(NTO) Quy trình hấp cá và xử lý nước thải không đảm bảo vệ sinh môi trường nên ô nhiễm tại khu vực này ngày càng trở nên nặng nề. Cá biển khi vận chuyển về được đổ vào ướp trong những hồ xây chứa đầy nước muối. Sau khoảng một giờ thì cá được vớt ra từng rổ, đổ lên khung lưới rửa qua nước lạnh trước khi được nhúng vào trong nồi nước muối đang sôi sùng sục. Sau 5 phút hấp trên lò thì cá được vớt ra phơi hai nắng là có thể khô, đóng gói được.
Quy trình sản xuất và xử lý nước thải ở các lò hấp cá không đảm bảo, gây ô nhiễm môi trường.
Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một lò cá hấp ở đây cho biết: “Trung bình mỗi ngày cơ sở của chị hấp được 10 tấn cá. Có ngày nhiều cá và đủ nhân lực có thể hấp với “công suất” 20 tấn/ngày. Theo đó cũng phải dùng rất nhiều nước để xử lý. Toàn bộ nước xả ra sẽ chảy dồn về hố đất sau khu vực lò hấp”.
Toàn thôn hiện có trên 30 lò cá hấp cá, chủ yếu hoạt động từ tháng 4 đến tháng 11 hàng năm – đây được coi là mùa biển “no” có nhiều cá nục, cá cơm. Do đây là hoạt động thời vụ, lại chưa được sự quan tâm đầu tư của các chủ cơ sở nên tình trạng ô nhiễm thường xuyên diễn ra, tuy nhiên hiện vẫn chưa có giải pháp nào hữu hiệu để khắc phục. Qua mỗi mùa hấp cá, lượng nước thải ra rất nhiều, tuy nhiên tất cả các lò hấp đều không có hệ thống xử lý nước thải đảm bảo. Lâu ngày nước thải không chỉ ngấm vào đất mà bị vi sinh vật phân hủy, bốc mùi hôi thối và gây ô nhiễm môi trường chung quanh.
Trước thực trạng ô nhiễm tại các cơ sở hấp cá và kiến nghị của người dân, rất mong chính quyền địa phương, các ngành liên quan cần có giải pháp quyết liệt và hiệu quả để đảm bảo đời sống sinh hoạt cho người dân. Các chủ cơ sở sản xuất cần phải có ý thức, trách nhiệm chủ động đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải phù hợp, đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình sản xuất, trước hết là giữ môi trường sống trong lành, không ảnh hưởng đến sức khỏe của chính mình và cộng đồng. Mặt khác, đảm bảo phát triển nghề bền vững gắn với sản xuất sạch và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Anh Tuấn