Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai chương trình xây dựng pháp luật 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012

Ngày 19-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức hội nghị triển khai chương trình xây dựng pháp luật 6 tháng cuối năm 2011 và năm 2012 dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Theo Nghị quyết số 07/2011/QH13 được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ký ban hành ngày 11/8/2011, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 có nhiều dự án Luật được đẩy nhanh tiến độ. Theo đó, các dự án Luật Cơ yếu, Luật Biển Việt Nam được vào Chương trình thông qua tại kỳ họp thứ 2 (dự kiến khai mạc trong tháng 10 tới); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật, Phòng, chống rửa tiền được đưa vào Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2. Dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về biểu thuế bảo vệ môi trường cũng được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011.

Trong năm 2012, Chương trình chính thức dự kiến trình Quốc hội thông qua 14 dự án luật, cho ý kiến về 7 dự án luật khác tại kỳ họp đầu năm. Kỳ họp cuối năm dự kiến thông qua 9 dự án luật và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Cũng trong năm 2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thông qua các dự án pháp lệnh thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 nhưng chưa được thông qua và thêm 2 dự án mới, gồm: Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ngoại hối và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đại diện các cơ quan được giao chủ trì soạn thảo các dự án luật, pháp lệnh như Bộ Tư pháp, Bộ giáo dục – Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch... đều cho biết, đa số các dự án trong chương trình 6 tháng cuối năm 2011 và 2012 đã cơ bản hoàn tất, đã trình hoặc sẽ trình Chính phủ cho ý kiến trong phiên họp thường kỳ tháng 8 và tháng 9 tới. Hầu hết các dự án không có vướng mắc lớn.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến tại phiên họp đều nêu ra tình trạng đã và đang xảy ra bấy lâu nay: chương trình xây dựng pháp luật thường không được hoàn thành như dự kiến ban đầu, dù đã được Quốc hội phê chuẩn. Tiến độ trình nhiều dự án không đảm bảo thời gian, nhiều dự án được đưa thêm vào rồi lại rút ra do không chuẩn bị kịp. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh: “Hoàn thành đúng tiến độ các dự án luật, pháp lệnh cũng quan trọng không kém việc đảm bảo chất lượng”. Phó Chủ tịch yêu cầu các cơ quan có liên quan quan tâm phân bổ ngân sách kịp thời cho công tác xây dựng pháp luật.

Đặc biệt, theo ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cách thức làm luật rất cần được cải tiến, gắn liền với tiến trình đổi mới kỳ họp Quốc hội.

“Không nên để Quốc hội phải mất thời gian vào việc tranh luận về khái niệm, từ ngữ và kỹ thuật làm luật. Đồng thời, đề nghị phải tính kỹ việc giao cho cơ quan nào chủ trì soạn thảo, cơ quan nào chủ trì thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, vì việc này sẽ quyết định rất lớn đến hình hài và nội dung của sản phẩm luật, pháp lệnh”, ông Phúc nhận định. Đơn cử như quảng cáo là một hoạt động có liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, xã hội đến văn hóa... nên cùng một dự án Luật Quảng cáo mà giao cho Bộ Văn hóa , Thể thao và Du lịch sẽ được một sản phẩm rất khác với khi giao cho Bộ thông tin và Truyền thông.

Tương tự, với dự án Luật Đô thị, ông Phúc nêu vấn đề: “Vấn đề cốt lõi của luật này là gì? Có phải là chính quyền đô thị không hay là quản lý môi trường đô thị? Từ đó thì giao cho Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường chủ trì thẩm tra đã thực sự “hợp vai” chưa”?

Đồng tình với một số kiến nghị của ông Nguyễn Văn Phúc về xác định cơ quan soạn thảo, thẩm tra...; Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết tới đây sẽ tổ chức hội nghị về cải tiến quy trình, cách thức xây dựng pháp luật. “Việc thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh cũng có nhiều mức độ khác nhau, có cơ quan chủ trì, có cơ quan phối hợp cùng làm để đảm bảo hiệu quả cao nhất”, đồng chí Uông Chu Lưu nói thêm.

Nguồn Báo SGGP