(NTO) Vẫn biết vào quân ngũ là phải rèn luyện kỷ luật quân đội với nhiều thách thức nhưng trên khuôn mặt mỗi thanh niên luôn rạng ngời niềm tự hào khi vinh dự được tiếp bước cha ông lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Thôn Bà Râu 1, xã Lợi Hải, nơi chúng tôi đến, là địa phương nhiều năm liền làm tốt công tác tuyển quân. Ban quản lý thôn, Chi đoàn Thanh niên tích cực tuyên truyền, vận động đã đành, mà cái chính là các thanh niên trong thôn ý thức được trách nhiệm của công dân đối với Tổ quốc như anh Ka-tơ Hu, mặc dù em ruột đang ở trong quân ngũ nhưng vẫn tình nguyện xin nhập ngũ đợt này. Em Chamaléa Phi Líp là một trong số ít học sinh ở thôn học lên lớp 12. Là con em đồng bào Raglay, được nhà nước ưu tiên, con đường học tập của em đang mở rộng, thế nhưng biết tin có đợt tuyển quân, em “gác bút nghiên” tình nguyện ghi tên đi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. “Từ khi biết tin trúng tuyển, cháu phấn khởi và tích cực lắm. Ngày nào cũng lên rẫy phụ giúp tôi làm cỏ bắp, chăn bò” – Ông Chamaléa Linh Vũ, cha của Phi Líp, nói. Trong khi trò chuyện, chúng tôi xúc động khi thấy ông Vũ cẩn thận xếp từng cuốn sách lớp 12 cất vào ngăn tủ để sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về con mình tiếp tục học tập lên cao. Điều ông Vũ lo xa cho con trai là có cơ sở, vì gia đình ông là gia đình hiếu học ở địa phương. Tất cả 6 anh, chị của Phi Líp đều học hết lớp 12, trong đó có 4 người học lên đại học, là tấm gương sáng để em noi theo.
Ở Thuận Bắc còn có cả trường hợp vừa học xong đại học vẫn ghi danh lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự như em Lê Vũ Hoàng Thông, ở thôn Hiệp Kiết, xã Công Hải. Chị Trần Thị Thu Thủy, mẹ Thông thổ lộ: “Cả nhà chỉ có mình nó học lên cao. Tôi đang tính xin việc làm cho cháu để sớm ổn định cuộc sống. Khi biết được ý định của cháu muốn vào quân ngũ ban đầu tôi cũng phân vân. Nhưng nghĩ lại quân đội là môi trường rèn luyện tốt nên mới động viên cháu đi khám nghĩa vụ quân sự”. Trong số những thanh niên đăng ký nghĩa vụ quân sự đợt này, Thông là người già dặn, từng trải hơn. “Bạn bè cùng trường học xong đứa nào cũng lao vào tìm việc làm kiếm tiền. Còn em thì nghĩ khác, đi bộ đội vừa hoàn thành nghĩa vụ của một công dân vừa trang bị thêm những vốn sống để vững bước vào đời. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ xin việc làm vẫn chưa muộn” – Thông tâm sự.
Đợt nhập ngũ này, có khá nhiều thanh niên là con em đồng bào Chăm, Raglay, trong số đó có người đã lập gia đình. Xa vợ, xa con trong một khoảng thời gian khá dài để đi làm nhiệm vụ thiêng liêng đối với Tổ quốc đó là điều ít thanh niên lựa chọn. Thế nhưng ở những vùng núi khó khăn có những người cha, người chồng, coi chuyện xa nhà vào quân đội nhẹ nhàng như vừa “cày xong đám rẫy”. “Mình bắt (cưới) chồng được 2 mùa rẫy rồi. Nó (chồng) đi bộ đội mình ở nhà nuôi con, lên rẫy một mình cực lắm. Nhưng nơi mình ở nhà nào có người đi bộ đội là dân làng kính phục, nên mình động viên nó an tâm lên đường, ở nhà mình tự nuôi con, làm rẫy cũng quen thôi”. Vợ anh Mai Heo ở thôn Cầu Đá, xã Phước Kháng, rụt rè nói.
Đây là năm thứ 2 các đơn vị nhận quân giao cho các địa phương thâm nhập, làm công tác “2 gặp, 4 biết” (gặp gia đình, gặp thanh niên; biết thái độ chính trị, biết hoàn cảnh gia đình, biết tuổi đời, biết trình độ văn hóa) vì vậy trách nhiệm của địa phương nặng nề hơn. Thượng tá Huỳnh Kim Minh, Phó Chỉ huy trưởng động viên tuyển quân, Ban chỉ huy Quân sự huyện Thuận Bắc cho biết, để công tác tuyển quân đảm bảo chất lượng, đủ quân số trên giao, huyện Thuận Bắc đã thực hiện nghiêm các bước tuyển chọn, phát lệnh nhập ngũ. Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện chỉ đạo các xã quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho thanh niên và gia đình có con em nhập ngũ. Trong tháng 8 này, từng xã tổ chức kết nạp đoàn viên cho thanh niên trúng tuyển, đặc biệt xem xét, giới thiệu kết nạp 2 đảng viên; tổ chức tặng quà, thăm hỏi động viên thanh niên trước lúc lên đường nhập ngũ.
Tuấn Anh