Theo bản tin của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh: Hồi 13 giờ ngày 06/11, vị trí tâm ở vào khoảng 18,1 độ Vĩ Bắc; 124,4 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc đảo Lu Dông.. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14 (134-166km/h), giật cấp 7. Di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10km/h.
Dự báo trong 24 giờ tới, khu vực biển tỉnh Ninh Thuận có mưa rào và dông rải rác. Gió trên biển có hướng Đông Bắc mạnh cấp 5, cấp 6, giật cấp 7, cấp 8. Biển động. Sóng biển cao sóng từ 2,0-4,0m.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của bão, Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị:
1. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý Khai thác các Cảng cá và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố ven biển:
- Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; tổ chức kiểm đếm tàu, thuyền; thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm.
- Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi; kiểm tra, hướng dẫn neo đậu tàu thuyền tại bến, cảng đảm bảo an toàn cháy nổ, an ninh trật tự, xã hội. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu do bão YINXING gây ra.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chủ động triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa thực hiện vận hành an toàn các hồ chứa thủy lợi, căn cứ tình hình vùng hạ du nhằm chủ động vận hành, tích nước hợp lý đảm bảo an toàn công trình và hạn chế ngập lụt cho vùng hạ du.
3. Sở Công Thương: Phối hợp với UBND các huyện, thành phố có kế hoạch chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu cung ứng cho Nhân dân; chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện thực hiện đúng các quy trình vận hành đã được phê duyệt
4. Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn cho tàu thuyền vận tải hoạt động trên biển (kể cả Tàu du lịch); phối hợp với Công an tỉnh và các địa phương chỉ đạo triển khai công tác bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trên các trục giao thông chính.
5. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hệ thống hạ tầng thông tin, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão, lũ trên địa bàn tỉnh trong mọi tình huống.
6. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch: Chỉ đạo các Doanh nghiệp, các Công ty lữ hành, các cơ sở lưu trú, rà soát, kiểm tra và xây dựng phương án ứng phó thiên tai cho từng đơn vị, thống kê số du khách đang lưu trú tại các khu du lịch, các khu nghỉ dưỡng, hướng dẫn di dời đảm bảo an toàn cho du khách khi bão ảnh hưởng đến tỉnh Ninh Thuận.
7. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố: Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, mưa lũ; phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở; rà soát, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, nhất là khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ảnh hưởng của sóng lớn, ngập sâu, sạt lở, trên tàu thuyền tại nơi neo đậu, trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản, khu dân cư có nguy cơ bị sạt lở, lũ quét,…; chỉ đạo, hướng dẫn việc chằng chống bảo đảm an toàn nhà cửa, trụ sở, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm an toàn giao thông, nhất là trước và trong khi bão khi bão đổ bộ và mưa lũ,…
8. Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Ninh Thuận: Tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi diễn biển của bão, mưa lũ để tính toán lưu lượng nước vào hồ và căn cứ tình hình vùng hạ du để điều tiết, tích nước, xả lũ hợp lý nhằm đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du; phối hợp với các địa phương thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn không cho người dân và phương tiện đi lại trong hồ và tràn xả lũ.
9. Các Ban quản lý dự án, các Chủ đầu tư: Đang triển khai xây dựng các công trình ven biển, đặc biệt là các công trình công trình Khắc phục sạt lở Kè khu dân cư xã Cà Ná, huyện Thuận Nam và công trình Khắc phục sạt lở Kè tại khu phố Ninh Chữ 1, huyện Ninh Hải (Chi cục Thuỷ lợi); Dự án thành phần Xây dựng mới kè chắn sóng và kè chắn lũ thôn Thái An (Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ninh Hải): Kiểm tra biện pháp thi công công trình đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão; đảm bảo an toàn cho người, thiết bị, công trình và công trình lân cận; kiểm tra biện pháp neo giữ, gia cố giàn giáo thi công, đặc biệt công tác đảm bảo an toàn đối với cần trục tháp, máy vận thăng và các thiết bị làm việc trên cao trước trong mùa mưa bão.
10. Đài Thông tin Duyên hải Phan Rang theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão để tiếp nhận, xử lý thông tin kịp thời và thông báo thường xuyên cho các tàu thuyền tránh trú an toàn.
11. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Ninh Thuận và các phương tiện thông tin đại chúng: Tăng cường đưa tin cho người dân nắm được thông tin về diễn biến và dự báo bão, mưa lũ để chính quyền các cấp và nhân dân biết chủ động phòng tránh, ứng phó.
12. Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi diễn biến của bão, thường xuyên thông báo cụ thể để Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo và thông báo cho nhân dân biết chủ động phòng, tránh.
13. Văn Phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên theo dõi diễn biến của bão để tham mưu kịp thời cho Lãnh đạo Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh xử lý các tình huống có thể xảy ra.
14. Yêu cầu các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh và Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố: Tổ chức trực ban nghiêm túc (24/24 giờ), thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (Địa chỉ số 01 Nguyễn Khuyến, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) để tổng hợp báo cáo.
(Gửi kèm Công điện số 8356/CĐ-BNN-ĐĐ ngày 06/11/2024 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)