UBND tỉnh họp nghe báo cáo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thuận Nam

Sáng 3/12, đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thuận Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng đô thị Cà Ná và Quy hoạch phân khu xây dựng khu vực đầm Cà Ná, khu vực đấu nối hạ tầng kỹ thuật, huyện Thuận Nam.

Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thuận Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa Quy hoạch tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đề án “Phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Quy hoạch định hướng tổ chức không gian phát triển toàn bộ ranh giới hành chính huyện Thuận Nam như: Không gian xây dựng đô thị, nông thôn, không gian công nghiệp tập trung, không gian du lịch, không gian sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và không gian cảnh quan. Phát huy lợi thế của vùng quy hoạch về vị trí địa lý, dân cư và lao động, kinh tế - xã hội của vùng. Đồng bộ quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch kinh tế - xã hội. Làm cơ sở để quản lý về hoạt động xây dựng, đảm bảo sự phát triển không gian đúng với các định hướng đã đề ra. Trong đó, xác định huyện Thuận Nam là hạt nhân trong phương án phát triển Khu kinh tế ven biển phía Nam tỉnh với quy mô dự kiến khoảng 43.900 ha); là động lực tăng trưởng mới của tỉnh với các dự án động lực, có quy mô lớn như: Cảng và dịch vụ cảng, logistics, năng lượng, năng lượng tái tạo, các ngành công nghiệp nặng, quy mô lớn, các khu đô thị hiện đại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khai thác lợi thế về giao thông, các đặc trưng du lịch sinh thái, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đồng chí Lê Huyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Phát biểu kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Trách nhiệm lập Đồ án Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thuận Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là của chính quyền địa phương và các ngành liên quan. Việc lập quy hoạch phải có tầm nhìn tốt, dự báo được tương lai để khi triển khai phù hợp với thực tiễn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thuận Nam và của tỉnh. Đồng chí đề nghị UBND huyện Thuận Nam và các sở, ngành liên quan phải xem đây là trách nhiệm của mình, phối hợp với đơn vị tư vấn điều chỉnh lại quy hoạch theo hướng tích hợp với các quy hoạch của Trung ương và của tỉnh; nhất là định hướng của Quốc hội và Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.