Những lợi ích kinh tế tiềm năng từ lưới điện ASEAN

Lưới điện kết nối các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) sẽ mang lại nhiều lợi ích khác cho các quốc gia trong khu vực ngoài việc cung cấp điện xanh, bao gồm tạo ra việc làm mới, giảm ô nhiễm không khí và đầu tư đáng kể cho ngành năng lượng.

Theo phóng viên TTXVN tại Singapore (Xin-ga-po), phát biểu vào ngày thứ ba của Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore (21-25/10), Tiến sĩ Daniel Gaspar, Phó giám đốc Sáng kiến Net Zero World đã trình bày những phát hiện trong nghiên cứu khả thi về kết nối năng lượng khu vực. Nghiên cứu kết luận rằng sự kết nối như vậy sẽ mang lại những lợi ích kinh tế - xã hội đáng kể cho khu vực.

Những lợi ích này sẽ bao gồm khoản đầu tư 2 tỷ USD hằng năm cho nghiên cứu và phát triển và 1.400 tỷ USD tích lũy để xây dựng năng lực phát điện. Tiến sĩ Gaspar lưu ý rằng bằng cách trở thành một phần của lưới điện khu vực, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của mỗi quốc gia cũng có thể tăng khoảng 0,8-4,6%.

Nghiên cứu kết nối khu vực do Mỹ và Singapore phối hợp thực hiện được bắt đầu vào tháng 4/2023. Các bên đã xem xét bối cảnh năng lượng tái tạo và cơ sở hạ tầng lưới điện hiện có của các nước ASEAN, cùng với tác động kinh tế-xã hội của việc có kết nối khu vực.

Sáng kiến Net Zero World, được đưa ra vào năm 2021, là quan hệ đối tác mới giữa Mỹ và các quốc gia đang tìm cách thực hiện các cam kết về tham vọng khí hậu và chuyển sang hệ thống năng lượng ròng bằng không.

Lưới điện ASEAN đã được xây dựng trong nhiều thập kỷ, nhưng chỉ thực sự đạt được tiến triển với việc triển khai dự án thí điểm nhập khẩu điện Lào-Thái Lan-Malaysia-Singapore vào năm 2022. Đây là dự án tiên phong cho lưới điện ASEAN. Theo dự án này, 100MW thủy điện đang được truyền tải từ Lào đến Singapore, qua Malaysia (Ma-lai-xi-a) và Thái Lan. Sau đó, dự án này đã được mở rộng để bao gồm thêm 100 MW từ lưới điện của Malaysia vào tháng 10/2024, sau khi tiến độ của giai đoạn thứ hai bị đình trệ. Tuy nhiên, điện sẽ bao gồm hỗn hợp các nguồn phát điện, trong đó có cả than và khí tự nhiên.

Việc các quốc gia được tự do mua bán điện thông qua lưới điện khu vực sẽ cho phép họ đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng, trong khi vẫn đảm bảo an ninh năng lượng. Một lưới điện như vậy sẽ ngăn chặn nguy cơ gián đoạn nguồn năng lượng tái tạo, bằng cách phân phối năng lượng hiệu quả hơn.

Tiến sĩ Gaspar lưu ý rằng khoảng 99% dân số trong khu vực sẽ được hưởng lợi khi ô nhiễm không khí giảm khoảng một nửa, giúp giảm 15.000 ca tử vong mỗi năm do ô nhiễm. Nguyên nhân hàng đầu gây ô nhiễm không khí trong khu vực phát sinh từ việc sử dụng các nhà máy điện chạy bằng than, vốn thải ra nhiều carbon và cung cấp điện cho phần lớn các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là ở Indonesia (In-đô-nê-xi-a) và Philippines (Phi-líp-pin).

Nghiên cứu cho thấy việc tăng cường kết nối khu vực cũng có thể tạo ra một số lượng lớn việc làm - từ ít nhất 2.000-9.000 việc làm mỗi năm cho khu vực. Những việc này sẽ nằm trong lĩnh vực sản xuất năng lượng tái tạo, bao gồm cáp và các thiết bị liên quan khác.

Nghiên cứu cũng xem xét chi phí đầu tư ban đầu ước tính cho việc lắp đặt cáp ngầm sẽ kết nối khu vực, cho phép truyền tải "lượng năng lượng tái tạo đáng kể" giữa các quốc gia. Tiến sĩ Gaspar nhận định chi phí xây dựng các tuyến cáp ngầm dài - vốn có thể tiêu tốn tới hàng tỷ USD - có thể không còn quá lớn khi được chia sẻ giữa các quốc gia trong khu vực.

Tiến sĩ Gaspar cho biết giai đoạn thứ hai của nghiên cứu sẽ xem xét các khuôn khổ pháp lý và cách thức để lưới điện có thể phù hợp với luật pháp quốc tế.

Singapore đã cam kết nhập khẩu 7,35GW điện sạch từ Campuchia, Việt Nam và Indonesia và Australia (Ô-xtrây-li-a).