, phân tích gợi mở định hướng và giải pháp đột phá cho phát triển của Ninh Thuận trong giai đoạn đến. Tỉnh trân trọng tiếp thu, lựa chọn những ý tưởng hay, khả thi nhất để phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh và xây dựng chiến lược phát triển cho các năm tiếp theo. Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được, đúc rút những bài học kinh nghiệm qua quá trình phát triển và những phân tích đánh giá, trong thời gian tới Ninh Thuận sẽ sớm hiện thực hóa các kiến nghị và giải pháp xác định tại hội thảo.
Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận hội thảo. Ảnh: P.Bình
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương tổng hợp nội dung các ý kiến, đề xuất của các đại biểu, các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp đã trình bày để trình lãnh đạo tỉnh xem xét, lựa chọn và đưa vào nội dung các văn kiện, kế hoạch phát triển KT-XH của tỉnh trong 5 năm tới và những năm tiếp theo. Hướng tới xây dựng, hình thành các hệ sinh thái phát triển mới cho Ninh Thuận và của quốc gia; trọng tâm giữ vững kinh tế biển, kinh tế đô thị, trong đó xây dựng Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng quốc gia mà tiền đề là điện hạt nhân, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo đóng vai trò chủ đạo làm thay đổi căn bản bức tranh phát triển KT-XH của tỉnh. Trên cơ sở các ý tưởng được trình bày, thảo luận tại hội thảo, tỉnh tiếp tục nghiên cứu để bổ sung, phát triển thành các đề án cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện, nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tiếp tục mời gọi, khuyến khích các chuyên gia, nhà khoa học và các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân tiếp tục đóng góp các sáng kiến, giải pháp xây dựng chiến lược phát triển cho tỉnh Ninh Thuận trong giai đoạn đến.
-----------
Ý KIẾN TÂM HUYẾT CỦA CÁC CHUYÊN GIA KINH TẾ
* TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia:
TS. Trần Du Lịch. Ảnh: P.Bình
Để biến “Miền đất hội tụ những giá trị khác biệt” thành lợi thế phát triển nhanh và bền vững, Ninh Thuận cần có quyết tâm chính trị cao, tập trung nguồn lực, tận dụng thời cơ, tạo bước đột phá đối với các trụ cột kinh tế (năng lượng, cảng-logistics, du lịch, nông ngư nghiệp, công nghiệp chế biến) để đạt tăng trưởng bình quân khoảng 11-12%/năm. Cần tập trung 6 nhóm ngành trụ cột theo quy hoạch, trong đó cần tận dụng cơ chế của Chính phủ, phát triển công nghiệp năng lượng, lợi thế của địa bàn được chọn xây dựng các nhà máy điện hạt nhân quốc gia để xây dựng hệ sinh thái đồng bộ của Trung tâm năng lượng quốc gia. Với những lợi thế trung tâm năng lượng sạch sẽ thu hút đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu lớn, trung tâm AI, công nghiệp bán dẫn, thực hiện chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Để hấp dẫn nhà đầu tư, thu hút doanh nghiệp, Ninh Thuận cần xây dựng môi trường đầu tư pháp lý mang tính cạnh tranh vượt trội. Việc tái khởi động xây dựng các nhà máy điện hạt nhân không làm thay đổi định hướng quy hoạch phát triển tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà tạo thêm sự đột phá trong quá trình hình thành Trung tâm năng lượng quốc gia.
* PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng:
PGS.TS Bùi Quang Bình. Ảnh: P.Bình
Để tháo gỡ những “điểm nghẽn” nâng cao hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế, thời gian tới, Ninh Thuận cần xây dựng các chính sách ưu đãi hấp dẫn, tập trung vào các ngành kinh tế chiến lược như công nghiệp chế tạo, năng lượng tái tạo và dịch vụ hiện đại. Đặc biệt cần chuẩn bị các điều kiện cần để xây dựng nhà máy điện hạt nhân và dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa bàn tỉnh. Thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế nhằm giảm phụ thuộc ngành nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu kinh tế sang các ngành có giá trị như công nghệ cao, công nghệ chế biến sâu và dịch vụ hiện đại. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua các chương trình liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu lao động trong thời gian tới. Cần phân bổ nguồn lực hợp lý giữa vùng Đông, Tây để khai thác hiệu quả tiềm năng hai khu vực, trong đó ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ cơ bản và nông nghiệp công nghệ cao cho vùng phía Tây. Phát huy lợi thế kinh tế biển với các chính sách phát triển logistics cảng biển, chế biến thủy sản giá trị cao, du lịch biển. Đẩy nhanh đô thị hóa và hiện đại hóa hạ tầng đô thị nhằm thu hút lao động chất lượng cao, phát triển kinh tế-xã hội.
* PGS.TS Phạm Trung Lương, thành viên Tổ chuyên gia tư vấn Quy hoạch quốc gia:
PGS.TS Phạm Trung Lương. Ảnh: P.Bình
Nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới Ninh Thuận cần xác định, xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch đặc thù. Nghiên cứu hình thành tuyến đường sắt du lịch lên TP. Đà Lạt, đa dạng sản phẩm du lịch và trải nghiệm. Đặc biệt, với việc tái khởi động Dự án điện hạt nhân sẽ hình thành những sản phẩm du lịch mới gồm du lịch công nghiệp và du lịch giáo dục, thu hút khách quốc tế, nhà khoa học, sinh viên, chuyên gia đến nghiên cứu. Trước mắt, tỉnh cần quy hoạch rõ ràng khu phát triển du lịch đẳng cấp, khu du lịch đại trà trước khi đón nhận nhà đầu tư nhằm giảm năng lực cạnh tranh chung của dự án; đồng thời, kết nối nhiều hơn nữa “con sếu” đầu đàn trong phát triển du lịch đẳng cấp cao. Tăng cường liên kết hoạt động lữ hành kết nối tour với các tỉnh giáp ranh để khai thác, xây dựng hiệu quả thương hiệu “Điểm đến Ninh Thuận” trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Anh Tuấn-Mỹ Dung