UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ phát triển KT-XH 3 tháng cuối năm

Sáng 25/9, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Phiên họp trực tuyến kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) 9 tháng năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm. Tham dự có đồng chí Trần Minh Lực, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Long Biên, Lê Huyền.

Tình hình KT-XH 9 tháng năm 2024 duy trì ổn định, một số lĩnh vực chuyển biến khá. Tổng giá trị sản xuất 9 tháng ước đạt 42.087 tỷ đồng, tăng 8%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 3.540 tỷ đồng, tăng 29,2%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 2,6%; giải quyết việc làm đạt 92,6% KH, tăng 4,9%, đào tạo nghề đạt 97,7% KH năm và tăng 17,6% so cùng kỳ. Cụ thể trên một số lĩnh vực: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giá trị sản xuất đạt 11.526 tỷ đồng, tăng 4,13%; giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng tăng 10,4%; khâu đột phá về năng lượng tái tạo tiếp tục phát huy hiệu quả. Các ngành dịch vụ, giá trị sản xuất toàn ngành ước đạt 11.179 tỷ đồng, tăng 8,23%; thương mại, dịch vụ tiếp tục phục hồi và tăng khá, đã thu hút trên 3,2 triệu lượt khách, đạt 100,1% KH và tăng 20%, doanh thu từ hoạt động du lịch tăng cao, tăng 68,8% so cùng kỳ. Tính đến ngày 20/9, toàn tỉnh giải ngân đạt 54,6%, cao hơn mức bình quân cả nước (47,8%), ước đến cuối tháng 9 giải ngân đạt 63% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH thời gian qua. Đồng thời nhấn mạnh, để bảo đảm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu tăng trưởng và phát triển KT-XH năm 2024, yêu cầu các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là chỉ đạo quyết liệt 3 khâu đột phá và 6 ngành lĩnh vực trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng. Theo dõi và dự báo sát tình hình chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ trong những tháng cuối năm; chủ động phòng ngừa dịch bệnh cho đàn gia súc, khuyến khích phát triển khai thác hải sản, nuôi biển theo hướng hiện đại. Triển khai các quy định về khung giá, cơ chế đấu thầu các dự án năng lượng tái tạo; kêu gọi thu hút đầu tư dự án, đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án năng lượng hoàn thành, nối lưới sớm tạo giá trị gia tăng mới; đẩy nhanh tiến độ triển khai Đề án thành lập Trung tâm Công nghiệp và Dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng tại Ninh Thuận; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mời gọi đầu tư thứ cấp vào các các khu, cụm công nghiệp; kích cầu tiêu dùng, kết nối thông tin và hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhất là các sản phẩm địa phương có thế mạnh. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đồ án quy hoạch xây dựng; đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số khu đô thị mới, khu dân cư, các dự án du lịch trọng điểm, quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch; kết nối, quảng bá sản phẩm mới nhằm thu hút khách du lịch, thúc đẩy các ngành dịch vụ phát triển. Có giải pháp quản lý trật tự xây dựng, tháo gỡ khó khăn các dự án nhằm khơi thông nguồn lực, sử dụng đất, tài nguyên khoáng sản hiệu quả. Thực hiện hiệu quả các giải pháp thu ngân sách đảm bảo thu đúng, thu đủ, chống thất thu. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các chủ đầu tư thực hiện quyết liệt các giải pháp để tăng tốc, bứt phá trong giải ngân vốn đầu tư công và 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Tiếp tục rà soát sắp xếp mạng lưới trường học và công nhận mới trường đạt chuẩn quốc gia; triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chủ động giám sát, tăng cường công tác y tế dự phòng và phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm; quan tâm thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh xã hội, người có công. Tập trung triển khai chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo đến cuối năm 2025 theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện hiệu quả Đề án chuyển đổi số của tỉnh và Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể về chuyển đổi số trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh công việc. Đẩy mạnh việc khắc phục các kết luận thanh tra, kiểm tra tại các ngành, đơn vị địa phương. Giải quyết dứt điểm các nội dung vụ việc khiếu kiện. Triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới; làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông, trật tự an toàn xã hội.