Đua nhau sắm vàng để dành
Năm nào cũng vậy, đến gần năm học mới, chị Chamaléa Thị N. ở xã Ma Nới (Ninh Sơn) lại “thảy” bớt một con bò. Tiền bán bò, sau khi sắm cho mỗi đứa trẻ một bộ áo quần mới đến trường, đong dăm bao gạo, trả nợ hàng quán… chị "phóng khoáng" mua một lúc vài ký thịt heo về cả nhà đánh chén no nê bù đắp cho những ngày tháng cơm rau kham khổ. Nhưng năm nay lại khác, bán bò xong, cả hai vợ chồng đón xe thồ về huyện, đi thẳng vào tiệm vàng, mua 5 phân, số tiền còn lại mới chi tiêu cho các khoản khác. Tay mân mê xíu vàng, mắt chị trố ra: Tý tẹo như cọng râu bắp, mà giá trị bằng mấy tạ thóc. Chị N, thật thà: Nhà 5 miệng ăn, làm rẫy mùa được, mùa mất, nếu không có bò thì thiếu gạo ăn. Còn cực lắm, nhưng thấy hàng xóm đua nhau sắm vàng, mình cũng tiết kiệm mỗi thứ một ít mua vài phân.
Trước đây, đối với bà con vùng cao, nhạc cụ mã la là thứ tài sản có giá trị nhất. Nhà nào nhiều mã la được coi là giàu. Nhưng hiện nay khi cuộc sống thay đổi, họ "ngộ" ra vàng còn quý hơn nhiều lần những thứ khác. Không riêng gì người lớn, mà đám thanh niên cũng vậy. Anh Cao Thanh Phước ở xã Phước Đại (Bác Ái) có đứa con gái đến tuổi “bắt” chồng. Theo tập tục ở vùng cao, sau khi vật bò, mổ heo làm đám cưới rình rang mấy ngày liền, thì dù có nghèo mấy anh cũng phải vay mượn mua cho con một con bò để làm vốn. Mọi thứ chuẩn bị đầy đủ, đến gần ngày cưới đứa con thủ thỉ: “Ba làm một con heo đãi họ hàng hai bên, còn bò bán lấy tiền mua cho bọn con chỉ vàng phòng thân sau này”. Nghe con gái nói, anh Phước thầm vui, con cái trưởng thành, biết lo xa, phúc nhà to như ngọn núi.
Người ở thành thị đầu tư vào lĩnh vực vàng cũng là một “kênh” làm ăn. Ai nấy đều quan tâm đến giá vàng lên xuống từng ngày để quyết định nên mua hay bán. Còn đồng bào vùng cao chắt chiu từng ký bắp, con gà… mua được vài phân vàng theo kiểu phong trào nên không quan tâm nhiều đến giá. Vì thế khi mua giá vàng cao ngất ngưỡng, mà hôm sau giá lại tuột dốc họ cũng cười vui như “chuyện thường ngày ở huyện”.
Anh em từ nhau vì vàng
Vợ chồng anh Trần Văn T, chăm chỉ cày cuốc nên trong nhà có dư chút đỉnh. Cứ qua một mùa lúa sắm được dăm phân vàng, bán một lứa heo sắm thêm một chỉ. Tích góp dần dần rồi cũng có mươi chỉ giắt lưng. Đang khi chưa sử dụng số vàng vào việc gì, lại có người chị ở trên thành phố làm nhà kẹt tiền hỏi mượn nên vợ chồng anh gật đầu cái rụp. Vừa rồi nghe tin con đậu đại học, đi kề với niềm vui là nỗi lo kiếm tiền cho con nhập học. Tính qua tính lại, vợ chồng anh chỉ còn cách đón xe đò lên thành phố, trước báo tin mừng sau nữa hỏi chị lấy lại mấy chỉ vàng. Chị em lâu ngày gặp nhau tay bắt mặt mừng, nhưng khi đề cập đến chuyện vàng, chị sầm mặt: “Đang khi giá vàng cao ngất trên trời, đùng một cái cậu lại đòi, tui có mười tay cũng lo không kịp”. Thất thểu về nhà, anh T. bí quá, tiếp tục gọi điện nói chị xoay xở trước cho một ít. Đầu dây bên kia, tiếng chị oang oang: Con mày được như hôm nay là nhờ mấy năm trọ học ở nhà tao. Sau đó máy cứ típ típ... không liên lạc được!
Nhưng buồn nhất là chuyện mẹ con bà H. Cánh đây 7 năm, khi đứa con trai đầu vừa mới cưới vợ ra ở riêng, thấy chúng nó khổ, bà H. cầm hai chỉ vàng qua nhà cho con vay thêm vào mua được 1 sào đất. Đất đai thiếu nước khô cằn, sản xuất không được, đành bỏ hoang. Đùng một cái, mới đây có người hỏi mua với giá 60 triệu đồng, hai vợ chồng mừng rơn đồng ý liền. Nghe tin con trai bán đất, cộng với tức giận con dâu ăn ở với mẹ chồng không có trước có sau, nên bà H. đòi con chia đất làm hai, phần bà một nửa. Bà H. lý giải, giá đất khi mua 4 chỉ vàng, trong đó bà đóng vào 2 chỉ. Thằng con không chịu, cho mẹ ăn chặn mình. Lời qua tiếng lại, cuối cùng hai mẹ con không nhìn mặt nhau.
Trong bối cảnh này, mỗi người cần chuẩn bị tâm lý vững vàng, đừng để vì vàng mà đánh mất tình nghĩa đáng quý nhất.
Tuấn Anh