Là nơi diễn ra nhiều nghi lễ quan trọng trong Lễ hội Katê, đến nay tháp Po Klong Garai, phường Đô Vinh (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) đã cơ bản hoàn tất công tác chuẩn bị. Ông Thành Nhảy, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Hằng năm vào dịp Lễ hội Katê, tháp Po Klong Garai đón khoảng 70.000 du khách thập phương đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa Chăm. Để đảm bảo công tác tổ chức lễ hội đúng quy định của pháp luật, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc và phục vụ quảng bá du lịch địa phương, ngay trước lễ hội Ban quản lý khu di tích đã chủ động phối hợp với Hội đồng Chức sắc Bàlamôn để triển khai, rà soát, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị. Theo đó, Bảo tàng tỉnh đã thực hiện treo trên 3.000 panô, băng rôn,... tại dọc tuyến đường dẫn vào cụm Tháp Po Klong Garai và Po Rome; tổ chức dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh môi trường, cắt tỉa, chăm sóc cây xanh trong khuôn viên di tích. Cùng với đó, bố trí gian trưng bày giới thiệu 120 hiện vật, hình ảnh về lễ hội, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Chăm, đặc biệt hình ảnh về bảo vật quốc gia tượng thờ Vua Po Klong Garai... Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho người dân, Ban quản lý đã phối hợp đoàn nghệ thuật văn hóa Chăm, đội văn nghệ thôn Bàu Trúc biểu diễn phục vụ du khách trong những ngày diễn ra lễ hội. Đồng thời phối hợp với chính quyền, công an địa phương đảm bảo tình hình an ninh trật tự trong suốt lễ hội.
Các đội múa làng Chăm Hữu Đức (Ninh Phước) biểu diễn văn nghệ tại Lễ hội Katê 2023. Ảnh: V.M
Cùng với tháp Po Klong Garai, trước ngày diễn ra Lễ hội Katê, không khí tại khu vực tháp Po Rome, thôn Hậu Sanh (Ninh Phước) cũng rộn ràng không kém. Người dân đồng bào Chăm ở Ninh Phước tiến hành các nghi lễ dọn dẹp tháp, trang trí bằng những dải lụa và chuẩn bị các vật phẩm dâng cúng như trầu, cau, rượu, bánh trái. Các nghệ nhân làng nghề truyền thống cũng tham gia tạo ra những sản phẩm thủ công như đồ gốm, trang phục thổ cẩm để phục vụ cho nghi lễ và các hoạt động văn hóa trong dịp lễ. Không khí rộn ràng, sôi động nhưng không kém trang trọng tạo nên nét đẹp độc đáo của văn hóa đồng bào dân tộc Chăm.
Không chỉ tại các khu di tích, không khí lễ hội cũng lan tỏa đến các làng Chăm trong tỉnh. Về với thôn Thành Ý, xã Thành Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm) không khí rộn ràng vui tươi tràn ngập khắp ngõ xóm. Thôn Thành Ý hiện có 412 hộ, với 1.026 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào Chăm theo đạo Bàlamôn. Đời sống nhân dân đa phần dựa vào sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi. Sau quá trình nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đến nay diện mạo thôn Thành Ý ngày càng khởi sắc. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên. Tình trạng rác thải tồn đọng ven đường, cây cối um tùm đã được thay bằng những tuyến đường hoa khoe đủ sắc màu, những hàng rào cây xanh được chăm chút cẩn thận, những ánh điện trên đường sáng rực vào ban đêm giúp vùng quê nơi đây trở nên tươi mới hơn. Phát huy tinh thần “tự lực, tự cường” bà con trong thôn tích cực lao động sản xuất; đoàn kết hỗ trợ nhau về vốn, con giống; tham gia các lớp tập huấn khuyến nông, dạy nghề; duy trì, nhân rộng mô hình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa... Nhờ vậy, năng suất lúa đạt 65 tạ/ha, cuộc sống người dân có nhiều khởi sắc, hộ nghèo giảm còn 2 hộ, cận nghèo giảm còn 4 hộ, bà con nông dân chăm lo sản xuất, phát triển kinh tế, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Ông Châu Kim Mỹ, Bí thư Chi bộ thôn Thành Ý, chia sẻ: Để bà con vui đón Lễ hội Katê vui tươi, lành mạnh, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, ngoài việc kế hoạch tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí như văn nghệ, thể dục thể thao,... chi bộ và Ban quản lý thôn đã quán triệt sâu kỹ cho bà con thực hiện tốt an ninh, chính trị, trật tự xã hội ở địa phương. Trong thời gian tới, Thành Ý tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, vận động bà con chung tay thực hiện tốt vệ sinh môi trường, đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa... góp phần cùng địa phương nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, cải thiện đời sống cho người dân cũng như tạo diện mạo của thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp để năm sau và các năm sau nữa bà con làng Chăm Thành Ý có nhiều mùa lễ hội sung túc, tươi vui.
Phó Cả sư Lưu Sanh Thanh, thôn Như Bình, xã Phước Thái (Ninh Phước) cho biết: Nhờ sự quan tâm và các chính sách hỗ trợ từ Đảng và Nhà nước, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Chăm ngày càng khởi sắc. Hạ tầng được đầu tư, các chương trình hỗ trợ sản xuất, bảo tồn văn hóa được chú trọng, giúp bà con đồng bào Chăm không chỉ phát triển kinh tế mà còn gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Nhờ vậy, không khí đón Lễ hội Katê năm nay thêm phần rộn ràng, vui tươi, thể hiện sự phấn khởi và lòng biết ơn của bà con đối với những chính sách thiết thực từ Đảng và Nhà nước.
Với sự chuẩn bị kỹ càng, chu đáo, hy vọng Lễ hội Katê sẽ để lại những ấn tượng đẹp trong lòng người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Mỹ Dung