Hồi tháng 12/2023, WB cam kết nâng tỷ lệ tài trợ hằng năm dành cho các hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu từ 35% lên 45% từ tài khóa 2025 (bắt đầu từ tháng 7/2024). Song WB cho biết đang tiến gần tới mục tiêu trên trong tài khóa 2024, khi gần 44% trong tổng số 97 tỷ USD mà thể chế tài chính này cam kết đã được dành cho các dự án liên quan đến khí hậu.
Trong thông báo, WB nêu rõ nguồn tài chính trên đã được phân bổ để hỗ trợ các nỗ lực chấm dứt đói nghèo trên thế giới, đầu tư vào năng lượng sạch, xây dựng những cộng đồng có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn.
Dưới sự lãnh đạo Chủ tịch Ajay Banga, WB đã đẩy mạnh các nỗ lực tài trợ cho các giải pháp khí hậu. Ông Banga đã đặt mục tiêu cải cách tổ chức này và tăng cường hỗ trợ cho các quốc gia đang vật lộn với tác động của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, giới quan sát chỉ ra rằng khoản tăng trong tài trợ khí hậu của WB vẫn là chưa đủ. Thế giới cần hàng nghìn tỷ USD nguồn lực bổ sung cần thiết hàng năm để tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch ở các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Sang năm tài chính 2025, tổng số tiền tài trợ cho các dự án khí hậu của WB đến từ tất cả các bộ phận của ngân hàng này. Chúng sẽ hỗ trợ các dự án từ xây dựng nơi trú ẩn bão ở Bangladesh (Băng-la-đét) đến các hệ thống xe buýt điện mới ở Cairo, Ai Cập và Dakar, Senegal (Xê-nê-gan).
Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Quốc tế (IBRD - bộ phận cho vay chính của WB dành cho các nước có thu nhập trung bình) và Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA- bộ phận chuyên phục vụ các nước nghèo nhất) cùng nhau cung cấp 31 tỷ USD tài trợ các dự án khí hậu, trong đó 10,3 tỷ USD hỗ trợ cụ thể cho các khoản đầu tư vào thích ứng và phục hồi sau thiên tai.
Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), bộ phận cho vay của khu vực tư nhân cũng cung cấp 9,1 tỷ USD tài trợ dài hạn. Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa phương (MIGA), bộ phận bảo hiểm rủi ro chính trị và tăng cường tín dụng của WB cũng cung cấp 2,5 tỷ USD tài chính cho vấn đề khí hậu trong năm tài chính này.
Một số công ty, tổ chức tài chính, thành phố và khu vực lớn nhất thế giới đã hợp lực để thúc đẩy các chính phủ nhanh chóng đưa ra kế hoạch cắt giảm khí thải cho Liên hợp quốc trước thời hạn tháng 2/2025.
Gần 200 quốc gia thành viên hiệp định trên có thời hạn cuối cùng vào tháng 2/2025 để đưa ra bản cập nhật các Mức đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), trong đó bao gồm các chính sách nhằm đáp ứng mục tiêu toàn cầu về giảm phát thải.
Theo TTXVN