Dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh: Quảng Ngãi, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận; các chuyên gia, doanh nghiệp.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận dự hội nghị.
Sau 1 năm triển khai thực hiện Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ, các tỉnh thành đã quan tâm xây dựng kế hoạch và tích cực triển khai thực hiện thỏa thuận hợp tác đã được ký kết, tạo môi trường và động lực cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư chủ động liên kết, hợp tác giao thương. Các sở, ban, ngành và các đơn vị có liên quan của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ đã chủ động trao đổi thông tin, kinh nghiệm; tích cực phối hợp tổ chức và triển khai thực hiện các sự kiện hợp tác tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh trong vùng. Kế hoạch triển khai của các địa phượng đã xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ, giải pháp, phân công rõ đơn vị chủ trì thực hiện, cơ quan đầu mới liên lạc, trao đổi thông tin, phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các nội dung hợp tác; phối hợp thực hiện các hoạt động kết nối cung - cầu , xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm các địa phương. Nhiều nội dung hợp tác cụ thể giữa các địa phương trong từng năm và giai đoạn 2024-2025 đã được định hình, thống nhất phối hợp triển khai, trong đó đã tổ chức đưa các sản phẩm OCOP vào các hệ thống phân phối trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, quảng bá đến ngưởi tiêu dùng thành phố quy mô hơn 10 triệu người; từng bước tạo được mối quan hệ hợp tác trên lĩnh vực thương mại, giao thương hàng hóa giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ; góp phần thực hiện bình ổn thị trường trên địa bàn thành phố, đồng thời hỗ trợ nhà sản xuất tìm được đầu ra ổn định, bền vững, từ đó mạnh dạn đầu tư, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô. Các sự kiện liên kết vùng ở các ngành, lĩnh vực đã có sự lan tỏa để triển khai hợp tác trong thời gian tới, tạo dấu ấn cho nền kinh tế của từng địa phương.
Đồng chí Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Sau 1 năm triển khai Thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực về xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch, nông nghiệp, trong đó đã phối hợp tổ chức thành công Chương trình kết nối cung - cầu giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ; tham gia chương trình Ngày hội Du lịch và tổ chức họp báo về Lễ đón Bằng công nhận của UNESCO ghi danh “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp” và Lễ hội Nho-Vang Ninh Thuận; tham gia tổ chức Hội chợ du lịch quốc tế TP. Hồ Chí Minh; hội nghị chia sẻ thông tin trong lĩnh vực nông nghiệp; hội nghị chuyên đề về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, góp phần mở thêm cơ hội mới cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Ninh Thuận. Qua đó, khẳng định chủ trương hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa tỉnh Ninh Thuận nói riêng, các tỉnh Duyên hải Trung bộ nói chung và TP. Hồ Chí Minh hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thắt chặt mối quan hệ hợp tác, tạo tiền đề phát triển hợp tác lâu dài giữa các địa phương.
Đồng chí Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Ninh Thuận trao đổi với lãnh đạo UBND TP. Hồ Chí Minh và lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định về nội dung hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa các tỉnh, thành.
Để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả hợp tác, công tác xúc tiến đầu tư của TP. Hồ Chí Minh vào địa phương trong thời gian tới, tỉnh Ninh Thuận đề nghị UBND TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ, triển khai thực hiện 5 nội dung trọng tâm hợp tác, gồm: Du lịch; y tế; kết nối giao thông-vận tải; xúc tiến đầu tư, thương mại, dịch vụ; chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về nông nghiệp và phát triển nông thôn. Với truyền thống hiếu khách và khát vọng vươn lên của con người Ninh Thuận, chúng tôi sẵn lòng chào đón và tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách ưu đãi, thủ tục đầu tư thông thoáng, nhanh chóng để các nhà đầu tư TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh thành và đối tác trong và ngoài nước đến với Ninh Thuận tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh.
Phát biểu tổng kết hội nghị, đồng chí Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP, Hồ Chí Minh nhìn nhận, chương trình hợp tác đã có những hiệu ứng tích cực, tác động rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh của vùng. Để tiếp tục phát huy hiệu quả việc hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh đề nghị lãnh đạo các địa phương tiếp tục quan tâm, đồng lòng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của địa phương tăng cường phối hợp với các sở, ngành, đơn vị của TP. Hồ Chí Minh tập trung triển khai thực hiện tốt Chương trình hợp tác giai đoạn 2024 - 2025 với 11 sự kiện cấp vùng và 11 nội dung hợp tác song phương, tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm: Thúc đẩy hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch; hỗ trợ kết nối cung - cầu tiêu thụ hàng hóa giữa các địa phương, đẩy mạnh xuất khẩu; liên kết phát triển du lịch; hỗ trợ phát triển y tế, phát triển giáo dục và đào tạo…
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định thực hiện thủ tục trao quyền đăng cai tổ chức hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác cho tỉnh Quảng Ngãi.
Kết thúc hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định đã thực hiện thủ tục trao quyền đăng cai tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Duyên hải Trung bộ giai đoạn 2023-2025 cho tỉnh Quảng Ngãi.
Anh Tùng