Mang con chữ đến với trẻ em miền núi Bác Ái

Với giáo viên (GV) công tác ở huyện miền núi Bác Ái, ngoài tâm huyết với nghề, hành trang thầy cô giáo mang theo còn là tình yêu vô bờ bến dành cho các em học sinh (HS). Giấc mơ con chữ của học trò vùng cao luôn được nuôi dưỡng từ những hy sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo nơi đây.

Đến Trường Tiểu học (TH) Phước Tiến B ở thôn Suối Rua, xã Phước Tiến nơi có 229 em HS là con em đồng bào dân tộc Raglai đang theo học chúng tôi ghi nhận những thầy, cô giáo luôn nỗ lực bám trường, bám lớp tất cả vì HS thân yêu. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh, GV chủ nhiệm lớp 3A, Trường TH Phước Tiến B, chia sẻ: Tôi tham gia giảng dạy tại huyện miền núi Bác Ái đã 23 năm, ngày mới ra trường nhận nhiệm vụ tại Trường TH Phước Thành, 3 năm sau đó chuyển về Trường TH Phước Tân và hiện nay đang công tác ở Trường TH Phước Tiến B. Những ngày đầu về công tác bản thân rất bỡ ngỡ, nhưng bằng lòng nhiệt huyết của một GV trẻ mới ra trường, sự quý trọng, yêu thương của người dân nơi đây, tôi đã cố gắng vượt qua những khó khăn, thử thách để mang “con chữ” đến với trẻ em vùng cao. Em Pi Năng Thị Nguyệt, HS lớp 3 A, cho biết: Em rất vui khi đến trường học, em rất biết ơn các thầy cô giáo ở xa lên đây để dạy học cho chúng em. Em hứa sẽ chăm chỉ học tập để không phụ lòng thầy, cô giáo.

Giờ lên lớp của cô giáo Lương Thị Hoài An, Trường Tiểu học Phước Tiến B,
xã Phước Tiến (Bác Ái).

Cũng như cô giáo Thanh, cô giáo Lương Thị Hoài An, GV chủ nhiệm lớp 1A, Trường TH Phước Tiến B, mỗi ngày đến trường mang con chữ đến với các em là niềm vui trong cuộc sống. Cô giáo An, tâm sự: Tôi lên huyện Bác Ái dạy từ năm 2013, ngày đầu về nhận công tác tại Trường TH Phước Bình B được 3 năm sau đó chuyển về Trường TH Phước Tiến B gần 8 năm. Với thầy, cô giáo đang công tác ở huyện miền núi gặp rất nhiều khó khăn như khoảng cách địa lí xa, các em HS tiếp nhận kiến thức có những hạn chế hơn các em ở miền xuôi, chính vì vậy trong quá trình giảng dạy, bản thân các thầy, cô giáo phải có những phương pháp để truyền đạt kiến thức đến các em một cách dễ hiểu nhất, giúp các em cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Thầy giáo Nguyễn Văn Khẩu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường có 23 cán bộ, GV, hầu hết ở dưới xuôi lên vùng cao dạy học. Tuy cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nhưng với tinh thần yêu nghề, mến trẻ, các GV luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, để vận động HS ra lớp đạt 100%, bên cạnh việc tổ chức các hoạt động học tập, vui chơi tại trường, nhiều trường còn phối hợp với chính quyền địa phương trực tiếp đến tận nhà các em HS để vận động. Ngoài ra, nhiều trường đã ứng dụng điện thoại thông minh để thành lập các nhóm Zalo giữa GV và phụ huynh nhằm dễ dàng phối hợp trong quản lý, nhắc nhở các HS đến trường. Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Nhung, GV chủ nhiệm lớp 1B, Trường TH Phước Thắng cho biết: Hầu hết các con đường từ thôn đến xã đều đã quen thuộc với các thầy, cô giáo khi đi vận động HS đến trường, có nhiều nhà phải đi 3 đến 4 lần mới gặp được phụ huynh và HS. Dù vất vả, gian nan, nhưng với tinh thần tất cả vì HS thân yêu, bao nhiêu khó khăn cũng không làm chùn bước các thầy, cô giáo. Bên cạnh đó, nhà trường vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm hỗ trợ sách, vở, quần áo… cho HS nghèo; xây dựng khu vui chơi giải trí, thư viện xanh, tạo môi trường học tập thân thiện. Nhờ đó đã tạo tâm thế phấn khởi cho các em khi đến lớp.

Cống hiến cho sự nghiệp trồng người ở những vùng đất khó khăn, sự hy sinh của thầy, cô giáo là vô cùng lớn, qua đó đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học ở huyện miền núi Bác Ái qua từng năm.